Là một luật sư lâu năm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, ông N.V.C chứng kiến rất nhiều chuyện về vấn đề cấp dưỡng nuôi con từ các thân chủ của ông. Mới đây nhất, luật sư N.V.C tiếp một thiếu phụ… 4 chồng đến xin tư vấn để kiện đòi tiền cấp dưỡng nuôi con.
Để giữ bí mật cho thân chủ, tạm gọi người phụ nữ này là chị A. Chị A. gốc Tuyên Quang dù sống ở Hà Nội đã lâu nhưng vẻ đẹp mặn mà “chè Thái, gái Tuyên” vẫn rất hút mắt. Có lẽ vì thế nên chị A. đã bốn lần lọt vào “mắt xanh” của bốn đại gia, hay có thể nói bốn “đại gia” rơi vào “lưới tình” của chị.
Sau bốn cuộc tình, chị A. có khối tài sản là một ngôi nhà, một xe bốn bánh và… bốn đứa con của bốn ông bố khác nhau. Vốn sắc sảo, hiểu đời nên chị A. tất nhiên chẳng để ông bố nào “chạy thoát”. Bốn đứa con của chị đều có giấy khai sinh với đầy đủ tên bố, mẹ đàng hoàng.
Mỗi tháng, 5 mẹ con chị A. còn đều đặn nhận được khoản tiền cấp dưỡng nuôi con từ bốn ông bố đại gia là 80 triệu đồng. Hai mươi triệu để đóng góp hàng tháng nuôi con chung với một người đàn bà đẹp thì nói cho cùng, với các đại gia này đó cũng là khoản “đầu tư” không đáng tiếc.
“Đùng” một cái, một ông bố bỗng dưng “biệt tăm” tiền cấp dưỡng 3 tháng trời. Vẫn gặp, vẫn liên lạc, nhưng hỏi đến tiền thì “thư thư cho anh chút đã, đợt này kẹt quá”.
Đoán rằng suy thoái kinh tế đã “sờ” đến ông bố này, nhưng chị A. cũng không vì thế mà nhân nhượng được, bởi 5 mẹ con chị đã quen sống thoải mái với khoản tiền gần trăm triệu một tháng, bản thân chị A. cũng không đi làm việc gì để có thu nhập riêng.
Giục giã mãi không được, chị A. tìm luật sư tư vấn để phát đơn đi kiện đòi tiền cấp dưỡng. Thấy lạ, luật sư cắc cớ hỏi chị A.: “Sao đời cô truân chuyên vậy, những bốn đứa con với bốn ông chồng?”.
Những tưởng chị A ngậm ngùi cho phận hồng nhan, nào ngờ chị thẳng thắn: “Phải thế chứ, bốn con với một ông chồng để em chết đói nhăn răng à!”.
Bim bim, bỏng ngô thay tiền cấp dưỡng
Cũng theo lời kể của luật sư N.V.C, ông từng gặp một người mẹ đến hỏi về chuyện tiền cấp dưỡng nuôi con mà khóc như mưa như gió. Không phải chị ta khóc vì không nhận được tiền cấp dưỡng, mà khóc vì chồng cũ của mình sao nỡ ti tiện, nhỏ nhen cả với đứa con máu thịt của mình.
Vợ chồng ly hôn, người vợ nuôi con. Theo phân xử của Tòa, mỗi tháng người bố cấp dưỡng nuôi con 1 triệu đồng. Sau khi ly hôn, người bố vẫn đến thăm con đều đặn và đưa con đi chơi, nhưng tuyệt nhiên không thấy nói gì đến chuyện đưa tiền cấp dưỡng nuôi con.
Nửa năm trôi qua, người vợ sốt ruột hỏi thì anh ta chìa ra một danh sách dài dằng dặc với những khoản liệt kê rất chi tiết để… khấu trừ vào tiền cấp dưỡng nuôi con, như đưa con đi chơi vườn thú mua vé vào cổng, mua bim bim, bỏng ngô, mua đồ chơi… Thậm chí, con chạy chơi vấp ngã, chảy máu, khoản tiền mua bông băng, cồn, băng bó cho con cũng được anh ta liệt kê vào.
“Nghe câu chuyện cô ấy kể, tôi cũng thấy cám cảnh vì chưa bao giờ gặp ông bố nào kỳ quặc và chi ly như thế. Cô ấy hỏi tôi có luật nào quy định được khấu trừ như thế không. Tôi trả lời là không, luật pháp luôn công bằng và ngay thẳng, chỉ có lòng người thật lắt léo, khó lường” - Luật sư N.V.C cười buồn kể lại.
Thi hành án cũng khổ
“Hai bên đương sự tự nguyện thỏa thuận thi hành trực tiếp với nhau” là mơ ước của rất nhiều cán bộ thi hành án khi thi hành án về cấp dưỡng nuôi con.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sau khi đã ly hôn thì ghét nhau đến mức “không thể thở chung một bầu không khí” thì làm sao có chuyện họ tự thỏa thuận để thi hành trực tiếp với nhau.
Thế nên “trăm dâu mới đổ đầu… thi hành án” như câu chuyện của một cán bộ thi hành án của quận D (thành phố H) dưới đây.
Theo lời kể của cán bộ này, đôi vợ chồng ly hôn, người vợ nuôi con, người chồng có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 3 triệu đồng/năm. Cán bộ thi hành án đã nhiều lần thuyết phục họ tự nguyện thỏa thuận thi hành trực tiếp với nhau, nhưng cả hai kiên quyết không chịu vì “tôi không thể chịu được khi nhìn cái bản mặt đáng ghét của anh ta/chị ta”.
Vợ chồng ly hôn khi hai đứa con còn rất nhỏ nên cơ quan thi hành án cứ phải “chịu trận” dài dài. Lần này người chồng chậm nộp tiền là người vợ lại đến cơ quan thi hành án nhờ réo đòi; lần khác người vợ chê khoản tiền 1,5 triệu cho 6 tháng là ít nên để cả năm lấy luôn thể, cán bộ thi hành án phải đi gửi tiết kiệm nhờ ngân hàng giữ hộ…
Thế nhưng, kể cả khi đương sự tự nguyện thỏa thuận thi hành trực tiếp với nhau thì thi hành án cũng không nhàn. Cũng tại quận D (thành phố H) có chuyện hai ông bà dẫn nhau đến cơ quan thi hành án cãi nhau nhờ phân xử về khoản tiền cấp dưỡng 2 triệu đồng.
Ông bảo đưa tiền rồi, bà bảo chưa, không ai chịu ai, cũng không có giấy tờ gì chứng minh. Cán bộ thi hành án thấy vậy khuyên thôi thì mỗi người chịu một nửa cho yên nhà yên cửa.
Thấy cãi mãi không ăn thua, ông bố đành chịu thua rút ra 1 triệu, nhưng trước khi đưa cho bà mẹ, ông ta gọi đứa con vào huơ huơ tờ tiền trước mặt đứa trẻ, giọng riết róng: “Đấy nhé, con chứng kiến nhé, bố đưa tiền nuôi con nhé, không mẹ mày lại bảo tao ăn quỵt!”. Cán bộ thi hành án chứng kiến chỉ biết cười mếu, đau lòng…