Gần 40 năm đi tìm mộ người yêu

Gần 40 năm đi tìm mộ người yêu

(GD&TĐ) - Đêm trở về căn nhà trống vắng, chị lại sống bằng kí ức của một thời hoa lửa Trường Sơn ác liệt. Có lẽ đó là những ngày tháng bi hùng và đẹp nhất của cuộc đời chị. Những đêm buồn chị lại làm thơ và viết nhật kí và khẳng định rằng dù anh không còn nữa nhưng chị vẫn mãi yêu anh suốt cuộc đời này.

Tình yêu và sự bất tử

Năm 1968, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị Phùng Thị Huệ (sinh năm 1950, thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội,  Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã gác bút nghiên, viết đơn tình nguyện xin lên đường đi đánh Mỹ. Ngày ấy chị được gia nhập Đoàn Thanh niên xung phong 557, C18N5 vượt Trường Sơn vào chiến trường  Bình - Trị - Thiên. Chính nơi đạn bom ác liệt này chị đã gặp anh, người chiến sỹ Đặng Xuân Thọ ở cùng đơn vị. Lần đầu gặp gỡ, nhưng hai trái tim đã hòa chung nhịp đập. Họ đã nắm tay nhau với lời thề sắt son, hẹn ước ngày trở về xây dựng hạnh phúc khi đất nước ca khúc khải hoàn.

4 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường ác liệt, chị Huệ bị thương và xuất ngũ trở về quê tham gia sản xuất. Còn anh đi học Trường Trung học Hàng hải (Hải Phòng). Hơn một năm sau, mẹ và em trai anh Thọ tử nạn trong một trận bom của không lực Hoa Kì. Nợ nước, thù nhà, anh Thọ lại xung phong tái ngũ, tiếp tục lên đường vào chiến trường B chiến đấu. Ngày ra đi, bước lên xe, anh chỉ kịp dặn chị: “Em ở nhà chờ anh trở về”. Chị trả lời: “Anh cứ an tâm lên đường, em ở nhà dù 5 năm, 10 năm, 20 năm hay cả cuộc đời em vẫn chờ anh trở về”.

Đêm trở về trong căn nhà trống vắng, chị lại sống bằng kí ức của một thời hoa lửa ở Trường Sơn ác liệt. Có lẽ đó là những ngày tháng bi hùng và đẹp nhất của cuộc đời chị (ảnh M.L)
Đêm trở về trong căn nhà trống vắng, chị lại sống bằng kí ức của một thời hoa lửa ở Trường Sơn ác liệt. Có lẽ đó là những ngày tháng bi hùng và đẹp nhất của cuộc đời chị (ảnh M.L)

Những cánh thư đi, những cánh thư về chị gửi anh chiếc gối thêu hai con bồ câu đậu trên cành đào xuân hé nụ, anh gửi chị chiếc lược làm bằng mảnh vỡ máy bay. Tình yêu ngày càng mặn nồng trong chờ đợi. Anh chị đều mong chờ ngày chiến thắng để trở về sống bên nhau.

Nhưng rồi anh Thọ vĩnh viễn không trở về. Anh nằm lại trước cửa ngõ Sài Gòn khi cùng đoàn quân thần tốc tiến vào giải phóng thành đô. 

Nhớ buổi chiều đau thương ấy, chị đang đứng nơi bậu cửa ngóng về phương xa chờ thư người yêu thì bất ngờ nhận được tin anh đã hy sinh. Như sét đánh ngang tai, chị ngất lịm trên chiếc gối cưới mà mình đang thêu dở dang chờ ngày anh chiến thắng  trở về.

Khi anh hy sinh, ở nhà chỉ còn lại một mình người cha nên chị xin phép gia đình anh làm con dâu để suốt đời được chăm sóc cho cha già. Khi cha anh qua đời chị mang các bát nhang của gia đình anh về ngôi nhà mình bên dòng sông Lam thờ phụng.

Dù chưa một lần được làm vợ  nhưng chị tự coi mình là con dâu của gia đình anh. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của anh và mọi người trong gia đình chị đều làm giỗ chu đáo. 

Chị Huệ bây giờ tóc đã nhuốm màu mây trắng, nhưng khuôn mặt phúc hậu vẫn mang nét đẹp của một thời xuân sắc. Tại sao chị không đi lấy chồng? Chị lắc đầu bảo: Không hiểu tại sao, tình yêu với anh trong chị vẫn còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Trải qua những phong ba cuộc sống, tình yêu ấy vẫn không hề phai nhạt. Nhiều người đàn ông đến muốn lấy tôi làm vợ nhưng tôi không thể”…, chị nói.

Ngày đi làm, đêm trở về trong căn nhà trống vắng, chị lại sống bằng kí ức của một thời hoa lửa ở Trường Sơn ác liệt. Có lẽ đó là những ngày tháng bi hùng và đẹp nhất của cuộc đời chị. Những đêm buồn chị lại làm thơ và viết nhật kí và khẳng định rằng dù anh không còn nữa nhưng chị vẫn  mãi yêu anh suốt cuộc đời này.

Gần 40 năm đi  tìm mộ người yêu

Anh Thọ hy sinh nhưng chưa tìm được hài cốt, vậy nên trong chị luôn đau đáu về điều đó. Hàng ngày chị làm lụng vất vả, chắt chiu từng đồng kiếm được để đi tìm hài cốt người yêu. 

Chị tâm sự: “Tôi ý định đi tìm mộ anh Thọ từ năm 1976, nhưng không biết anh hy sinh ở chiến trường nào. Trong tờ giấy báo tử ghi vỏn vẹn mấy dòng, báo tin liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hy sinh ngày 26/1/1973, tại mặt trận phía Nam...” Không biết nơi cụ thể nhưng tôi vẫn cứ đi đến các chiến trường xưa để tìm anh. Và cứ tin rằng anh sẽ chỉ cho tôi nơi đồng đội đã chôn cất anh, tôi muốn tận rờ được hài cốt của anh, cho dù đó còn lại chỉ là một mẩu xương khô.”

Mấy chục năm qua, bàn chân chị đã mò mẫm đi khắp các chiến trường xưa như Quảng Trị, Tây Nguyên, dọc bìa rừng Trường Sơn và các nghĩa trang phía Nam với hy vọng tìm thấy hài cốt anh Thọ.

Không chỉ ở các chiến trường phía Nam mà chị còn đi đến các nơi như  Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội để nắm thông tin về anh. Chị rất chăm  đọc báo, xem ti - vi, nghe đài. Cứ đến mục “Nhắn tìm đồng đội” là chị lại mở sổ ghi chép. Một thông tin dù nhỏ nhất nhưng đó cũng là hy vọng để chị thực hiện ý nguyện.

Năm nào cũng vậy, cứ xong ngày 27/7, chị lại khoác ba lô đi tìm anh. Bà Đinh Thị An - Một đồng đội TNXP ở Gio Mai (Gio Linh, Quảng Trị) rơm rớm nước mắt kể: “Có đến vài chục bận chị Huệ vào đây, rồi một mình băng vào rừng, lội suối để đi đến những bãi chiến trường năm xưa ở chốn rừng thiêng nước độc dựng lán ngủ lại trong rừng để đi tìm hài cốt anh Thọ. Có lần chị ấy bị lạc rừng, kiệt sức nằm gục bên con suối, may có người địa phương phát hiện đưa đi cấp cứu không thì nguy. Thương chị ấy quá. Có lần tôi khuyên chị: Chị đừng đi tìm nữa, chiến trường miền Nam chị đi suốt  đời cũng không hết. Chắc anh Thọ cũng hiểu cho tấm lòng của chị, chị nên về lấy chồng đi chứ tuổi xuân sắp hết rồi. Cứ nói đến việc đó là chị lại khóc, khiến tôi cũng ôm chị khóc theo. Đó là mối tình bất tử ”.

Gần 40 năm mò mẫm đi tìm khắp các chiến trường xưa..., cuối cùng chị đã tìm thấy ngôi mộ anh Thọ ở xã Hậu Mỹ, tỉnh Tiền Giang xa xôi. Tìm được anh, chị đưa về Nghĩa trang liệt sỹ xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho anh. Chị tâm sự: "Trên đời này chẳng có ai như tôi, chuyện vợ đi tìm mộ chồng đã khó, chuyện người yêu như tôi đi tìm mộ người yêu suốt 40 năm qua có lẽ chẳng ai thấy bao giờ".

Vâng! Thiên diễm tình của chị thật hiếm có trên cõi đời này, nó đã hóa thành bất tử và trở thành huyền thoại như cổ tích giữa đời thường.

Rời Nghi Xuân trong buổi chiều chang chang nắng, hai bên đường đất cằn sỏi đá nhưng hoa mua vẫn nở tím thủy chung, chúng tôi ngoái lại vẫn thấy chị Huệ đứng bên bàn thờ người yêu bảng lãng khói hương. Chị đứng đó đã hơn 40 mùa thương nhớ.

Thạch Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ