Gần 1.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019

GD&TĐ - Chiều 14/10, Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 họp Hội đồng sơ khảo, chính thức chấm các tác phẩm tham gia dự giải năm nay. Đã có hơn 900 tác phẩm đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương gửi về Ban tổ chức.

Họp Hội đồng sơ khảo, chính thức chấm các tác phẩm tham gia dự giải năm nay.
Họp Hội đồng sơ khảo, chính thức chấm các tác phẩm tham gia dự giải năm nay.

Tăng cả chất và lượng

Từng tham gia chấm nhiều giải báo chí, bà Nguyễn Thu Hà – Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Phó ban Thời sự VTV1 nhận xét: Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 rất có chất lượng. Chất lượng tác phẩm dự thi khá tốt, có nhiều tuyến bài dài kỳ. Nét mới của giải năm nay là, các tác phẩm tham gia ở thể loại phát thanh - truyền hình rất sôi động, phản ánh đa chiều về giáo dục.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái – Tổng Biên tập Tạp chí Công an Nhân dân nhấn mạnh, với số lượng và chất lượng tác phẩm dự thi tốt hơn năm ngoái chứng tỏ rằng, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong “làng báo” nói riêng và xã hội nói chung. Hy vọng giải năm nay sẽ tìm ra các tác phẩm xuất sắc, chất lượng cao và tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội.

Tại buổi họp, nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại cho biết, đề tài của các tác phẩm tham dự giải năm nay khá toàn diện, số lượng bài phản ánh mặt tích cực của ngành Giáo dục là nổi trội. Nhiều bài viết phản ánh những việc làm hay, những sáng kiến, sáng tạo của các nhà giáo và tập thể nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục; góp phần nâng cao chất lượng dạy - học. Nhiều tác phẩm cũng đề xuất và hiến kế các giải pháp cho ngành Giáo dục trong việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành.

Bảo đảm khách quan, trung thực

Để bảo đảm khách quan, trung thực và chất lượng, Hội đồng sơ khảo chia thành 3 tiểu ban gồm: Báo in; Báo điện tử; Phát thanh - Truyền hình. Theo Ban tổ chức, so với năm ngoái, số lượng tác phẩm dự thi đều tăng ở tất cả các loại hình báo chí. Hội đồng sơ khảo đã thống nhất nguyên tắc chung trong việc chấm các tác phẩm tham gia dự giải.

Theo đó, Hội đồng sơ khảo có nhiệm vụ chấm, thẩm định, xét chọn các tác phẩm dự giải và chịu trách nhiệm trong việc quyết định các tác phẩm được vào chung khảo, để chuyển tới Hội đồng chung khảo và Ban tổ chức tổng hợp, trình Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định việc trao giải.

Căn cứ làm việc của Hội đồng sơ khảo là Thể lệ và Tiêu chí chấm. Hội đồng sơ khảo làm việc với tinh thần trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc đánh giá tác phẩm. Các thành viên trong Hội đồng sơ khảo đều bình đẳng như nhau trong việc thẩm định, tuyển chọn tác phẩm. Đánh giá của thành viên Hội đồng sơ khảo đối với tác phẩm được thể hiện bằng cách cho điểm đối với tác phẩm. Đây là giải thưởng dành cho các tác phẩm nên tên tác giả được giữ nguyên trên các tác phẩm báo chí.

Ngoài ra, Ban tổ chức và Hội đồng sơ khảo cũng thống nhất ban hành các tiêu chí chấm giải, gồm: Thứ nhất là tính phát hiện. Cụ thể, tác phẩm có tính phát hiện cách làm mới, nhân vật mới, mô hình mới; cách làm độc đáo, đặc biệt, nổi bật. Đạt được tiêu chí này, tác phẩm sẽ được 5 điểm. Thứ hai là văn phong, bút pháp, hình thức thể hiện.

Cụ thể: Văn phong rõ ràng, ngôn ngữ và cách thể hiện đúng đặc trưng các loại hình báo chí, đặc trưng thể loại báo chí; ưu tiên tác phẩm có văn phong và cách thể hiện sáng tạo, mới, lạ, chuyên nghiệp, hiện đại. Mức điểm tối đa cho tiêu chí này là 3 điểm. Thứ 3 là ý nghĩa và tác động xã hội. Cụ thể: Nhân vật, mô hình có đóng góp tích cực, hiệu quả cho xã hội; có sức lan tỏa và ảnh hưởng thực sự tới cộng đồng. Tiêu chí này có mức điểm tối đa là 2 điểm.

Về quy trình chấm, Ban tổ chức cho biết, Hội đồng sơ khảo sẽ tiến hành chấm 2 vòng. Thời gian chấm sơ khảo bắt đầu từ ngày 14/10 và dự kiến hoàn thành vào ngày 28/10. Theo Ban tổ chức, tiêu chí về nội dung để xét trao giải là tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn.

Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới giáo dục. Ban tổ chức không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.

Tiêu chí tiếp theo là, tác phẩm phản ánh các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học. Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bên cạnh đó, những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước cũng nằm trong tiêu chí về nội dung để xét trao giải năm nay.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Trong cơ cấu giải thưởng có 1 giải xuất sắc được xét chọn từ 4 tác phẩm đoạt giải Nhất của 4 loại hình được nhận phần thưởng: chuyến tham quan Vương quốc Anh dành cho 1 người. Giá trị giải thưởng không quy đổi thành tiền mặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.