Ga số 1 của mùa xuân

Ga số 1 của mùa xuân

Cuộc sống là trường học lớn

Nhân loại thường cảm nhận xuân thực sự khi tờ lịch đầu tiên của năm mới hiện ra, với màu đỏ báo may mắn, niềm vui mùa mới. Một bản giao hưởng của tình đời mà ở thượng tầng của tinh thần Á Đông mọi thời đại đều coi đó là chủ lưu, nền tảng để đánh giá nhân cách, lối sống, tâm hồn.

Một mỹ tục đẹp, đáng quý mà đạo làm người không được phép quên: Nhớ ơn bậc sinh thành và các thầy cô đã dạy dỗ mình. Cuộc sống là trường học lớn, người ham học thì có nhiều thầy, bên cạnh thầy cô dạy chính quy trong trường của các cấp học. Ca dao đã nhắc bậc cha mẹ: “Muốn sang phải bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, nhắc phận con: “Mồng Một Tết cha/Mồng Hai Tết mẹ/Mồng Ba Tết thầy”. Thời phong kiến cho tới giữa thế kỷ XX, thì Tết thầy không chỉ riêng trò mà cả cha hoặc mẹ cùng đến để tỏ lòng tri ân, kính trọng.

Việc kính thầy, từ ngàn xưa đến nay, tôn lên hàng đầu qua lời dạy Khổng Tử: “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Chữ Lễ giữa thầy - trò ngày nay đã biến động, sa sút, đổi thay; song nghĩa vụ biết kính trọng lễ phép với những thầy cô đáng kính, để duy trì quan hệ “thầy ra thầy - trò ra trò” vẫn là một tiêu chí của đạo làm người.

Từ tiểu học đến đại học, tôi đều học ở gần nhà. Theo tuyến đi lại mỗi ngày, tôi thường được qua trường cấp 1, cấp 2 Dịch Vọng từng học, nay gọi là Tiểu học, Trung học cơ sở. Không còn là trường xưa, vì đã được xây đẹp, tiện nghi đồng bộ, và vẫn là trường công lâu năm uy tín dẫn đầu quận Cầu Giấy, như trước kia là trường tốt của huyện Từ Liêm, dù chỉ là mấy dãy nhà cấp 4. Những đứa trẻ trong khu Văn Công Cầu Giấy (Bộ Văn hóa) chúng tôi đều học ở hai trường này, lên cấp 3 thì học Trường Yên Hòa gần làng Cót.

Bình luận viên bóng đá Vũ Quang Huy hàng xóm hơn bốn mươi năm, là đàn anh đồng môn của tôi cả 3 cấp học. Anh lập Facebook, tự hào về khu tập thể này. Anh vẫn nhắc tôi mỗi khi gặp trong ngõ, chỉ hỏi han nhau vài phút vì đều bận: “Khu mình giờ khác trước nhiều, ít nghệ sĩ ở đây, đông dân các nơi về. Còn lại mấy anh em cùng khu, rất quý, cùng cố gắng nhé!”. Anh cũng như tôi, nôn nao nhớ tuổi thơ khi ngày ngày đi đường Nguyễn Khánh Toàn giữa hai trường cấp 1 - 2 tên Dịch Vọng đối diện nhau. Nhạc sĩ Vũ Việt Anh (con trai độc nhất của cặp NSND biên đạo múa Vũ Việt Cường - Kim Quy) tác giả những ca khúc đầy chất thơ: Dòng sông bỏ lại, Không còn mùa thu, Đêm nằm mơ phố mỗi khi nhớ về tuổi thơ, lại nhắc kỷ niệm từng sống tại Khu Văn Công và học cấp 1 Dịch Vọng…

Trong ngôi trường vừa qua tuổi 45

Từ bao giờ, mùa hè được coi là mùa thi, mùa học trò, với màu phượng đỏ; mùa thu là mùa tựu trường, khai giảng. Còn với tôi, mùa xuân là mùa khởi đầu, mùa của dự định, ước mơ, mùa hoài niệm. Tôi mong muốn lớn nhất mùa xuân này của tôi là mùa thu năm 2020 con gái tôi vào lớp 1, học tại ngôi trường Dịch Vọng mà 35 năm trước tôi náo nức được chú ruột, họa sĩ Vi Kiến Thành dắt tay đến lớp, học những chữ cái đầu tiên. Bây giờ, các con tôi học mầm non tư thục gần nhà, được học chữ cái và tiếng Anh từ tuổi lên 3, song thế hệ con chịu áp lực, khó khăn hơn thế hệ trước nhiều lần: Học sinh đông hơn, xã hội phức tạp hơn và hay phải thay đổi chương trình học.

Lứa tôi và thế hệ trước, sách in 4, 5 năm của anh chị trước cho, vẫn học bình thường, thì năm học tới đây, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới đi vào triển khai mà con gái tôi là lứa đầu tiên. Tôi lo lắng cho con hơn cả khi mình thi đại học. Tôi mong mỏi các con học Trường Dịch Vọng, nơi ấy là một vùng kí ức tuyệt đẹp mà người mẹ cố ý thiết kế chuỗi kỷ niệm thiêng liêng và quý giá trong đời, để trở lại tuổi nhi đồng, để lịch sử lặp lại bằng giao diện hình ảnh mới, trong ngôi trường vừa qua tuổi 45, để mẹ được sống lại tuổi thơ khi cùng con đến lớp.

Ước vọng về tương lai của con cho tôi chiếc vé thần kỳ trở về thuở nhỏ. Trường cấp 1 nay lùi về phía trước kia là bãi cỏ, mương đào.

Trường cấp 2 chỉ còn lại dãy nhà nơi tôi học lớp 9A, đầu hồi tầng 2 sát đường, cây xà cừ già vẫn ở đó. Vườn phi lao thành trụ sở Công an phường Dịch Vọng. Những dãy nhà cấp 4 thay thế bằng 5 tòa nhà đầy đủ các chức năng của một ngôi trường hiện đại, tiêu chuẩn. Cổng hai trường đều quay hướng khác xưa, nhìn ra phố Nguyễn Khánh Toàn.

Món quà tôi tặng cho mình trước Tết, tự mừng tuổi tôi, là bước qua cổng Trường Tiểu học Dịch Vọng B, dành một tiếng rưỡi tham quan một mình trong buổi trưa vắng lặng.

Ngàn lần qua cổng chính, cổng phụ (có bể bơi bốn mùa), tôi hay tưởng tượng ngày được dắt tay con gái nhập học Trường Dịch Vọng và hè 2020 cho con đến trường học bơi.

Bồi hồi bước vào khuôn viên ngôi trường. Quả đúng là trường đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn quốc gia từ 2001. Tháng 4/2019, tôi ứa nước mắt khi năm học chưa kết thúc, tôi đã nghe các cháu lớp mẫu giáo lớn của con tôi đọc bài Cái trống trường em của nhà thơ Thanh Hào.

Chính nhờ phải học thuộc mà đến giờ thế hệ cha mẹ tôi, chúng tôi vẫn nhớ nhiều bài thơ hồi đi học. Dung dị, tình cảm, trong sáng, những bài thơ của Thanh Hào khiến tôi yêu mến tâm hồn ông. Tôi tìm hiểu và biết ông sống ở Gia Lâm, nhà có vườn đầy cây trái. Khi được công chúng ghi nhận, tôi đã lên kế hoạch thăm nhà thơ Thanh Hào và gặp lại nhà thơ Quang Huy (1931 - 2015) - Vị Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin trên phố Lò Đúc mà tôi từng tiếp xúc, rất đôn hậu, chân tình, chính là tác giả Mùa thu của em tôi học từ lớp 1 và sau này con tôi đã thuộc khi mới 4 tuổi rưỡi.

Tôi trọng tình cảm, nghĩa tình, nhưng vì quá bận, đã để trượt đi nhiều cuộc gặp với một số người tử tế, rồi lại trách giận mình trong ân hận. Con đã tập viết những chữ cái đầu tiên, tập tô theo vở mẫu. Đến khi nào con đọc được sách, xem những trang viết của tôi? Như chiều lòng người, phòng đầu tiên tôi gặp ở dãy nhà đầu tiên, là Thư viện.

Thư viện sàn gỗ dành cho cả giáo viên và học sinh, có sân khấu, bàn tròn ghế dựa, treo cao các khẩu hiệu: “Học, học nữa, học mãi” (V.I. Lê nin), “Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ”, “Hãy giữ im lặng để chúng mình cùng đọc nhé!”.

Ban giám hiệu là 3 cô giáo thế hệ 7X, hình như không phải của học sinh của trường. Cô hiệu trưởng Đỗ Thị Mai từ Trường Tiểu học Mai Dịch chuyển về đây đã tiếp quản trường từ ngày đầu, từ lúc còn nhà cấp 4 đến khi xây cơ sở mới. Cô được danh hiệu Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần 3.

Tôi mừng, yên tâm khi xem phóng sự chương trình “Vì tầm vóc Việt” trên VTV1 về nhà ăn hiện đại, vệ sinh, chế biến ngon của Trường Dịch Vọng B. Các nhân viên đồng phục trắng, đeo găng tay, đội mũ, rất chuyên nghiệp. Tôi cảm động khi thấy cô hiệu trưởng dắt tay đón học trò vào lớp 1, khối bé bỏng nhất.

Và tôi mở đầu viết cho con: “Con ơi, Mẹ chắc chắn Mẹ sẽ không kìm được nước mắt khi đưa con đến dự khai giảng năm học lớp 1, 5/9/2020. Mẹ được trẻ lại tuổi thơ, trở về 35 năm - Trường Dịch Vọng hơn mẹ 6 tuổi mà vẫn tràn đầy thanh xuân nhờ tiêu chí luôn là ngôi trường hạnh phúc, bởi phương châm: “Mỗi ngày đến trường là ngày ngày vui”, nơi “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Trường tiểu học là cánh cửa đầu tiên, ga số 1 của mùa xuân đẹp nhất của đời con!

Đang xuân, mẹ lại đọc cùng con “Ngôi trường thân quen/ Bạn thầy mong đợi/ Lật trang vở mới / Em vào mùa thu” - bài Mùa thu của em của nhà thơ Quang Huy mà mẹ thuộc từ lớp 1 ngày nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.