EVN chưa hỗ trợ đã “đòi” ưu đãi

EVN chưa hỗ trợ  đã “đòi” ưu đãi

Tuy nhiên, các đề xuất hỗ trợ cộng đồng của EVN chưa thành hiện thực thì tập đoàn này đã xin Nhà nước hỗ trợ bằng cách miễn thuế phí, giảm giá. 

Giảm 10% tiền điện trong 3 tháng

Liên quan đến đề xuất giảm giá tiền điện cho người dân và doanh nghiệp ngày 9/4, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Theo đó, Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất của Bộ Công Thương về việc giảm giá điện, giảm tiền điện. Giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện bảo đảm đúng quy định. Ngày 10/4, Bộ Công Thương đã dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo luật định trước khi chính thức phát hành văn bản, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện.

Theo phương án, thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực. Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng trong các tháng 4, 5 và 6 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7. Bộ Công Thương khẳng định sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, bảo đảm đúng đối tượng, thời gian. Góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân do tác động của dịch. Ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là hơn 11.000 tỷ đồng.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên cán bộ Bộ Công Thương, chuyên gia Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, trong đó có EVN. Nhưng có thể nói EVN là ngành ít bị ảnh hưởng so với các ngành khác bởi “hàng hóa” sản xuất ra bán hết ngay, không có hàng tồn, nguyên liệu đầu vào gần như không ảnh hưởng nhiều. Ngành điện vẫn hoạt động bình thường, người lao động không phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Xưa nay chúng ta vẫn lo thiếu điện thì giờ sử dụng điện ít đi, lại là điều tốt. Việc EVN chung tay chia sẻ khó khăn với người dân là rất đáng khích lệ. Tuy vậy, việc giảm giá điện 10% chắc chắn không làm ngành điện kinh doanh thua lỗ, thậm chí vẫn có lãi.

“Mức giảm 10% là dành cho các hộ sử dụng điện dưới 300kWh/tháng. Với mức giảm này thì EVN ảnh hưởng không đáng kể. Bởi đầu vào gồm các chi phí sản xuất điện không thay đổi đáng kể, tỉ giá về cơ bản cũng ổn định, nhiên liệu ổn định, nhân công vẫn như thế. Ảnh hưởng có chăng ở đây là EVN sẽ bị giảm một phần tiền lãi, lợi nhuận để tái đầu tư. Không có chuyện thua lỗ. Dù có hỗ trợ ở mức như vậy thì ngành điện vẫn có lãi chứ không bị lỗ như các ngành khác”, TS Ngô Đức Lâm chia sẻ.

Đối với nguồn nguyên liệu sản xuất điện là than nhập khẩu thì thông thường, các đơn vị nhập khẩu mua than thường ký hợp đồng vài năm chứ không ký vài tháng. Hiện tại, các nhà máy điện than vẫn hoạt động bình thường, đủ than để sản xuất. Đối với các nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT thì chủ đầu tư phải chủ động tự lo nhiên liệu đầu vào, EVN chỉ mua lại điện, nên nhiên liệu của doanh nghiệp này có biến động EVN cũng không phải lo. Do đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chống dịch, EVN nên bớt lại các khoản chi tiêu, giảm lợi nhuận đi một ít để thực hiện nhiệm vụ xã hội với cộng đồng, cũng là điều nên làm.

EVN muốn được miễn thuế phí là không hợp lý

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, EVN cũng vừa kiến nghị được giảm giá bán than trộn cho hoạt động sản xuất điện. Miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020. Theo một số chuyên gia, đây là điều không hợp lý.

Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho hay, các kiến nghị trên của EVN được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này vừa đề xuất miễn phí 100% tiền điện cho các khu cách ly tập trung và bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19, còn Bộ Công Thương đề xuất mức giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp với mức cao nhất 10% trong 3 tháng. Nghĩa là, các đề xuất hỗ trợ cộng đồng của EVN chưa thành hiện thực thì tập đoàn này đã xin Nhà nước hỗ trợ bằng cách miễn thuế phí, giảm giá.

Còn với điện than, người dân phải chịu ô nhiễm, sức khỏe bị ảnh hưởng để cho giá điện than thấp. Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, nhà máy nhiệt than phát thải ra SO2 và NOx hình thành các hạt vật chất (bụi PM) và ozone, gây hại cho sức khỏe con người, dẫn đến tử vong sớm. Thế nhưng, trong tính giá điện than lại không bao gồm các chi phí này. Đối với thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước mà EVN đề xuất được miễn, ông Trần Đình Sính cũng cho rằng không thể chấp nhận được, bởi đây là những chi phí để bảo đảm môi trường và nền kinh tế phát triển bền vững. Các khoản thuế, phí liên quan đến môi trường này đã được quy định trong luật, nếu EVN được miễn thì tất cả các doanh nghiệp khác cũng phải được miễn. Điều đó là không hợp lý.

TS Ngô Đức Lâm cũng cho rằng, khách quan mà nói thì ngành điện bị ảnh hưởng rất ít bởi dịch Covid-19, vì thế việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ là không hợp lý. Là một doanh nghiệp Nhà nước, ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện, trong khi nguyên liệu đầu vào ít biến động, thị trường ổn định, không có hàng tồn, công nhân vẫn bảo đảm việc làm… thì lý do gì để hỗ trợ. Việc EVN dành 10% tiền điện hỗ trợ nêu trên, xin được nhấn mạnh là, chỉ giảm đi một phần nhỏ lợi nhuận của EVN chứ không làm doanh nghiệp bị thua lỗ. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ đi vay, phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp… mới chính là đối tượng phải hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ