Gà trong tranh dân gian Đông Hồ

GD&TĐ - Treo tranh trong ngày Tết đã trở thành một thú chơi tao nhã, một phong tục đẹp của người nông dân Việt Nam xưa, cứ mỗi dịp Tết, các gia đình dù giàu hay nghèo, ngoài bánh chưng, thịt mỡ dưa hành cũng không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh Tết.

Gà trong tranh dân gian Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết: “Trong các dòng tranh dân gian nổi tiếng, tranh Đông Hồ có cái hay là thể hiện truyền thuyết, những câu chuyện ngụ ngôn trong dân gian, thể hiện sự dí dỏm, vui vầy, hạnh phúc nên được người dân dùng để treo trong dịp Tết.

Nhìn vào một bức tranh dân gian Đông Hồ, người xem không khỏi trầm trồ, thú vị trước những màu sắc phong phú, tươi tắn; những hình khối, đường nét tuy đơn giản nhưng sống động, thực mà hư, hư mà thực, gần gũi với đời sống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.

Đặc biệt, trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng, vì thế trong tranh Đông Hồ, có rất nhiều tranh về đề tài này. Cụ thể, có tới 6 loại tranh gà trong tranh Đông Hồ”.

Người nghệ nhân năm nay đã bước sang tuổi 82, tay cầm tranh, say sưa giảng giải cho chúng tôi ý nghĩa của từng bức tranh: Tranh gà Đại cát thể hiện một lời chúc tụng và ước vọng cho một cuộc sống may mắn.

Trong tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Trong gia đình khi vừa hoàn thành nhà hoặc tổ chức cưới cho con thì họ thường treo tranh này.

Gà được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may. Hình ảnh chú gà trống oai vệ, hùng dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho 5 đức tính tốt của nam giới (người quân tử): tính văn (mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn), tính vũ (cựa gà), tính dũng (không sợ địch thủ), tính nhân (kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại), tính tín (gáy báo giờ chính xác).

Do vậy, chú gà trống măng tơ trong tranh gà Đại cát được miêu tả vừa chạy, vừa kêu cục tác, trông no nê, tràn đầy sức sống. Bức tranh gà Đại cát đã đi vào lòng người Việt Nam như một lời chúc, mang ý nghĩa nghênh xuân, một ý cổ động và được lặp lại trong nhiều tranh khác.

Tranh Gà dạ xướng, nhật minh vẽ một chú gà trống đứng co một chân (Kim kê độc lập - tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã được cách điệu rất đẹp.

Trên tranh có chữ Dạ xướng ngũ canh hòa (Đêm gáy năm canh đều đặn). Vế kia của tranh, vẫn chú gà đó quay trở lại, và dòng chữ Nhật minh tam tác thụy (Ngày mang tới ba điều lành). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, quỷ quái, mang tới may mắn.

Bức tranh Gà mẹ gà con hay Gà đàn là biểu tượng của hạnh phúc. Trên tranh, con gà mái lớn đang ngậm con ong, đang hiền từ, chăm chút các con.

Mười chú gà đứng quanh gà mẹ: Con đang rỉa lông, con đang đùa chạy, con nấp dưới bụng mẹ… Mỗi con mỗi vẻ khác nhau, dường như tất cả đang hướng về một phía, phía miếng mồi của gà mẹ vừa kiếm được.

Hai chân gà mẹ dang ra chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đang đứng trên lưng, đồng thời cũng chuẩn bị giữ thế trước sự giành mồi của các con gà, sắp bổ nhào tới.

Ngoài cái ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, no đủ, bức tranh còn toát ra một “mối tình mẫu tử” thiêng liêng, một sự đoàn tụ sum vầy của gia đình gà.

Một số con được vẽ công phu, có sự nghiên cứu cẩn thận (như con ở góc trên cùng và ở góc cuối cùng bên phải bức tranh): Cái lối xòe đôi cánh, cái lối choãi chân, quay nghiêng đầu, uốn thân mình… trông vừa thực, vừa cách điệu, giàu nghệ thuật.

Ý nghĩa bức tranh này có sự răn dạy người đời rằng: “Một người mẹ có thể vất vả đến mấy cũng nuôi được 10 con, nhưng sau này ra đời chưa chắc 10 người con đã nuôi được mẹ”.

Bức tranh Gà thư hùng có cảnh một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Trên tranh có dòng chữ Nôm “lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông” - một lời chúc thật sâu sắc! (Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh).

Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc – tạo nên sự nũng nịu. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên – tạo nên tư thế chủ gia đình, che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình.

Bức Tam Dương khai thái (Gà gáy khi mặt trời mọc), với tựa đề này, tự nó đã thể hiện tính minh triết Đông phương trong chủ đề của bức tranh.

Nhưng nếu chỉ dừng ở đây, thì bức tranh này cũng chỉ có thể coi là sự diễn tả đơn giản rằng: Với độ số Dương 3 là tượng quẻ Chấn – phương Đông – nơi mặt trời mọc; có ý nghĩa chúc lành cho một ngày mới, hoặc một vận hội mới.

Hoặc có thể hiểu rằng: Tam Dương là tượng quái Càn, đây là quái đứng đầu trong bát quái có ý nghĩa thể hiện cho sự hanh thông, tiến triển.

Bức Gà hoa hồng thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ.

Gà gáy báo hiệu một ngày mới. Con gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm. Và gà không chỉ là vật nuôi thân thuộc nó còn là chiếc đồng hồ gọi cả làng dậy ra đồng mỗi sớm mai. Chính vì thế nó trở thành con vật gắn bó, gần gũi trong tâm linh của nhà nông từ ngàn xưa.

Một trong những tranh gà nổi tiếng nhất của dòng trang Đông Hồ, phải kể đến bức tranh Vinh hoa khá quen thuộc với phần đông người dân Việt Nam ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ chừng 20 năm trở về trước.

Đó là hình bé trai ôm gà trống thuộc dòng tranh chúc tụng trong tranh dân gian Đông Hồ, thường được các gia đình mua về dán lên cột nhà trong những ngày Tết xưa. Thực ra đây chỉ là một bức trong bộ tranh 4 bức: Vinh hoa - Phú quý - Nhân nghĩa - Lễ trí.

Ý nghĩa chúc tụng của 4 bức tranh này đều được nghệ nhân thể hiện rõ ràng ở tên tranh. Trong bộ tứ quý này lại được chia làm 2 cặp bé trai - bé gái: Lễ trí - Nhân nghĩa và Vinh hoa - Phú quý với hàm ý chúc cho có con cái thì phải có đủ cả trai lẫn gái, hay “có nếp có tẻ” như cách nói của các cụ xưa, như vậy mới là tròn đầy.

Riêng với bức Vinh hoa, không chỉ vẽ một hình ảnh đẹp mà còn mang hàm ý sâu xa: Gà trống chữ Hán là đại kê, có âm đồng với chữ đại cát/đại kiết.

Đại cát cũng là tên một quẻ bói tốt nhất trong bát quái. Có nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Một chú bé bụ bẫm ôm trong lòng điều tốt đẹp, ông bà cha mẹ nào mà không hài lòng trong năm mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ