Fidel Castro: Đất nước chúng tôi không có ​việc lạm dụng quyền lực

Cuốn sách 100 giờ với Fidel Castro - lần đầu tiên Chủ tịch Fidel Castro kể lại câu chuyện đời ông một cách đầy đủ, qua hình thức trò chuyện với Ignacio Ramonet - biên tập viên của báo Le Monde Diplomatique (Pháp).

Chủ tịch Fidel Castro phát biểu trước Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ năm 1979. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Fidel Castro phát biểu trước Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ năm 1979. Ảnh: Reuters

* Ở Cuba không trải qua giai đoạn mà thời Gorbachev ở Liên Xô gọi là cuộc cải tổ về kinh tế, chính trị. Ông có cho rằng việc đó là không cần thiết ở đất nước này và chính vì không trải qua giai đoạn đó mà cách mạng Cuba tồn tại đến ngày nay?

- Cho đến bây giờ tôi có thể khẳng định hiện tượng lịch sử xảy ra ở Liên Xô chưa hề xảy ra ở Cuba. Chủ nghĩa Stalin không xuất hiện ở đây, đất nước chúng tôi không có những hiện tượng mang bản chất đó - việc lạm dụng quyền lực, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, thần tượng...

Ở đất nước chúng tôi, ngay từ những ngày đầu của cách mạng đã có luật cấm đặt tên đường, công trình công cộng, cầu cống hay tượng đài theo tên các nhà lãnh đạo còn sống.

Chả có lý do gì chúng tôi phải lặp lại sai lầm đã xảy ra ở nơi khác. Ở đất nước tôi không hề có việc ép buộc phải theo tập thể - chuyện đó chưa bao giờ xảy ra ở đây.

Chúng tôi luôn tôn trọng một nguyên tắc: chủ nghĩa xã hội được xây dựng bởi những con người tự do muốn tạo ra một xã hội mới. Chúng tôi không muốn phạm những sai lầm không đáng có.

Nếu chúng tôi thực hiện cải tổ về kinh tế, chính trị như ở Liên Xô, người Mỹ sẽ rất vui mừng. Nếu chúng tôi bị chia cắt thành nhiều mảng thì chắc chắn một cuộc tranh giành quyền lực lớn sẽ diễn ra, người Mỹ sẽ là những người thỏa mãn nhất; họ đã từng nói: “Cuối cùng thì chúng ta cũng sắp loại bỏ được cuộc cách mạng Cuba ở đất nước này”.

Nếu chúng tôi cải tổ theo kiểu đó, điều mà không phù hợp chút nào với điều kiện ở Cuba, chúng tôi đã tự làm hại mình. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ tự làm hại mình - đó là điều tôi có thể khẳng định chắc chắn.

* Và Việt Nam cũng là nguồn cổ vũ lớn lao của những người Cuba. Chính Che đã thúc giục các nước Thế giới thứ ba phải “tạo ra hai, ba, thật nhiều Việt Nam hơn nữa”.

- Và theo quan điểm của tôi thì anh ấy hoàn toàn đúng khi nói vậy. Tôi xin nói ngay rằng năm 1979, tức là 12 năm sau khi Che hi sinh, chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc được vài năm, và những chiến sĩ trong phong trào Sandinista ở Nicaragua đang bắt đầu giành được chiến thắng bằng kiểu đấu tranh mà chúng tôi đã phát động, trong đó Che cũng từng tham gia góp sức mình.

Và phong trào cách mạng ở El Salvador cũng bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ với khí thế hừng hực… Đó là một trong những cuộc đấu tranh với nhiều bài học kinh nghiệm nhất.

* Có khi nào người Cuba cho rằng an ninh của mình từng được sức mạnh quân sự của Liên Xô đảm bảo?

- Không bao giờ. Thậm chí có những lúc chúng tôi còn cho rằng nếu chúng tôi bị Mỹ tấn công, Liên Xô sẽ không bao giờ đứng ra bảo vệ và chúng tôi cũng không thể cầu cứu họ được.

Với sự phát triển của công nghệ, thật ngớ ngẩn khi nghĩ, kêu gọi hay hi vọng Liên Xô đứng ra chống lại Mỹ trong trường hợp Mỹ xâm lược hòn đảo chỉ cách họ có 90 dặm đường này.

Chúng tôi biết rất rõ sẽ không bao giờ có sự hỗ trợ nào cả. Hơn nữa, có lần chúng tôi đã thẳng thắn kêu gọi Liên Xô, lúc đó khoảng vài năm trước khi họ sụp đổ: “Cứ nói sự thật với chúng tôi đi” và câu trả lời là “Không”.

Thật ra chúng tôi đã đoán trước được câu trả lời. Kể từ đó, chúng tôi đẩy mạnh và hoàn thiện kế hoạch chiến lược và chiến thuật đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng, thắng lợi về quân sự trước một đội quân mạnh hơn gấp hàng trăm lần.

Sau câu trả lời đó, chúng tôi hoàn toàn dựa vào các kế hoạch và triết lý quân sự của mình, chúng tôi tự củng cố sức mạnh cho mình.

* Khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều người cho rằng cách mạng Cuba cũng sẽ sụp đổ. Làm thế nào mà người Cuba vượt qua được giai đoạn khó khăn đó?

Người Mỹ tăng cường cấm vận. Đạo luật Torricelli và đạo luật Helms - Burton được thông qua. Cả thị trường xuất khẩu và nguồn cung cấp hàng hóa bị cấm vận. Lượng tiêu thụ calorie và protein giảm một nửa. Đất nước này đã phải chống chọi lại và chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên mặt trận xã hội.

Ngày nay, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề thực phẩm dinh dưỡng và đang tiếp tục tiến lên trên những mặt trận khác. Chúng tôi vẫn làm việc và ý thức cảnh giác được tạo ra từ rất nhiều năm nay đã mang đến điều kỳ diệu.

Tại sao chúng tôi chống chọi được? Bởi vì cách mạng đã và đang được sự ủng hộ của cả nước, của những con người thông minh ngày càng đoàn kết, trình độ học vấn và tinh thần chiến đấu ngày càng cao.

* Ông có cho rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa lớn nhất với thế giới ngày nay?

- Tôi đồng ý rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng thế giới ngày nay, nhưng tôi cũng cho rằng nhân loại đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngang tầm như vậy, hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn: việc tiếp tục phá hủy môi trường và điều kiện sống của các loài; nghèo đói ngày càng gia tăng; thiếu quan tâm đến sức khỏe con người… Rất nhiều mối đe dọa nghiêm trọng mà thế giới này đang phải đối mặt ngoài nạn khủng bố.

Nước Mỹ luôn nhắc đến “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, nhưng tôi lại thấy cần phải thận trọng với khái niệm chủ nghĩa khủng bố.

Kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001, chúng ta thấy rất nhiều hoạt động của các nước - chẳng hạn như Iraq, hay Iran sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình - bị liệt vào các nước có hoạt động khủng bố.

Quay lại thời gian những năm 1980 dưới thời tổng thống Reagan, những chiến sĩ như Nelson Mandela chiến đấu chống lại chế độ apartheid ở Nam Phi bị xem là “kẻ khủng bố”.

Hay những người chiến đấu vì nền độc lập của Namibia, hoặc người Palestine chiến đấu vì nhà nước độc lập của họ, các chiến sĩ yêu nước Salvador cũng đều bị coi là khủng bố.

Về vấn đề khủng bố, khi đạo diễn lừng danh Oliver Stone hỏi "Tại sao ông ra lệnh thi hành án tử hình mau lẹ đối với những tên cướp tàu phà?", Chủ tịch Fidel Castro đã trả lời: "Để ngăn chặn làn sóng khủng bố, phải tiêu diệt cái ác tại gốc rễ.

Bổn phận đầu tiên của chúng tôi là bảo vệ nhân dân. Vì lẽ đó, chúng tôi không thể do dự. Ngay cả trong trường hợp những kẻ lãnh án tử hình bị xúi giục.

Chủ tịch Fidel Castro bị ám sát hụt đến 638 lần

Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, 84 tuổi, đã đi vào sách kỷ lục Guinness thế giới với số lần bị mưu sát nhiều nhất là 638 lần trong thời gian từ 1959-2006, do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tiến hành phần lớn nhưng không thành công, theo một trang web chính thức của Cuba.

Trang web cubadebate viết: “Nhà lãnh đạo huyền thoại của cách mạng Cuba Fidel Castro là người bị âm mưu ám sát nhiều nhất, theo sách kỷ lục Guinness và dữ liệu của CIA. CIA là thủ phạm chính thực hiện phần lớn các âm mưu này”.

“Các phương thức ám sát cực kỳ phong phú và hiểm độc, nhưng đều thất bại: dùng súng bắn tỉa, cho chất nổ vào trong giày, đưa chất độc vào xì gà hay tạo một khối nổ nhỏ như quả bóng chày...” - Trang web này viết.

Theo CafeBiz

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.