Gần 70% trẻ em Việt Nam bị bạo hành: Nguy cơ sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy

GD&TĐ - Thông tin có đến 68,4% trẻ em Việt Nam (dưới 18 tuổi) từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục... đã được UNICEF tại Việt Nam công bố tháng 4 vừa qua. 

Trẻ rất cần được hiểu về quyền của mình
Trẻ rất cần được hiểu về quyền của mình

"Đây chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi ở Việt Nam vẫn có nhiều vụ việc không được báo cáo" - bà Lesley Miller - phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) nhấn mạnh tại Hội thảo lần thứ nhất xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Quan niệm “yêu cho roi cho vọt” của nhiều bố mẹ ở Việt Nam đang khiến vô số người vi phạm Luật Trẻ em – vốn có hiệu lực từ tháng 6/2017. Bởi Luật Trẻ em quy định, trong các hành vi bị nghiêm cấm có hành vi Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

Nhưng ít ai ngờ, con bị tổn thương tâm lý lâu dài mới là hệ quả nặng nề, có khi thay đổi cả quãng đời về sau của một con người.

Những vụ bạo hành trẻ em tại gia đình gây rúng động

Ngày 21/8, thông tin từ Công an huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cho tại ngoại đối với đối tượng Nguyễn Thị Kim Thoa (34 tuổi, ngụ ấp An Thiện, xã An Cư, huyện Cái Bè) về tội “Cố ý gây thương tích”. Lý do là ngày 13/7 cháu N.T.H. (sinh ngày 17/10/2006) cãi nhau với bà Nguyễn Thị Kim Thoa (cô ruột của H.). Bà Thoa cầm khúc cây (dài khoảng 60 cm) đánh liên tiếp vào ngực, lưng H khiến H bị đa chấn thương. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, H phải điều trị trong tình trạng sưng đỏ khắp lưng và hông trái.

Ngày 22/6, tại Bình Dương, bé 3 tuổi bị mẹ và người tình của mẹ đánh đập gây thương tích. Sự việc bị phát hiện khi bà ngoại thấy trên đầu của bé có 10 mũi khâu và nhiều thương tích khác, bà quyết định trình báo cơ quan công an.

Ngày 21/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đã bắt tạm giam đối với Huỳnh Văn Út (33 tuổi), ngụ ấp Sơn Phú 2, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy để điều tra hành vi "Cố ý gây thương tích". Theo kết quả điều tra ban đầu, vào khoảng 19 giờ ngày 7/5, Huỳnh Văn Út đã dùng roi đánh con trai 9 tuổi liên tục đến tận 3 giờ sáng hôm sau với lý do con chậm tiếp thu. Sau đó vài giờ, Út tiếp tục dạy con và đánh con bằng cây. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, quá đau đớn do bị cha đánh trúng vào mắt, mũi, cậu bé ngất xỉu sau khi kêu cứu bà nội. Kết quả giám định cho thấy tỉ lệ thương tích của đứa trẻ là 14%.

Ngày 20/5, Công an huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2,5 triệu đồng đối với Lê Đình Hải (35 tuổi, trú xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn) về hành vi "xâm phạm sức khỏe người khác". Lý do là Hải cho rằng con gái học không tốt bằng anh trai nên đã trói hai tay bé L.T.T.N. (8 tuổi) - vào cột nhà, rồi dùng roi tre đánh rất mạnh khiến em bị bầm tím nhiều nơi ở mông, mặt, tay và lưng. Hình ảnh em N. bị đánh với nhiều thương tích thâm tím trên cơ thể được đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc cho người thân và dư luận tại địa phương. Mẹ bé N đã trình báo vụ việc lên Công an huyện Triệu Sơn và một số cơ quan chức năng của huyện. Sau khi xác minh, xử lý vụ việc và trưng cầu giám định vết thương trên cơ thể em N, kết quả giám định cho thấy em N. bị tổn hại 7% sức khỏe.

Trường học cũng không còn là nơi bình an

Bà Trần Thị Ngọc Nữ trong một buổi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em
 Bà Trần Thị Ngọc Nữ trong một buổi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em

Mới trong tháng 10 này thôi, câu chuyện giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Q. Tân Phú, TPHCM) liên tiếp đánh học trò được ghi lại và đăng tải trên các báo đã khiến nhiều người phẫn nộ. Đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại 4 ngày liền, cô giáo Nguyễn H. hết véo tai, tát tai, đánh bôm bốp vào lưng học sinh, kèm theo đó là những lời kể đau đớn của phụ huynh có con theo học tại lớp này.

Những đứa trẻ vì quá sợ hãi đã tè dầm, ngủ giật mình liên tục và có em còn không dám đến lớp. Một phụ huynh nghẹn ngào nói: "Trời ơi, về tôi mở clip ra và thực sự sốc, tôi phát hiện ra bé ngồi bàn đầu tiên gần bàn giáo viên bị đánh và chửi rất dữ. Đánh rất nhiều".

Dù nhà trường đã lên tiếng xác nhận sự việc nhưng nhiều phụ huynh vẫn không thể tin nổi, ngay trong trường học, giữa trung tâm TPHCM lại xảy ra câu chuyện bạo hành đau lòng như thế này. Cho dù thanh tra quận đang thụ lý sự việc, cô giáo đã bị đình chỉ công tác, nhưng cảm giác bất an thực sự đã len lỏi trong tất cả các vị phụ huynh. Bởi trường học, nơi con họ yên tâm được an toàn, hóa ra lại không còn an toàn nữa.

Nói về bạo hành tại trường học, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM vẫn chưa quên trường hợp cô giáo tát nứt xương hàm học sinh. Kết quả giám định cho thấy bé H bị thương tích 13% và cô giáo phải ngồi tù 3 năm. Sự việc xảy ra tại Trường Mầm non Ánh Sao Vàng (huyện Bình Chánh, TPHCM) năm 2018. Cô giáo P đã thừa nhận sự việc và chia sẻ, cô quá áp lực khi mẹ bị ung thư, con bị bệnh, chồng bị tai nạn. Dù đây là phạm tội lần đầu tiên nhưng do bé bị thương tích quá nặng nên buộc phải khởi tố cô giáo. Đây là điều được quy định trong Điều 6, Khoản 3 Luật Trẻ em 2016.

“Với những cô giáo tính tình không ưa bạo lực mà nhất thời không thể kiềm chế, tôi thường tư vấn là cô hãy bước ra khỏi lớp ngay lúc đó. Như thế, nghiễm nhiên cơn nóng giận sẽ giảm. Còn nếu cứ ở trong lớp, kiểu gì cũng đánh bé này hoặc bé kia.

Còn nếu cô giáo không yêu trẻ như ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, theo tôi cô nên đổi nghề, làm thư viện, hành chính, kế toán… chứ đừng tiếp xúc trẻ em! Chúng tôi đang gửi 2 công văn lên Sở và Phòng, đồng thời lên kế hoạch tiếp xúc với cô giáo. Nhưng qua video, cô giáo đánh trò nhiều lần, đánh nhiều học trò, tất cả đều là tình tiết tăng nặng. Hành vi này là bạo hành lâu rồi chứ không phải bột phát, là hành vi rất nguy hiểm.

Chúng tôi thừa biết, cho dù gắn camera đi nữa, với người rành công nghệ và luật, thì sẽ không được quay khi trong giờ ngủ. Mà giờ ngủ với giờ ăn ở bậc mẫu giáo là trẻ hay bị đánh nhất” – Luật sư Nữ chia sẻ.

Bạo hành con trẻ: Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó

Luật sư Ngọc Nữ cho biết, vào mùa hè, đường dây nóng của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận được nhiều điện thoại báo trẻ bị xâm hại tình dục. Còn vào năm học, chủ yếu là điện thoại báo về bạo hành trẻ. Có ngày vài chục cuộc gọi, Hội lại chuyển thông tin cho công an, địa phương để xác minh. Nhưng hầu hết, các vụ bạo hành nhỏ, các cơ quan chức năng đều xem đó là việc… gia đình, người lớn làm cam kết xong lại cho trẻ về lại nơi bạo hành. Vì thế việc bạo hành khó có thể chấm dứt.

“Từ khi có Luật Trẻ em, đồng nghĩa với việc không được bạo hành trẻ ở trong gia đình lẫn bất cứ nơi nào. Thực tế là luật và phong tục tập quán đôi khi khác nhau nhưng đã đến lúc cần phải tuyền truyền, nâng cao nhận thức về việc này. Đánh trẻ, ngoài việc vi phạm pháp luật, các bậc làm cha làm mẹ hãy nghĩ tới tổn thương tinh thần mà con cái phải gánh chịu. Đó mới là hệ quả lâu dài” – Luật sư Nữ cảnh báo.

Trong đời làm luật sư của mình, bà đã gặp không ít cảnh trẻ đánh bạn bè, con đánh lại cha, chỉ vì tuổi thơ em đó từng bị đánh như vậy.

“Có trường hợp trẻ bị kiện vì đánh bạn, chém bạn. Lúc tôi hỏi “tại sao bị cáo chém bạn” thì mẹ bị cáo nói: “”Tui nói cho cô luật sư biết, ngày xưa ba nó chém tôi như vậy. Nó học theo ba nó đấy”. Tôi nổi da gà.Sản phẩm của bạo lực gia đình đấy. Dù em đó đang ngồi ghế nhà trường, dù có 8 năm liền là học sinh giỏi, nhưng con vẫn phải vào ngồi tù 1,5 năm.

Một trường hợp khác 14 tuổi, dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng cháu phải vào trường giáo dưỡng sau khi chém chết cha. Lý do là tuổi thơ của cháu, luôn bị cha đánh. Mẹ bị cáo kể, bất cứ sai phạm nào, cha đều lấy chân đá con, đá bật ngửa bật nghiêng, đá đập đầu vào tường. Sau này lớn, có lần đánh con, con đạp lại cha y chang và cầm dao chém cha mình chết luôn.

Hay có cô giáo ngày xưa hay đánh trò. Lúc trò lớn lên, biết đi xe máy, đã bịt mặt quay lại ép xe cô giáo suýt ngã. Vậy nên, dùng bạo lực với trẻ chính là con dao hai lưỡi, có thể quay lại hại mình, hại xã hội lúc nào không biết” – Luật sư Nữ lý giải những hệ quả khôn lường khi bạo hành trẻ.

Bên cạnh những người cam chịu bạo hành thì cũng có những bà mẹ, vì muốn cách ly con khỏi môi trường bạo lực, đã phải đưa con vào học nội trú, chấp nhận mẹ xa con để con được cách ly người bố bạo hành. Và cũng chính từ việc hi sinh tất cả để tần tảo nuôi con, đứa con đã trưởng thành hơn, đi du học và lúc nào cũng cảm ơn mẹ đã giúp con không ở gần cha, để con không trở thành thành phần bất hảo của xã hội.

Luật Trẻ em 2016:  Không phải ai cũng hiểu rõ
Luật Trẻ em năm 2016 có 7 chương với 106 điều. Điều 4 Chương I giải thích: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Điều 6 Chương I quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm 15 hành vi, trong đó nổi bật là Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác….
Điều 28 của Chương II quy định quyền của trẻ em là được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc. Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Ở điều 50 Chương IV, về Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm:
a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;
b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;
c) Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này;
d) Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;
đ) Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;
e) Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
g) Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44 và Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;
h) Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ