Facebook Messenger đã đạt được 1 tỷ người dùng bằng cách nào?

Canh bạc buộc người dùng tải về ứng dụng tin nhắn Messenger của Facebook đã được đền đáp.

Facebook Messenger đã đạt được 1 tỷ người dùng bằng cách nào?

Mặc dù ban đầu có sự phản ứng dữ dội lúc ban đầu nhưng rốt cuộc Messenger đã tăng gấp đôi số lượng người sử dụng trong vòng 20 tháng để đạt mốc 1 tỷ người sử dụng sau 5 năm ra mắt.

Với việc đạt được 1 tỷ người dùng, Messenger đã gia nhập câu lạc bộ "1 tỷ người dùng" cùng với Facebook, WhatsApp và YouTube của Google.

Cùng với con số trên, Messenger còn sở hữu những con số rất ấn tượng khác. Mỗi tháng, có tới 17 tỷ bức ảnh được gửi và 1 tỷ tin nhắn được trao đổi qua ứng dụng này. Mỗi ngày, có tới 380 triệu sticker (biểu tượng cảm xúc) và 22 triệu hình động (GIF) và 10% cuộc gọi VoIP được gửi và thực hiện qua Messenger.

Nền tảng mới của Messenger bây giờ đã có 18.000 chương trình tự động (bot) và 23.000 lập trình viên đã đăng ký chương trình Wit.ai Bot Engine của Facebook.

Việc đạt được 1 tỷ người dùng có thể giúp Facebook thu hút các thương hiệu và phát triển nền tảng Messenger. Sự có mặt ở khắp mọi nơi cho phép Messenger có khả năng bổ sung thêm người dùng và làm cho nó hấp dẫn hơn các đối thủ dịch vụ nhắn tin khác.

Con đường đi tới "ngôi nhà 1 tỷ người dùng" của Messenger

Messenger ban đầu đưa ra như là một phiên bản làm mới của Beluga, ứng dụng trò chuyện của bên thứ ba được xây dựng bởi Lucy Zhang, cựu nhân viên của Google. Facebook mua lại ứng dụng này vào tháng Ba năm 2011.

Sau năm năm, Lucy Zhang nói: "Rất khó để tưởng tượng chúng ta sẽ nhận được 1 tỷ người dùng, nhưng chúng tôi biết chúng tôi muốn nó. Đó là tầm nhìn của chúng tôi. Chúng tôi muốn tất cả mọi người trên thế giớ kết nối theo cách này. "

Messenger phiên bản một ra mắt vào tháng 8/2011, tập trung vào nền tảng nhanh chóng chuyển tin nhắn trả lời cho dù người nhận nhận được ở bất cứ đâu dù là máy tính để bàn hay điện thoại di động.

Nó có một số tính năng vẫn được dùng hiện nay, ngoại trừ tính năng chia sẻ ảnh và địa điểm. Một năm sau, tính năng báo tin nhắn đã đọc được bổ sung, tạo cảm giác như người dùng với nhau đang trò chuyện mặt đối mặt.

Trong các năm từ 2012 đến 2013, Facebook dần từ bỏ yêu cầu phải có tài khoản Facebook để sử dụng Messenger. Ứng dụng này cho phép người dùng liên hệ với mọi người thông qua tin nhắn SMS với số điện thoại của họ nếu người được liên hệ không phải là bạn bè trên Facebook.

Cũng trong thời gian này, Facebook đã giới thiệu tính năng cuộc gọi VoIP trên Messenger, giúp ứng dụng này dần trở thành một công cụ gọi điện thoại mặc định trên điện thoại thông minh. Và cũng bắt đầu từ đây, Messenger tách dần khỏi ứng dụng chính Facebook để trở thành một ứng dụng độc lập với thiết kế rõ ràng, đơn giản và tốc độ.

Có lẽ trước sự tăng trưởng người dùng chậm chạp trong ba năm đầu của Messenger - tính từ khi ra mắt đến tháng 4/2014, ứng dụng này mới chỉ đạt 200 triệu người dùng - mà tới năm 2014, Facebook đã quyết định đưa ra "canh bạc" ép người dùng Facebook di động phải dùng Messenger nếu muốn nhận được các tin nhắn.

Nhiều người dùng đã có phản ứng tức giận. Họ phàn nàn về sự rườm rà của Facebook khi "đẻ" ra thêm ứng dụng. Nhưng rốt cuộc mọi người vẫn buộc phải chấp nhận sự rườm rà này và Messenger nhanh chóng leo lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các ứng dụng được tải về nhiều nhất.

Người dùng dần nhận ra ý đồ của việc "đẻ" ra thêm ứng dụng Messenger. Đó là một ứng dụng thuần túy dành cho mọi người một không gian tán gẫu, gửi tin nhắn và liên tục được bổ sung nhiều tính năng mới hấp dẫn, khác hẳn thời còn sống ký sinh trong ứng dụng "mẹ" cồng kềnh Facebook.

Và kết quả là Messenger đã có bứt phá ngoạn mục khi đạt được 500 triệu người dùng vào tháng 10/2014.

Trong giai đoạn từ cuối 2014 đến nay, Facebook đã đầu tư nâng cấp mạnh mẽ cho Messenger như thêm ô tròn báo tình trạng tin nhắn được gửi, phát hành tính năng chat video, gửi tiền cho bạn bè, áp dụng chế độ bảo mật mã hóa end-to-end, cho phép gọi các các dịch vụ thương mại điện tử như Uber.

Tại hội nghị F8 năm 2016, Facebook đã nâng tầm Messenger lên một nâng thang cao hơn trở thành một nền tảng di động, tích hợp các chương trình trả lời tự động (chatbots) với ý đồ giữ chân người dùng ở lại với ứng dụng này càng lâu càng tốt. Người dùng Messenger bây giờ có thể đọc báo điện tử, sử dụng các dịch vụ của bên thứ ba ngay trong ứng dụng này.

Tương lai của Messenger

Với những tiến bộ ổn định, Facebook Messenger đã vượt qua các ứng dụng di động đối thủ cạnh tranh. KakaoTalk đã có hơn 50 triệu người sử dụng, Kik có 175 triệu và Line có 218 triệu.

Đối thủ lớn nhất của Messenger bây giờ chủ yếu là WeChat với 762 triệu người sử dụng ở Trung Quốc, nơi Messenger không thể hoạt động, và 150 triệu người sử dụng hàng ngày Snapchat, người dùng chủ yếu liên quan với tin nhắn hình ảnh và chia sẻ câu chuyện chứ không phải là tiện ích cốt lõi.

Messenger và WhatsApp của Facebook bây giờ đã thống trị cuộc đua cung cấp dịch vụ trò chuyện trực tuyến bên ngoài Trung Quốc, ngoại trừ một "kẻ thù" khó vượt qua là tin nhắn SMS.

Để vượt qua SMS, Facebook cần phải đưa Messenger có mặt ở mọi nơi. Và đây cũng là một trong những lý do khiến Facebook mạnh tay đầu tư cho các dự án mang internet tới những nơi xa xôi trên thế giới.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ