Gánh nặng cho gia đình, xã hội từ rượu bia

Gánh nặng cho gia đình, xã hội từ rượu bia

(GD&TĐ) - Chấn thương sọ não, gãy tay, chân, gãy xương sườn, dập ổ bụng…, thậm chí còn mất cả tính mạng chỉ vì uống rượu bia rồi tham gia giao thông - đó là những hình ảnh chúng tôi ghi được từ các bệnh viện.  

Theo thống kê của Bệnh viện Việt - Đức, từ ngày 1 đến 19/ 9 có hơn 1.000 trường hợp TNGT vào cấp cứu, trong đó có 73 trường hợp có nồng độ cồn trong máu. Đây là con số khá lớn khi trong 6 tháng đầu năm chỉ có 143 trường hợp cấp cứu tại bệnh viện do TNGT có nồng độ cồn trong máu. 

Mất tương lai trong chớp mắt vì rượu, bia.

Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình II, Bệnh viện Việt - Đức vào đầu giờ sáng khá "nhộn nhịp". Nhộn nhịp ở đây là liên tiếp có các ca TNGT sau khi được cấp cứu vào điều trị. Phòng bệnh nhân nam trong tình trạng quá tải khiến bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang. Mỗi người bệnh mang một thương tật khác nhau, người thì phải treo chân, người thì treo tay, người thì băng bó dọc thân do gãy xương sườn, dập ổ bụng… nhưng đều có nguyên nhân là do TNGT.

Vào nhập viện được 1 tuần, bệnh nhân Trần Nông Hậu, ở xã Hưng Đạo, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã tỉnh táo trở lại sau cơn đau đớn vật vã và cú sốc kinh hoàng vì mất đi một bên chân trái. Năm nay Hậu mới 21 tuổi, chàng thanh niên đẹp trai này vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên với bao hoài bão và ước mơ. Nhưng chỉ vì vui bạn vui bè, uống rượu rồi tham gia giao thông mà trong chớp mắt, Chân trái của Hậu bị bánh ôtô chèn ngang, làm nát cả cẳng chân.

Hậu kể, được đưa đến Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu vào 2h ngày 12/9, nhưng các bác sĩ vẫn không cứu được một bên chân của Hậu dù đã nỗ lực hết sức. Hôm biết tin chân mình nếu không cắt sẽ bị nhiễm trùng toàn thân, suy đa tạng và ảnh hưởng đến tính mạng, Hậu đã bị sốc rất nặng. Không còn một bên chân, nghĩa là cuộc sống và tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn... Hậu không chấp nhận được điều đó, kêu khóc rất thương tâm. Nhờ sự động viên của bác sĩ, rằng sau khi lắp chân giả, Hậu vẫn đi lại, học tập và làm việc bình thường, chàng thanh niên này đã lấy lại được cân bằng.

Vô viện lúc nào không biết
Vô viện lúc nào không biết

Đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông.

Theo bác sĩ Lưu Hữu Thanh, cán bộ Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, trung bình một tháng, Bệnh viện Việt - Đức tiếp nhận khoảng 4.000 bệnh nhân bị chấn thương do TNGT, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, trong đó TNGT chiếm khoảng 60% số bệnh nhân đến cấp cứu. Mỗi ngày, Bệnh viện Việt - Đức tiến hành mổ cho khoảng 150 trường hợp, trong đó các trường hợp mổ cấp cứu do TNGT chiếm từ 30 đến 40 trường hợp.

Từ 1/9 đến 19/9, Bệnh viện Việt - Đức đã tiếp nhận hơn 1.000 ca bị TNGT vào cấp cứu, trong đó có 73 bệnh nhân qua kiểm tra có nồng độ cồn trong máu. Số lượng bệnh nhân này là từ các tỉnh chuyển lên và bệnh nhân trực tiếp đến bệnh viện. So sánh với 143 trường hợp bệnh nhân nhập viện do TNGT có nồng độ cồn trong máu trong 6 tháng đầu năm 2011, có thể thấy số lượng bệnh nhân nhập viện do rượu, bia có xu hướng tăng.

Qua công tác thăm khám và chữa trị cho các bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức cho thấy, bệnh nhân uống rượu, bia rồi tham gia giao thông dẫn đến tai nạn thường sẽ bị đa chấn thương. Đặc biệt, bệnh nhân nhập viện bị TNGT có uống rượu bia thường bị chấn thương sọ não.

Bác sĩ (BS) Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết Nghị định 32 của Chính phủ quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy ra đời vào cuối năm 2007 giúp giảm số vụ TNGT, các trường hợp chấn thương sọ não và tử vong giảm trong hai năm tiếp theo. Tuy nhiên, các năm sau đó TNGT tăng trở lại.

“Tại khoa Cấp cứu, 6-7 năm về trước, TNGT chiếm 40%, còn bây giờ là 23%. Nhìn trên tỉ lệ thì thấy TNGT giảm rõ rệt nhưng thực chất không giảm chút nào. Trước đây mỗi ngày có 45-50 ca trong 270 cấp cứu, còn giờ là 70-80 ca trong 320-350 ca cấp cứu/ngày. Bản thân mũ bảo hiểm không làm giảm TNGT mà nó được trang bị để đảm bảo hộp họ, đảm bảo mạng sống” - BS Ái nói.

Theo PGS-TS-BS Dương Minh Mẫn, Trưởng khoa Chấn thương sọ não BV Chợ rẫy, 60% nạn nhân bị chấn thương sọ não ở độ tuổi 15-45 (80% nam giới). Đây là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người. Tuy nhiên, khi họ bị chấn thương sọ não, không những gia đình mất đi trụ cột kinh tế, tinh thần mà còn phải chi trả viện phí, bỏ công chăm sóc nuôi dưỡng… “Chấn thương sọ não đã và đang để lại nhiều di chứng. Nó khiến bệnh nhân phải chịu đời sống thực vật, yếu liệt tay chân, mù mắt, rối loạn tâm thần, nhức đầu, chóng mặt kéo dài” - PGS Mẫn cho biết. 

Tháng ATGT (từ 1/ 9 đến 30/ 9) đang được triển khai trên toàn quốc nhằm tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các lỗi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Để không phải ân hận và mang những vết thương thể xác suốt cả cuộc đời, người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông. Đặc biệt "đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông".

- 22 ca TNGT/ngày. Nhiều nhất là gãy đùi, cẳng chân, vai… nhưng mức độ phức tạp hơn trước rất nhiều; 60% người bị TNGT kiểu này đều uống rượu bia đi xe máy.

- Chi phí sau khi bị chấn thương sọ não: Một ca chấn thương có máu tụ nội sọ, dò dịch não tủy phải điều trị 56 ngày, chi phí hơn 53,5 triệu đồng. Đây chỉ mới là viện phí thời gian có hạn, còn sau khi xuất viện, phải điều trị di chứng cảđời.

- Một ca chấn thương gãy xương rẻ nhất là 10 triệu đồng/lần điều trị (chỉ gãy một xương). Đa số từ 60 đến 100 triệu đồng, có ca đến vài trăm triệu đồng vì phải dùng nhiều dụng cụ, thuốc đắt tiền.

Số liệu từ khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy)

Văn Phúc - Anh Quang  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ