Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Aquila đã diễn ra từ ngày 28/6. Tuy nhiên, mãi tới hiện tại, Facebook mới chính thức "khoe" tin vui này cùng đoạn video ngắn giới thiệu về mẫu máy bay phát Internet đặc biệt của họ.
Theo Facebook, Aquila được thiết kế có sải cánh tương đương một máy bay chở khách thông thường, nhưng nhẹ hơn một chiếc xe hơi cỡ nhỏ. Mẫu máy bay này vận hành bằng năng lượng do các tấm pin mặt trời được lắp trên phần cánh cung cấp. Thêm vào đó, nó có thể lơ lửng ở độ cao hơn 18.200 mét trên không trung suốt nhiều tháng liên tục.
CEO Facebook Mark Zuckerberg đã trực tiếp có mặt tại cơ sở thử nghiệm bay ở Yuma, bang Arizona, Mỹ lúc rạng sáng ngày 28/6 để cùng nhóm phát triển dự án bí mật chứng kiến thành quả của họ. Lúc đó, Zuckerberg cho biết, mục tiêu chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Aquila là cất cánh an toàn, hoạt động ổn định trong không trung và bay được ít nhất 30 phút trước khi hạ cánh.
Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ đúng như kế hoạch, Zuckerberg vui mừng chia sẻ: "Tôi cảm thấy đây là một mốc quan trọng đối với công ty và đối với việc kết nối thế giới mà tôi cũng là một phần trong đó".
Đối với Facebook, Aquila còn có ý nghĩa hơn cả bằng chứng cho một ý tưởng đầy tham vọng. Nó là một yếu tố then chốt giúp công ty thực hiện kế hoạch cung cấp Internet cho cả 7 tỉ người trên Trái đất, bất kể họ sống ở đâu và có mức thu nhập là bao nhiêu. Theo Zuckerberg, việc đó sẽ giúp hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói, cải thiện giáo cũng như y tế khắp toàn cầu.
Ngoài ra, thành công của máy bay phát Internet cũng sẽ hỗ trợ thế hệ các dịch vụ tương lai của Facebook, liên quan đến trí thông minh nhân tạo, thực tế ảo, ... Con đường dẫn tới một phiên bản thực tế ảo của Facebook bắt đầu mở ra khi Aquila rời khỏi đường băng.
Kỷ nguyên công nghệ tiếp theo được cho là sẽ đòi hỏi băng thông lớn hơn và các kết nối đáng tin cậy hơn những gì chúng ta có ngày nay. Các máy bay không người lái có thể giúp thực hiện cả 2 mục tiêu đó.