Gần 50 năm giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi

GD&TĐ - Ngày nay, vào mỗi dịp Trung thu, trẻ em lại có vô vàn loại đồ chơi để lựa chọn. Trong khi các loại đồ chơi Trung Quốc và các nước được bày bán tràn lan, thì ở ngay giữa phố cổ, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (Hàng Than, Hà Nội) vẫn gìn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi gần 50 năm nay.  

Mặt nạ sau khi tô màu phải phơi nắng cho khô trước khi được tô tiếp
Mặt nạ sau khi tô màu phải phơi nắng cho khô trước khi được tô tiếp

Làm bằng tình yêu và đam mê

Chúng tôi có mặt tại ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa vào một ngày đầu tháng 8 Âm lịch. Trong căn gác nhỏ, hai vợ chồng ông Hòa tất bật tô vẽ những chiếc mặt nạ đủ hình thù để kịp bán trước dịp Trung thu. Khắp hành lang, cầu thang, chỗ nào cũng có những vết sơn đủ màu sắc. Không gian làm việc vô cùng nhỏ hẹp, chỉ đủ cho hai vợ chồng ông Hòa ngồi, một phần nhỏ để xếp những chiếc mặt nạ được tô màu dang dở.

Vừa dùng cọ tô lên chiếc mặt nạ Thị Nở, bà Đặng Hương Lan - vợ ông Hòa - kể lại: “Từ xa xưa, gia đình tôi đã có truyền thống làm mặt nạ giấy bồi. Vì vậy, khi còn nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy nghề cho. Đến khi lấy chồng, tôi vẫn tiếp tục làm nghề này cùng chồng, trong khi gia đình tôi chẳng có ai chọn nối nghiệp. Đến tận bây giờ, cũng chỉ còn có mỗi vợ chồng nhà tôi làm mặt hàng dân gian này”.

Tận dụng từng khoảng trống để phơi sản phẩm trước khi hoàn thiện

Tận dụng từng khoảng trống để phơi sản phẩm trước khi hoàn thiện

Nghề nào cũng có những thăng trầm của nó, những chiếc mặt nạ giấy bồi cũng vậy. Theo kí ức của người nghệ nhân này, mỗi dịp Trung thu về, hàng làm ra không đủ bán. Trẻ con thời bấy giờ cứ háo hức đòi bố mẹ mua cho chiếc mặt nạ giấy bồi. Nhưng đến khi có đủ loại đồ chơi Trung thu từ Trung Quốc nhập về, nhu cầu mua giấy bồi giảm mạnh. Lúc ấy, nhiều gia đình đã buộc phải bỏ nghề để tìm kiếm việc mưu sinh khác. Riêng có hai vợ chồng ông Hòa, bà Lan vẫn cố gắng bám lấy nghề dân gian này. Tính đến nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa là gia đình duy nhất còn làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội.

“Nếu như không yêu nghề thủ công này thì chắc chúng tôi cũng bỏ nghề từ lâu rồi. Tôi không được học nghề từ bé như vợ tôi, đến khi lập gia đình tôi mới bắt đầu làm chiếc mặt nạ đầu tiên. Nghề này không nặng nhọc gì, nhưng rất cần tỉ mỉ, khéo léo và không phải ai cũng làm được”- ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Những năm gần đây, mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống được ưa chuộng hơn. Vì vậy, theo ông Hòa, số lượng mặt nạ bán ra cũng tăng lên đáng kể, có dịp lên đến hàng nghìn chiếc. Hiện tại, gia đình ông sản xuất được hơn 20 mẫu mã mặt nạ đủ loại, từ hình thù truyền thống như ông Địa, Thị Nở... đến các mẫu hình hiện đại như Siêu nhân, Công chúa, Bạch Tuyết... Để đáp ứng nhu cầu của trẻ con, vợ chồng ông Hòa cũng sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, hình mặt nạ mới. Giá bán dao động từ khoảng 30.000 đồng/chiếc tới 50.000 đồng/chiếc.

Hai vợ chồng ông Hòa tận dụng căn gác nhỏ để làm nghề

Hai vợ chồng ông Hòa tận dụng căn gác nhỏ để làm nghề

Khó tìm người nối nghiệp

Nhiều năm nay, mặt nạ giấy bồi của vợ chồng ông Hòa đã trở thành thương hiệu ở phố Hàng Than. Cũng vì lẽ đó, có nhiều cơ sở khác đã làm giả mặt hàng của hai ông bà và rao bán khắp nơi.

“Họ làm giả nhiều lắm. Họ làm ra những chiếc mặt nạ kém chất lượng, bán giá rẻ nhưng vẫn lấy tên hai vợ chồng tôi để câu khách. Trong khi mình làm cẩn thận, tỉ mỉ để cho ra những chiếc mặt nạ đảm bảo. Có lúc nghĩ cũng muốn bỏ nghề, nhưng còn nhiều người muốn dùng sản phẩm mình làm ra, và mình vẫn còn chưa hết duyên với nghề nên cố bám trụ. Bây giờ, nhiều người tự tìm đến nhà tôi để mua, khách buôn thì tôi cũng chỉ bán cho khách quen thôi”- bà Lan buồn bã tâm sự.

Tính đến nay, vợ chồng ông Hòa đã làm nghề này được gần 50 năm. Trong suốt thời gian đó, hai vợ chồng ông bà rất khó khăn trong việc tìm người nối nghiệp. Những đứa con của ông bà, không ai chịu gắn bó với nghề thủ công này. Vì vậy, cũng có lúc ông bà nhận dạy nghề cho những ai có mong muốn học, nhưng chẳng có ai đủ kiên trì để học đến cùng.

“Nhìn thì thấy dễ làm lắm. Nhưng để làm ra những chiếc mặt nạ như thế này, cần một tiếng đồng hồ mới làm ra được một chiếc hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, lại có rất nhiều công đoạn mà công đoạn nào cũng cần chú ý. Những người không cẩn thận hoặc không khéo tay đều không theo được. Mà hai vợ chồng tôi lại không chấp nhận những chiếc mặt nạ cẩu thả nên tự làm cùng nhau” - ông Hòa giải thích.

Trước tình trạng đồ chơi Trung Quốc tràn lan vào thị trường Trung thu, ông Hòa cũng không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, nhiều mặt hàng Trung Quốc có giá rất rẻ, nhưng lại không đảm bảo chất lượng hoặc ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng những chiếc mặt nạ giấy bồi là đồ chơi truyền thống, chỉ làm hoàn toàn bằng giấy, keo và màu nước. Vì vậy, dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng ông Hòa vẫn dành thời gian ngồi làm từng chiếc mặt nạ giấy bồi cho những người yêu mặt nạ truyền thống.

Hiện nay, những gia đình còn lưu giữ nghề dân gian không nhiều. Vì vậy, nhiều nghề truyền thống ở Hà Nội đang có nguy cơ mai một và cần bảo tồn, nối nghiệp. Nhưng để có thể giữ gìn được những bản sắc đó, những người làm nghề cần đề cao cái tâm của mình với nghề và làm nghề bằng tình yêu thật sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ