Theo một bài báo được đăng trên Proceedings of the National Academy of Science – ấn phẩm chính thức của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ, Facebook đã chỉnh sửa dòng tin mới News Feed của hàng trăm ngàn người dùng như một phần trong thí nghiệm tâm lý học do các chuyên gia dữ liệu công ty bày ra. Bằng cách thay đổi News Feed theo ý muốn, thí nghiệm muốn nghiên cứu về tác động tích cực và tiêu cực lan truyền qua mạng xã hội.
Để thí nghiệm, các nhà nghiên cứu chọn ra 689.003 người dùng Facebook không sử dụng tiếng Anh và bắt đầu loại bỏ các bài đăng có cảm xúc tiêu cực/tích cực cho các nhóm khác nhau. Theo tài liệu, khi một người xem News Feed, các bài đăng có chứa nội dung cảm xúc có thể biến mất theo tỉ lệ từ 10% đến 90% tùy theo ID người dùng. Tuy nhiên, chúng chỉ không hiển thị trên News Feed mà vẫn xuất hiện nếu vào dòng thời gian của người đó hoặc khi F5. Các nhà nghiên cứu không can thiệp tin nhắn mọi người gửi cho nhau.
Gần 700.000 người dùng Facebook bị tham gia vào một thí nghiệm mà họ không hề hay biết. Ảnh minh họa: The Verge |
Họ khẳng định hình thức xử lý dữ liệu này được ghi rõ trong Điều khoản Sử dụng của Facebook. Khi người dùng đăng ký tài khoản, họ đồng ý rằng thông tin có thể được sử dụng “cho hoạt động nội bộ, bao gồm xử lý sự cố, phân tích dữ liệu, thử nghiệm, nghiên cứu và cải tiến dịch vụ”. Dù không có dòng nào nhắc đến việc thay đổi sản phẩm như News Feed, nhiều khả năng Facebook không đi quá giới hạn của điều khoản. Tuy nhiên, người dùng vẫn cảm thấy bị lợi dụng với thông tin này.
Trước phản ứng của nhiều người, Adam Kramer, nhà khoa học dữ liệu Facebook và đồng tác giả báo cáo, lên tiếng giải thích về động cơ đứng sau nghiên cứu. Đây cũng được xem là phát ngôn của Facebook về vấn đề kể trên.
“Lý do chúng tôi thực hiện nghiên cứu là vì quan tâm tới tác động cảm xúc của Facebook và những người sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy nên điều tra về nỗi lo lắng chung khi chứng kiến bạn bè đăng nội dung tích cực có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực hay bị bỏ rơi. Đồng thời, chúng tôi lo ngại cảm giác tiêu cực sẽ khiến mọi người không muốn ghé thăm Facebook”.
Ông Kramer lưu ý nghiên cứu chỉ ảnh hưởng đến 0,04% người dùng trong một tuần năm 2012 dù quy mô lên tới hàng trăm ngàn người. Kết quả của nghiên cứu lại mâu thuẫn với định kiến tồn tại lâu nay: tiếp xúc với cảm xúc tích cực sẽ khuyến khích mọi người đăng các nội dung tích cực tương tự. Chuyên gia nhấn mạnh là người viết và thiết kế thí nghiệm, mục tiêu của Facebook là không làm bất kỳ ai cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên, các luật sư, nhà hoạt động Internet và chính trị gia đều bày tỏ sự bất bình trước thí nghiệm của Facebook và gọi đây là “bê bối”, “ghê sợ” hay “nhiễu loạn”. Tối 29/6, một thành viên Quốc hội Anh kêu gọi quốc hội điều tra việc Facebook và các mạng xã hội khác can thiệp vào cảm xúc và tâm lý của người dùng bằng cách thay đổi thông tin cung cấp cho họ.
Jim Sheridan, chính trị gia Công đảng (Anh) cho rằng Facebook đang thay đổi thông tin từ cuộc sống cá nhân của nhiều người. Ông lo ngại khả năng điều chỉnh suy nghĩ của người dùng trong các vấn đề chính trị, xã hội khác. Nếu họ bị điều khiển, họ cần phải được bảo vệ và ít nhất phải biết mình đang trở thành con rối trong tay các hãng.
Trong khi đó, theo James Grimmelmann, Giáo sư Luật Đại học Maryland (Mỹ), Facebook đã thất bại khi không giành được “đồng thuận tự nguyện” mà chính sách bảo vệ con người của Mỹ đề ra, theo đó yêu cầu giải thích rõ ràng mục đích của các nghiên cứu và sự tham gia của các chủ thể, mô tả các nguy cơ có thể dự báo trước và thông báo sự tham gia là tự nguyện.