Gắn đào tạo lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống

Gắn đào tạo lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống

(GD&TĐ) - Gắn đào tạo lý thuyết, nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, đưa sinh viên đi thực tế tại các mô hình trên đồng ruộng để lấy kinh nghiệm từ nông hộ, bổ sung kiến thức mắt thấy tai nghe đã được Đại học Nông nghiệp Hà Nội  quan tâm và thường xuyên triển khai trong các khóa học của Chương trình tiên tiến (CTTT). Mới đây, cùng với chuyên gia là các giáo sư của UCD, thầy trò CTTT  đã xuống Kinh Môn-Hải Dương, Sapa - Lào Cai để cùng nông dân ra đồng. Các hoạt động trên được chuyên gia nước ngoài, bà con nông dân và các đối tác đón sinh viên đến thực tập đánh giá cao.

Cùng nông dân ra đồng tại Kinh Môn

Trong khuôn khổ môn học Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do GS.TS Robert Norris từ UC Davis Hoa Kì cùng các giảng viên của trường kết hợp giảng dạy, với mong muốn giúp sinh viên hiểu việc áp dụng nguyên tắc IPM trong sản xuất thực tế ngoài đồng ruộng để có sự liên hệ giữa lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tiễn. Ngày 23/10/2010, Công ty thuốc BVTV An Giang (AGPPS) đã phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tổ chức cho sinh viên các lớp Tiên tiến khóa 52 ngành Khoa học cây trồng tham quan thực tế tại mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng thuộc chương trình Cùng nông dân ra đồng (CNDRĐ) tại huyện Kinh Môn (Hải Dương).

Mô hình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại Kinh Môn thuộc Chương trình CNDRĐ của AGPPS là điển hình trong công tác quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng bền vững. Được triển khai từ năm 2009, những diện tích sản xuất lúa nếp cái hoa vàng áp dụng theo quy trình của Chương trình CNDRĐ cho thấy năng suất, chất lượng lúa được nâng lên rõ rệt, quản lý hiệu quả các đối tượng dịch hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Trực tiếp giảng bài cho sinh viên dưới chân ruộng, PGS.TS.Nguyễn Văn Viên - Phó Chủ nhiệm Khoa Nông học đã chỉ cho sinh viên biết những khác biệt giữa lúa trong mô hình và ngoài mô hình.

Ngay tại chân ruộng, với sự hướng dẫn của giảng viên, hỏi kinh nghiệm của bà con nông dân và lực lượng cán bộ kỹ thuật trẻ (FF) đã giúp sinh viên lĩnh hội được tốt hơn những kiến thức trong sách dạy. Cách học tập tại mô hình CNDRĐ đã giúp các bạn sinh viên bổ sung thêm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, đồng thời đây cũng là cầu nối hợp tác giữa nhà trường, AGPPS với bà con nông dân trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp trong tương lai của đất nước.

 

Gắn thực tế với NCKH

Sau những ngày xắn quần cùng nông dân ra đồng ở Kinh Môn được đánh giá cao, từ ngày 14 đến ngày 18/11/2010, Chương trình lại tổ chức tập thể 2 lớp sinh viên KHCT 52T&53T đi thực tế tại Trung tâm nghiên cứu và Công ty sản xuất nông sản thuộc thị trấn Sapa (Lào Cai). Mục đích của đợt học tập này giúp cho sinh viên nâng cao kiến thức chuyên ngành sau khi đã học lý thuyết tại trường, đồng thời tăng cường hiểu biết về thực tế công tác nghiên cứu, sản xuất, đời sống kinh tế xã hội tại địa phương Lào Cai- một vùng Sinh thái miền núi khác hẳn với Hải Dương và Hà Nội.

Trong chuyến đi này, sinh viên được tham quan và học tập tại Trung tâm nghiên cứu cây hoa ôn đới, Trung tâm nghiên cứu cây trồng ôn đới, Trạm nghiên cứu và bảo tồn cây thuốc, Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh, Công ty sản xuất rau công nghệ cao Nông Liên và Trung tâm nghiên cứu cây có củ (khoai tây) thuộc Viện KHNN Việt Nam. Những ngày học tập tại Sapa sinh viên đã được các cán bộ tại cơ sở chia sẻ những kinh nghiệm thành công cũng như tồn tại trong công tác sản xuất, nuôi trồng tại địa phương. Đặc biệt các em có cơ hội được trực tiếp quan sát quy trình nuôi trồng những loại cây, con đặc thù của ôn đới như: hoa hồng, hoa ly, cúc và phong lan; nhân giống củ khoai tây sạch bệnh và ứng dụng công nghệ sinh học mới chọn tạo giống chống bệnh virus; kiwi (loài cây ăn trái ở New Zealand), dâu tây, mận, đào, lê, măng tây, cá hồi và cá tầm. Những bài giảng trực tiếp ngay tại các ruộng thí nghiệm, nhà lưới nhân giống khoai tây, nhân giống các loài hoa quí với đất, giống, phân bón,...và các kỹ năng chuyên môn, chăm sóc cây trồng trong điều kiện sinh thái miền núi (nóng, lạnh và ẩm độ cao) được các giảng viên giảng dạy và hướng dẫn ngay tại thực địa đã thực sự tạo niềm say mê khoa học cho sinh viên về mô hình đa dạng sinh học và thành phần sâu bệnh hại phổ biến trong khu vực.

Từ các bài giảng trên giảng đường cho đến những kiến thức truyền thụ trong những chuyến đi thực tế, nhiều sinh viên đã nảy ra những ý tưởng mới chuẩn bị cho việc làm đề tài tốt nghiệp cũng như định hướng học tập và nghiên cứu sau này của mình trong đó, nhiều đề tài khoa học đã được các thầy cô ủng hộ và đang được gấp rút thực hiện như đề tài “Nghiên cứu mối quan hệ cộng sinh giữa nấm rễ và cây hoa phong lan” do các sinh viên Phùng Đức Lực, Trần Thùy Dung & Nguyễn Thị Vân -CTT53, thực hiện; Hay đề tài “Ứng dụng sản phẩm  công nghệ nano bạc trong phòng và trị bệnh virus ấu trùng túi trên ong mật” do Lương  Như Thanh-CTT52 thực hiện...

Theo đánh giá khách quan của các giảng viên từ các trường đại học đối tác nước ngoài (UC Davis), và các nhà khoa học ở các Trung tâm, Viện nghiên cứu mà sinh viên tới thực tập, họ đều cho rằng việc đẩy mạnh các hoạt động học lý thuyết đi đôi với thực hành thực tế, nghiên cứu khoa học trong sinh viên là rất quan trọng và đặc biệt không thể thiếu để đào tạo theo CTTT đạt tới những chuẩn mực cao, hòa nhập được sản xuất nông nghiệp thương mại với nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

PGS.TS.  Ngô Thị Xuyên
(Ban chỉ đạo CTTT ngành Khoa học cây trồng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ