Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến đóng góp về hợp tác giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng giáo viên của đông đảo các vị khách mời là cán bộ quản lý giáo dục các cấp tỉnh Thái Nguyên, các trường Phổ thông đối tác hợp tác truyền thống của nhà trường, các cơ sở giáo dục, trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Yếu tố sống còn của cơ sở đào tạo giáo viên
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) - khẳng định: quan hệ hợp tác giữa nhà trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông và mầm non đã có từ rất sớm khi trường sư phạm được thành lập. Đây là điều kiện và nhân tố không thể thiếu trong quá trình đào tạo giáo viên.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29 của BCH Đảng khóa XI, việc xác định các quan hệ chiến lược giữa cơ sở đào tạo với thị trường lao động là một yếu tố sống còn của trường sư phạm.
Theo Phó Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) Nguyễn Danh Nam, chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện nay còn khá hàn lâm, quy trình đào tạo còn tương đối khép kín, đặc biệt là nội dung chương trình và phương pháp dạy nghề ít gắn với thực tiễn phổ thông. Chính vì vậy sinh viên sư phạm ra trường chưa thể đáp ứng ngay được yêu cầu giảng dạy ở các trường phổ thông, mầm non hiện nay.
Thêm vào đó là chưa có sự tham gia của những người có tay nghề giỏi ở trường phổ thông trong quá trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.
Chương trình đào tạo của các trường sư phạm hiện nay chỉ dành khoảng 10% số tiết cho các hoạt động thực hành và hầu như không có thảo luận. Điều này chỉ ra rằng, quá trình đào tạo ở trường sư phạm chưa quan tâm đến việc phát triển các kĩ năng thực hành, kĩ năng thuyết trình của sinh viên.
Do vậy, để đổi mới cách dạy ở trường sư phạm, riêng các học phần về nghiệp vụ sư phạm cần dành ít nhất từ 20% đến 40% số tiết để sinh viên được tham gia thực hành, thực tế và thảo luận tại các trường phổ thông. Từ đó, giúp sinh viên có cơ hội được vận dụng những kiến thức của môn học để xử lý các tình huống cụ thể sát với thực tiễn dạy học và giáo dục.
Nhìn chung, trong chương trình đào tạo của hầu hết các trường sư phạm, tỉ lệ khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm so với khối kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành vẫn còn tương đối thấp (dưới 20%) là chưa phù hợp, chương trình còn nặng về khối kiến thức khoa học chuyên ngành. Do đó, năng lực sư phạm của sinh viên mới tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy thực tế tại các trường phổ thông.
Tại diễn đàn, các đại biểu là đại diện các trường phổ thông, mầm non công lập, ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài và các cấp quản lý giáo dục đã đóng góp ý kiến về quá trình thực tập sư phạm, năng lực, phẩm chất của giáo viên mới ra trường.... như một kênh tham vấn tin cậy nhất giúp dự án hoàn thành tiêu chí, định hướng nghề nghiệp trong đào tạo giáo viên.
Gắn kết trường sư phạm với cơ sở sử dụng đội ngũ giáo viên
Nằm trong khuôn khổ Dự án Phát triển Giáo dục Đại học theo Định hướng Nghề nghiệp ứng dụng (POHE) ở Việt Nam (2012 - 2015) giai đoạn 2, diễn đàn lần này đã cung cấp cho các đại biểu cái nhìn tổng thể về quan hệ biện chứng, chặt chẽ giữa nhà trường sư phạm và các trường phổ thông, mầm non trong sự tương hỗ lẫn nhau cùng nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường Sư phạm đã nhìn nhận mối quan hệ với các trường phổ thông, trường mầm non – các đơn vị sử dụng lao động như là mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp – thị trường lao động; Để từ đó có những đổi mới trong các khâu cấu thành chương trình đào tạo sư phạm, làm cho chương trình đào tạo tạo được sản phẩm đầu ra là sinh viên sư phạm ra trường đáp ứng tốt nhất yêu cầu giảng dạy ở thực tế giáo dục phổ thông, mầm non hiện nay.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, nhiều năm nay, trường Đại học sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã chú trọng đến quá trình thực tập sư phạm của giáo sinh, đưa sinh viên thực tập, kiến tập, thu thập dữ liệu nghiên cứu ngay tại thực tế giảng dạy tại các trường Phổ thông, mầm non...
Diễn đàn làn này là bước đi đột phá để nhiều bên cùng ngồi lại với nhau đóng góp ý kiến để cùng hoàn thiện chương trình đào tạo của trường sư phạm, giúp hình thành, hoàn thiện phẩm chất, năng lực cho những giáo viên tương lai đáp ứng tốt nhất yêu cầu đặt ra của cơ sở sử dụng đội ngũ giáo viên, các trường phổ thông, mầm non.
Đây cũng là một trong những mục tiêu đặt ra của Dự án Phát triển Giáo dục Đại học theo Định hướng Nghề nghiệp ứng dụng Giai đoạn 2 (POHE 2) khi triển khai ở 8 trường Đại học tại Việt Nam.