Gắn nhu cầu đào tạo với sử dụng, khắc phục cơ bản thừa thiếu giáo viên

Gắn nhu cầu đào tạo với sử dụng, khắc phục cơ bản thừa thiếu giáo viên

Thu hút được SV giỏi vào học ngành sư phạm

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với HSSV sư phạm. Nghị định này hướng tới mục tiêu gì, thưa ông?

Trước đây, chính sách không thu học phí được qui định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005. Chính sách này được thực hiện hơn 20 năm qua đã góp phần tích cực trong việc thu hút SV đăng ký vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực trạng trong thời gian qua SV ra trường không làm đúng ngành gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm đặc biệt trong nền nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để khắc phục những hạn chế của chính sách này, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục 2019 trong đó thay đổi phương thức hỗ trợ tiền cho HSSV sư phạm để đóng học phí cho nhà trường đồng thời quy định thêm chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tránh trường hợp SV sư phạm ra trường không làm đúng ngành được đào tạo.

Luật cũng quy định SV tốt nghiệp ra trường không công tác trong ngành giáo dục phải bồi hoàn kinh phí, cụ thể: tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục 2019 quy định: “HSSV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo”.

Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2020. Để triển khai cụ thể các quy định tại Luật Giáo dục 2019, ngày 26/7/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg giao Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với HSSV sư phạm để hướng dẫn chi tiết khoản 4 Điều 85 của Luật này.

Quan điểm xây dựng Nghị định này phải bảo đảm tính phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019, tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Mục tiêu của Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm để HSSV yên tâm học tập tốt không phải lo tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sẽ thu hút được SV giỏi vào học ngành sư phạm đồng thời xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng SV sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng SV sư phạm làm trái ngành và thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại các địa phương trong thời gian qua.

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT)
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT)  

Mức hỗ trợ giúp SV sư phạm chuyên tâm vào việc học

Hiện nay, các ý kiến thảo luận về dự thảo Nghị định đang xoay quanh mức hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng. Ông có thể cho biết tại sao lại đưa ra con số này?

Nội dung chính tại dự thảo nghị định quy định chính sách hỗ trợ HSSV sư phạm, đó là học sinh SV sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Mức hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi HSSV sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Mức hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường tương đương với mức hỗ trợ sinh hoạt phí của lưu học sinh Lào, Campuchia đang theo học tại Việt Nam.

Như vậy, so với quy định hiện hành SV, học sinh sư phạm vẫn được hỗ trợ toàn bộ học phí chỉ thay thế phương thức cấp bù học phí sư phạm cho các cơ sở đào tạo thành kinh phí hỗ trợ học phí trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, đồng thời theo quy định SV sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí để bảo đảm cho mức sống tối thiểu và SV sư phạm yên tâm chuyên tu vào việc học.

Mức hỗ trợ sinh hoạt phí được áp dụng theo Thông tư số 24/2018/TT-BTC ngày 12/3/2018 hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia đã quy định về mức sinh hoạt phí để đảm bảo chi phí tối thiểu cho SV cần thiết là 3,63 triệu đồng/tháng/HSSV.

Qua khảo sát thực tế, mức sinh hoạt phí này đã phù hợp với thời điểm hiện tại và hàng năm được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng để phù hợp với mức lạm phát giá cả hàng hóa. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề xuất mức hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm là 3,63 triệu đồng/tháng/HSSV (bằng mức sinh hoạt phí của học sinh Lào, Campuchia diện hiệp định).

Gắn trách nhiệm địa phương từ “đặt hàng” đến tuyển dụng, bố trí việc làm

Không ít ý kiến cho rằng, để thu hút được sinh giỏi vào sư phạm, vấn đề không chỉ ở mức hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí mà căn bản nhất là đầu ra cho sư phạm. SV sư phạm ra trường có việc làm đúng ngành, sư phạm sẽ đủ sức hút. Dự thảo Nghị định có tính tới vấn đề này hay không?

Để đảm bảo việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, dự thảo Nghị định cùng quy định về đặt hàng giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định cụ thể tại Nghị định này nhằm mục đích gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ đặt hàng đào tạo đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi SV tốt nghiệp.

Quy định này giúp hạn chế việc đào tạo tràn lan, đào tạo vượt nhu cầu sử dụng, khắc phục được tình trạng giáo viên thiếu, thừa cục bộ tại các địa phương. Đồng thời việc gắn trách nhiệm của địa phương sẽ giúp cho phương án thu hồi, hoàn trả kinh phí bồi hoàn thuận lợi và khả thi.

Từ những nội dung mới trong Nghị định nêu trên sẽ khắc phục cơ bản tình trạng thừa thiếu giáo viên, tăng hiểu quả sử dụng ngân sách, gắn nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng, đảm bảo được nguồn kinh phí thực hiện chính sách đồng thời sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả.

Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ ghi nhận các ý kiến để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ