Gần 40 nhà xuất bản có nguy cơ dừng hoạt động

Gần 40 nhà xuất bản đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động do không đáp ứng được điều kiện mới trong Nghị định về quản lý hoạt động xuất bản.

Gần 40 nhà xuất bản có nguy cơ dừng hoạt động

Trong vòng 1 tháng nữa, cái tên Nhà xuất bản Âm nhạc sẽ biến mất khỏi thị trường xuất bản Việt Nam. Hơn 1 nửa trong số 25 biên chế của đơn vị sẽ phải nghỉ hưu sớm hoặc mất việc, số còn lại sẽ sáp nhập vào 1 nhà xuất bản khác. Những ngày này với ông Nguyễn Thái Dũng, người gắn bó với với Nhà xuất bản Âm nhạc từ những ngày đầu tiên cách đây 30 năm nặng trĩu tâm tư.

Lý do NXB này phải giải thể là không đủ số vốn cơ hữu 5 tỷ đồng theo quy định mới tại Nghị định 195 của Chính phủ. Theo tính toán, đây là kinh phí đủ để xuất bản 30 cuốn sách trong 1 năm, với lượng in trung bình 1.000 cuốn/ấn phẩm (số vốn tối thiểu để duy trì hoạt động). Tuy nhiên, giống như NXB Âm nhạc, tới nay có tới 36 nhà xuất bản không đủ điều kiện này, dù Nghị định đã có hiệu lực từ 1,5 năm trước và nêu rõ cơ quan chủ quản phải cấp nguồn vuốn này cho NXB.

Ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc cho rằng: "Chỉ nêu chung chung là cơ quan chủ quản, nhưng ví dụ chủ quản của một NXB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thì có tiền cũng không thể cấp cho NXB được. Đó là theo Luật Ngân sách, không ai cấp tiền cho một NXB cả".

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Huế cho biết: "NXB phải gánh trên vai mình hai trọng trách nặng nề là đảm bảo về mặt chính trị tư tưởng và doanh thu trong khi hai điều này nhiều khi không song hành. Tôi nghĩ Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn".

Để có đủ vốn, có lẽ các NXB chỉ còn biết trông chơ vào cơ quan chủ quản của mình là các Bộ ngành Trung ương và một số UBND tỉnh, thành phố. Trong khi đó, thời hạn cấp đổi giấy phép 31/8 đang đến gần và nguy cơ 2/3 số nhà xuất bản hiện tại phải dừng hoạt động đang hiện hữu.

Ông Chủ Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Có những NXB gần như tự bươn trải, thiếu sự quan tâm đúng mức về đầu tư con người, cơ sở vật chất, vốn và giám sát hoạt động của họ. Các cơ quan chủ quản cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình theo Luật Xuất bản đã quy định".

Những ấn phẩm chất lượng kém gây nên mối lo ngại lớn trong dư luận, đòi hỏi việc sốc lại thị trường xuất bản là hết sức cần thiết. Nhưng nếu gần 2/3 số nhà xuất bản phải dừng hoạt động sẽ là một xáo trộn lớn với thị trường xuất bản. Nếu theo đúng quy định mới của Nghị định 195, sẽ có những nhà xuất bản phải đóng cửa mà không hẳn vì hoạt động yếu kém.

Theo vtv.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ