Gạo Việt “dò dẫm” tìm đường vào TPP

GD&TĐ - Các hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian qua đã mở ra những cơ hội không nhỏ về thị trường xuất khẩu (XK) cho hạt gạo Việt Nam. 

Gạo Việt “dò dẫm” tìm đường vào TPP

Nhưng các doanh nghiệp (DN) XK lại đang lo nhiều hơn mừng vì TPP đều có yêu cầu cao về mặt chất lượng, nhất là tồn dư lượng hoá chất hay truy xuất được nguồn gốc… đang là những điểm yếu khiến XK gạo của Việt Nam gặp khó khăn và vẫn đang phải “dò dẫm” tìm đường đi.

Loay hoay tìm đường vào thị trường lớn

TPP được xem là một thị trường rộng lớn với gạo Việt Nam. Theo ước tính của FAO, mỗi năm Malaysia nhập khẩu (NK) 1,1 triệu tấn gạo; Mỹ NK 700.000 tấn; Mexico NK 700.000 tấn; Canada cũng có nhu cầu NK hàng trăm ngàn tấn gạo mỗi năm… Còn tại thị trường Nhật Bản, mỗi năm khoảng 700.000 tấn gạo/năm, dù hợp tác song phương Việt – Nhật trong mọi lĩnh vực đều tiến triển nhưng lượng gạo Việt XK sang thị trường này vẫn được coi là thấp và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Đến nay chưa có bất cứ dấu hiệu tích cực nào cho thấy, việc bảo đảm chất lượng gạo XK được cải thiện vào thị trường này.

Nói về những khó khăn để tìm đường đưa gạo Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, không ít DN Việt có nhiều kinh nghiệm XK gạo sang các nước châu Âu, Mỹ, châu Phi… Thậm chí, có DN còn đầu tư hẳn hàng trăm ngàn ha để trồng loại gạo một loại gạo tròn (japonica) vốn là loại gạo thường dùng ở Nhật, đạt các tiêu chuẩn ISO, HACCP, có hệ thống giám sát chất lượng và bảo đảm an toàn… nhưng “dò dẫm” mãi mà vẫn không có cơ hội vào thị trường Nhật.

Theo đại diện thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, gạo Việt muốn sang Nhật thì chỉ có cách DN Việt phải liên kết với DN Nhật Bản chứ không thể trực tiếp tham gia đấu thầu. Đặc biệt, gạo Việt gần như không xuất hiện tại thị trường bán lẻ của Nhật. Gạo Việt chỉ dùng chính vào vài mục đích ở Nhật như làm hồ dán công nghiệp, hoặc xuất đi viện trợ cho châu Phi… Bởi vậy, nếu muốn vào được thị trường Nhật DN XK gạo nên tìm cách khác như chế biến gạo thành các sản phẩm như rượu, bún, bánh gạo, phở… thì mới có cơ hội.

Nhiều áp lực

Tình hình XK gạo dù được nhận định sẽ có khởi sắc trong những tháng tiếp theo của năm, song phía Bộ Công Thương vẫn tỏ ra “nóng ruột” với mặt hàng này. Trong Chỉ thị số 06/CT-BCT về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK trong năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký, Bộ này đã nhiều lần nhắc tới mặt hàng gạo khi yêu cầu Cục XNK, các vụ, cục khác cùng với Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện các biên bản ghi nhớ về thương mại gạo; xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại gạo…

Không những vậy, việc Thái Lan xả kho gạo cũng là tác động không nhỏ đến việc XK gạo của Việt Nam. Trước thông tin Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỷ USD, đại diện Bộ Công Thương cho biết đang đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy XK gạo bằng cách “hợp lực” với các đơn vị khác. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy phát triển thị trường XK gạo; phối hợp với VFA và các thương nhân XK, DN đầu mối tại các thị trường tập trung tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường...

Trong bối cảnh XK gạo quý II và quý III được các chuyên gia nhận định vẫn tiếp tục khó khăn do thiếu hợp đồng tập trung, cộng với đó là sự cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Pakistan… Vì vậy, muốn để gạo Việt vào được thị trường TPP các DN XK cần phải “bắt tay” nhau, cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các vướng mắc liên quan đến kiểm dịch, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... thì gạo Việt Nam mới có thể vào được các thị trường này.

4 tháng đầu năm 2016, nhờ các hợp đồng gối đầu đã ký với Philippines, Indonesia, đặc biệt là Trung Quốc từ cuối năm 2015, XK gạo của Việt Nam có phần khởi sắc. Tuy nhiên, sang tháng 5 và 6, giá gạo Việt Nam lại tụt xuống mức thấp nhất trong các nguồn cung (giá gạo trong nước giảm khoảng 250 đồng/kg, giá gạo XK chỉ đạt 375 - 380 USD/tấn nhưng đến nay chỉ còn khoảng 350 - 355 USD/tấn). Theo đó, XK gạo tháng 5 và 6 tiếp tục sụt giảm so với tháng trước đó và chỉ đạt khoảng 400.000 tấn. Đây cũng là mức XK thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ