(GD&TĐ)-Tôi biết Dung rất tình cờ, khi đến tham dự chương trình Hội chợ quê ngày Tết nâng cánh những ước mơ xanh do Trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy – Hà Nội) tổ chức. Cô bé dường như nổi bật giữa chúng bạn vì lúc nào cũng như con chim sáo, rạng rỡ, tươi tắn và năng nổ. Thế nhưng, thật bất ngờ khi cô hiệu trưởng nhà trường cho biết, em là trẻ mồ côi, từ nhỏ không hề được biết tình cảm yêu thương của cha, mẹ.
Hoàng Thu Dung và cô giáo chủ nhiệm Vũ Thị Lợi. Ảnh: gdtd.vn |
Gặp Dung và nói chuyện với em, tôi càng cảm thấy ở cô bé này một nghị lực thật kỳ lạ. Cuộc sống dù lúc thuận lợi cũng như khó khăn, nhưng với em, nó luôn được tô mầu hồng. Khi được hỏi, em có thấy thiệt thòi với chúng bạn khi không được biết đến tình cảm của cả cha và mẹ, Dung trả lời rất hồn nhiên: Bố mẹ đẻ của em mất sớm nhưng bù lại, em được sống trong tình yêu thương của các mẹ ở làng trẻ Birla. Em hạnh phúc vì có một gia đình lớn. Em là đứa trẻ mồ côi may mắn”.
“Chuyện về cha mẹ em cũng chỉ được nghe lại”, Dung bắt đầu câu chuyện về hoàn cảnh của mình: Mẹ em bị bệnh ung thư và mất khi em chưa đầy 1 tuổi, chị gái chưa đầy 3 tuổi. Một năm sau khi mẹ mất, bố lấy mẹ kế và sinh thêm em bé. Nhưng không may, không lâu sau bố cũng mất vì tai nạn, để lại 3 chị em côi cút, đứa lớn nhất mới 5 tuổi đầu. Sau đó, em được bà ngoại nuôi còn chị Yến và em Hường sang ở với bà nội. Nhưng, bà nội không khá giả gì, lại tuổi cao nên sợ không nuôi được 2 chị em nên người đã gửi chị và em gái em vào làng trẻ Birla. Một năm sau, em cũng vào làng trẻ.
Dung cũng không ngờ, em hòa nhập nhanh chóng với gia đình mới đến như thế. Theo em thì ở đó, em đã được hưởng một cuộc sống rất tốt và tràn đầy tình cảm thương yêu. Trong khi có không ít trẻ mồ côi phải bươn trải để kiếm miếng cơm manh áo, thì em được các mẹ trong làng trẻ chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ. Em cũng được đi học, được tham gia nhiều hoạt động giao lưu, được tặng quà mỗi ngày lễ tết. Đặc biệt, tuần nào cũng được các anh chị sinh viên đến giảng bài...
Cách em nói về gia đình lớn của mình thật cảm động, đầy yêu thương và lòng biết ơn. Dung nói, 120 anh chị em trong làng trẻ đều mến yêu các mẹ, nhưng người mà em dành nhiều tình cảm nhất, biết ơn nhất là chú Điệp – giám đốc làng trẻ. Dung nói: Chú Điệp tốt lắm, nhờ chú lăn lộn khắp nơi tìm tài trợ mà các em được đi biển mỗi năm, được uống sữa mỗi ngày, được học những gì mình thích, được tặng quà, quần áo mới...
Không mặc cảm, không rụt rè và luôn vượt lên chính mình, có lẽ do vậy mà năm nào Dung cũng đạt thành tích là học sinh giỏi. Em còn có năng khiếu đặc biệt về múa dù không được qua lớp đào tạo nào. Hiện Dung vừa là cây văn nghệ “đinh” của làng trẻ Birla, vừa là thành viên không thể thiếu trong đội văn nghệ của trường THCS Mai Dịch.
Nói về cô học trò đặc biệt của mình, cô giáo Vũ Thị Lợi, chủ nhiệm lớp 9E cho biết: Dung là học trò giỏi và rất ngoan, đầy tinh thần trách nhiệm. Nhiều em học sinh khi hoàn cảnh khó khăn thường mặc cảm, rụt rè, ngại giao tiếp với bạn bè, thầy cô, nhưng Dung thì ngược lại. Em là một học sinh hướng ngoại, yêu thích hoạt động tập thể. Em giống như một bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời vậy.
Nỗi buồn nhất với Dung là bà ngoại của em cũng đã ra đi. Em nói, mơ ước lớn nhất trong đời của em là được nhìn thấy bà, tiếp tục được bà yêu thương. Dung cũng thổ lộ ước mơ học thật giỏi tiếng Anh để sau này trở thành một tiếp viên hàng không, được đi khắp mọi miền đất nước.
Hiếu Nguyễn