Gần Tết, nóng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

GD&TĐ - Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề nóng, là mối quan tâm hàng đầu với mọi người dân. Theo thông lệ, khi Tết Nguyên đán gần kề, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các đơn vị tăng cường sản xuất và tung ra nhiều mặt hàng. 

Gần Tết, nóng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Bên cạnh những sản phẩm chất lượng, có không ít mặt hàng không đảm bảo VSATTP được trà trộn trên thị trường, trở thành nỗi sợ của người tiêu dùng, làm đau đầu cơ quan chức năng.

Tập trung vào mặt hàng phục vụ Tết

Kiểm tra VSATTP là hoạt động thường xuyên của các địa phương. Tuy nhiên, vào dịp lễ, Tết, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, là dịp để cơ sở nhỏ lẻ tuồn hàng không đảm bảo chất lượng ra thị trường dưới nhiều hình thức nên các đoàn kiểm tra từ địa phương đến Trung ương được thành lập để kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Năm nay, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP có quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Các đoàn sẽ kiểm tra trọng điểm tại 12 địa phương, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, là điểm nóng về VSATTP…

Năm nào cũng vậy, Tết là dịp người dân tích trữ thực phẩm, biếu tặng người thân nên dự báo các thực phẩm có sức tiêu thụ lớn như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... sẽ tăng gấp 10 lần ngày thường. Kết quả kiểm tra các năm cho thấy, không ít sản phẩm kém chất lượng vẫn được bày bán công khai trên thị trường, ở nhiều khu vực khác nhau từ nông thôn đến thành thị và đôi khi có mặt ở cả miền núi. Do vậy, các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như bia, rượu, mứt, kẹo và thực phẩm tươi sống.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết: Điểm mới trong công tác kiểm tra năm nay là các đoàn thực hiện kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm tại chỗ và có thể tiến hành xử lý ngay khi có sai phạm. Riêng với mẫu phải làm trong phòng thí nghiệm cũng ưu tiên làm sớm để thông tin nhanh cho người tiêu dùng. Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết, đến ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, kiểm tra an toàn thực phẩm là trách nhiệm của các địa phương, việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành không có nghĩa sẽ làm thay nhiệm vụ của địa phương mà là tăng cường kiểm tra tại điểm nóng và đôn đốc, giám sát địa phương chưa mặn mà với công việc này.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Thói quen gắn bó với người dân bấy lâu là tích trữ thực phẩm để dùng trong mấy ngày Tết. Những ngày này, bà nội trợ nào cũng tất bật mua sắm để trang hoàng nhà cửa, để mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng đủ đầy. Tuy nhiên, thói quen trên đôi khi trở nên lỗi thời trong cuộc sống hiện đại bởi nhu cầu ăn của người dân dường như đã bão hòa, siêu thị, chợ lớn hoạt động đến 30 Tết và mở cửa trở lại từ mùng 2. Như vậy, việc tích trữ thức ăn là không cần thiết.

Ngoài ra, điều kiện thời tiết mưa phùn, ẩm ướt ở miền Bắc đòi hỏi việc bảo quản thức ăn vô cùng cẩn thận bởi kiểu thời tiết mùa đông xuân là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có hại phát triển, xâm nhập vào thực phẩm, thức ăn gây ôi thiu, nấm mốc. Khu vực phía Nam cũng tương tự, nền nhiệt độ cao dễ làm thực phẩm ôi thiu, đặc biệt là thực phẩm đã chế biến, thực phẩm tươi sống.

Để có cái Tết an toàn, vui vẻ, ông Phong cho rằng người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng do lượng thực phẩm tiêu thụ trong ngày Tết không nhiều, mặt khác tủ lạnh cũng chỉ có thể bảo quản thức ăn trong thời hạn nhất định. Như vậy, chỉ nên mua đủ dùng. Chọn sản phẩm có thương hiệu, xem kỹ thành phần, hạn sử dụng, đặc biệt là cẩn thận khi lựa chọn thực phẩm có màu sắc bắt mắt.

Chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm an toàn cho mâm cỗ ngày Tết, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), người dân nên hướng đến tiêu dùng thông minh thay vì truyền thống. Ví như quan niệm của nhiều người thích chọn thực phẩm tươi sống mới thơm, ngon, bổ dưỡng nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng thịt được làm mát, bảo quản đúng tiêu chuẩn mới thực sự phát huy hết tác dụng và an toàn.

Nguyên nhân do thịt tươi sống chứa vi sinh vật đang tăng trưởng, nếu không bảo quản đúng cách ngay sau đó sẽ tạo điều kiện cho chúng phát triển, làm giảm chất lượng và có thể gây ngộ độc cho người dùng. Ngược lại, thực phẩm được làm mát, tức qua sơ chế, bảo quản ở nhiệt độ 0-4 sẽ giữ được nguyên vẹn chất dinh dưỡng, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của vi khuẩn.

“Nói vậy để rằng, việc thay đổi thói quen dù không dễ nhưng đã đến lúc cần nhìn lại, cần lựa chọn thông minh để vừa đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho bữa cơm gia đình không chỉ là ngày Tết mà là tất cả các ngày trong năm”, ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.

Việc tích trữ thực phẩm trong vài ngày có thể chấp nhận nhưng phải đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh đủ làm mát tất cả sản phẩm. Ngoài ra, khi lựa chọn sản phẩm đóng hộp, đông lạnh nên lựa chọn loại có hạn sử dụng ngắn bởi hạn càng dài thì càng chứa nhiều chất bảo quản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ