(GD&TĐ) - Sản phẩm gà đồi Yên Thế được bảo hộ thương hiệu từ năm 2012. Hiện tổng đàn gà thương phẩm có thể xuất bán đạt khoảng 4,3 triệu con. Gà đồi Yên Thế ra khỏi địa bàn được kẹp chì, phải có ít nhất bốn loại giấy tờ của bốn cơ quan khác nhau.
Sự lên ngôi của một thương hiệu
Chúng tôi có mặt ở Yên Thế (Bắc Giang) vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn, khi người dân vừa lo chống rét vừa chuẩn bị cho đàn gà những điều kiện cần thiết để xuất chuồng... đón Tết. Thị trường chính của gà đồi Yên Thế vẫn là Hà Nội, địa phương ký kết hợp tác tiêu thụ với tỉnh Bắc Giang. Giá gà thời điểm này, bán tại chuồng có thể đạt 100 đến 120 nghìn đồng/kg. Một con gà đạt chuẩn bán ra nặng vào khoảng 1,5 đến 1,8kg, đương nhiên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mới được xuất chuồng.
Hình ảnh quen thuộc trong một trang trại gà ở Yên Thế (Bắc Giang) |
Thăm nhà ông Lê Thanh Hưng, là chủ một trại gà có khoảng 50.000 con ở xã Phồn Xương. Tính toán thời gian bán gà Tết, nếu không có vụ rét khiến gia đình ông phải tăng thêm nhiều chi phí chăm sóc đàn gà thì ông có thể thu được gần 800 triệu. Cũng chăn nuôi theo mô hình gia trại như ông Hưng, bà Lương Thị Thoa, ở xã Tân Hiệp, có khoảng 45.000 con, do sơ suất nên có một số bị chết trong đợt rét vừa qua. "Sắp Tết rồi mà trung bình mỗi con mới nhỉnh hơn một cân chú ạ, rét quá nó lớn chậm. Vừa hôm qua mấy chú ở xã, thú y đến kiểm tra. Các chú ấy nói gà nhà tôi không bán Tết được đâu, chưa đủ chuẩn, nó ảnh hưởng thương hiệu đi. Thôi thì để bán sau Tết cũng được, gà của mình có thương hiệu đàng hoàng lo gì không bán được giá", bà Thoa cho biết.
Xã Đồng Tâm là nơi có số lượng đàn gà chăn nuôi tập trung đông nhất nhì huyện Yên Thế. Do bảo đảm các biện pháp phòng dịch, chống rét ngay từ đầu mùa đông nên đàn gà ở đây phát triển khá ổn định, hầu hết đều bảo đảm có thể xuất chuồng trước Tết. Nhiều hộ dân ở Đồng Tâm chống rét cho gà bằng những khu chuồng úm, quây bạt, thắp điện sưởi ấm cho gà còn "hơn cho người". Như vậy tuy chi phí phải đội lên một chút nhưng người chăn nuôi hạn chế được tối đa rủi ro do rét, dịch bệnh, gà lớn chậm...
Vẫn còn đó những nguy cơ gà "bẩn", gà ... "nhái" trà trộn vào mâm cơm ngày Tết |
Ở Yên Thế, có nhiều hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại số lượng lên tới hàng chục ngàn con. Sau khi đạt được thương hiệu, lại được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ một thị trường cực lớn như Hà Nội, người nuôi gà Yên Thế có thể hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm của mình. Giá bán cũng nhờ thế tăng khá cao, tính ra trừ hết mọi chi phí cũng có thể thu lãi 30-40.000 đồng/kg. Ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Hiện nay mỗi ngày Yên Thế có hàng chục xe tải chở gà xuất bán. Các xe này được ra khỏi địa bàn huyện phải có đầy đủ giấy tờ của cơ quan quản lý nhà nước, thú y, quản lý thị trường và được kẹp chì niêm phong. Huyện đã quán triệt lãnh đạo các xã với bà con tuân thủ đúng các điều kiện chăn nuôi để bảo đảm chất lượng gà. Không vì lợi nhuận hay lý do nào khác mà ảnh hưởng thương hiệu, đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Gian nan cuộc chiến chống gà lậu, gà kém chất lượng
Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng gà đúng nhãn mác "Gà đồi Yên Thế"; nhưng nỗi lo gà lậu, gà "bẩn" vẫn đang còn là nỗi ám ảnh. Cũng không loại trừ việc có đối tượng tuồn gà nơi khác, thậm chí gà "bẩn" vào "giả danh gà Yên Thế" bán ra thu lợi cao. Về vấn đề này, ông Lưu Xuân Vượng cho biết huyện đã chỉ đạo lực lượng công an, quản lý thị trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ mọi con đường ra vào huyện. Chính quyền cấp xã phải nắm chắc số lượng gà hiện có trên địa bàn, hộ nào có bao nhiêu con, được phép xuất bán hay không. "Không có chuyện gà nơi khác mang về mà được gắn mác gà Yên Thế được. Chúng tôi bảo đảm gà từ Yên Thế đi là gà đồi Yên Thế. Tuy nhiên, để biết gà mang tới đâu, xe hàng còn kẹp chì hay không thì phụ thuộc vào lực lượng chức năng ở điểm đến. Chúng tôi chưa thể kiểm soát được khi xe ra khỏi địa bàn", ông Vượng khẳng định.
Tỉnh Bắc Giang là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang phía Bắc từ hai tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh về Hà Nội. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đặc biệt "nóng" tình trạng buôn bán gà không bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Cuộc chiến chống gà lậu của các cơ quan liên ngành tỉnh Bắc Giang đầy cam go và không thiếu những tình huống bi hài.
Bảo vệ thương hiệu Gà đồi Yên Thế nói riêng và gà nội địa nói chung với cuộc chiến chống gà bẩn, gà thải loại tưởng là hai việc khác nhau nhưng lại có mối liên quan chặt chẽ. Bảo đảm kiểm soát được vấn nạn gà lậu qua biên giới sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm chất lượng gà nội địa, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi và sức khoẻ người tiêu dùng.
Trần Thường