Trong thông cáo nói trên, Stamos cho biết người dùng "tình nghi" bị các nhóm hacker thuộc chính phủ hay một thể chế chính quyền tấn công sẽ nhận được cảnh báo từ Facebook, đồng thời họ sẽ khuyến cáo người dùng bật tính năng xác thực hai yếu tố qua điện thoại (Login Approvals).
Bài của Stamos trên blog chính thức của Facebook cho biết mạng xã hội này đặc biệt lưu tâm tới các vụ hack có dính dáng tới các chính phủ bởi các vụ tấn công này "thường tinh vi và nguy hiểm hơn". Tuy vậy, công ty này không làm rõ các biện pháp sẽ sử dụng để phân biệt các vụ tấn công từ các tổ chức chính phủ và các vụ tấn công từ tội phạm số thông thường.
Thông báo của Facebook được đưa ra trong bối cảnh các vấn đề về chiến tranh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên ngày một phức tạp hơn. Mới chỉ tháng 6 vừa qua, các hãng truyền thông tại Mỹ đưa ra cáo buộc rằng Trung Quốc đã đứng đằng sau vụ trộm thông tin của hơn 18 triệu nhân viên chính phủ. Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình sau đó đã ký kết hiệp định cam kết chính phủ hai bên sẽ không tấn công vào các doanh nghiệp của nước còn lại.
Cùng lúc, Facebook vẫn bày tỏ tham vọng sẽ được hoạt động tại Trung Quốc. Tham vọng này của hãng cũng đồng nghĩa với việc quyền riêng tư của người dùng tại Trung Quốc và có thể là cả tại các quốc gia khác sẽ bị đe dọa.
Màn hình cảnh báo được Facebook công bố
Hiện tại, Facebook chưa công bố chi tiết về bất cứ vụ hack nào do các tổ chức chính phủ trên thế giới thực hiện. Dù vậy nhưng cả Đội quân Điện tử Syria, chính phủ Tunisia và Trung Quốc đều bị nghi ngờ là đã hack vào mạng xã hội số 1 hành tinh này. Theo báo cáo trung thực của Facebook, chỉ trong nửa sau 2014, chính phủ Mỹ đã yêu cầu hãng cung cấp dữ liệu của 21.371 tài khoản, nhiều hơn tất cả các chính phủ còn lại trên thế giới.