Elon Musk- với ước mơ thay đổi tương lai nhân loại

GD&TĐ - Được coi là thần đồng Nam Phi, nhưng từ năm 17 tuổi, Elon Musk sang Canada và Mỹ để học hành và theo đuổi ước mơ phát triển các công nghệ thay đổi tương lai nhân loại. Với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thanh toán trực tuyến, phát triển năng lượng sạch và các hệ thống giao thông tiên tiến, chinh phục không gian, ông được rất nhiều người hâm mộ và trở thành “nguyên mẫu” cho nhân vật Tony Stark trong phim Iron Man.

Elon Musk
Elon Musk

Thần đồng may mắn

Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 tại Pretoria, Nam Phi trong một gia đình có cha là người Nam Phi và mẹ là người Canada. Từ khi còn rất nhỏ, Elon đã tự học lập trình, và ở tuổi 12 đã bán được phần mềm đầu tiên của mình với giá khoảng 500 USD.

Năm 17 tuổi, để tránh việc phục vụ trong quân đội Nam Phi lúc bấy giờ bảo vệ chế độ Apartheid đàn áp người da đen, Elon rời quê cha, sang Canada quê mẹ.

Năm 1992, Elon Musk rời Canada, sang Mỹ theo học đồng thời ngành kinh doanh và vật lý tại Đại học Pennsylvania, nhận hai bằng cử nhân Kinh tế và Vật lý tại đây, sau đó chuyển tới Thung lũng Silicon học tiến sĩ về Vật lý ứng dụng và Khoa học Vật liệu tại Đại học Standford.

Nhưng rồi chàng bỏ ngang luận án tiến sĩ để theo đuổi cách mạng công nghệ, noi gương những nhà cách tân trước đó như Nikola Tesla, Bill Gates, Steve Jobs, Walt Disney… Musk muốn tham dự ba lĩnh vực mà anh cho là sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới tương lai nhân loại, đó là Internet, năng lượng tái tạo và chinh phục không gian.

Khởi nghiệp kinh doanh

Năm 1995, Elon Musk cùng với em trai là Kimbal Musk khởi nghiệp với dự án Zip2, cung cấp phần mềm ấn hành nội dung số cho các hãng tin.

Năm 1999, Compaq mua lại Zip2 với giá 308 triệu USD; Elon nhận được 7%, khoảng 22 triệu. Với số tiền này, trong năm 1999, Musk sáng lập X.com, một công ty về dịch vụ tài chính trực tuyến và thanh toán qua email.

Một năm sau đó, X.com mua lại Confinity, hãng vận hành một hệ thống thanh toán đấu giá có quy mô tương tự như X.com, và đổi tên công ty mới thành Paypal. Chẳng bao lâu sau, Paypal trở thành phương tiện cần thiết để tích hợp và phát triển một nền tảng thanh toán trong hệ thống thanh toán toàn cầu. Năm 2002, PayPal được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD.

Vào tháng 6/2002, Musk thành lập công ty thứ ba của mình, Space Exploration Technologies (SpaceX) và hiện là CEO và Giám đốc Kỹ thuật của tập đoàn này. Trọng tâm của SpaceX là phát triển công nghệ tên lửa vũ trụ. Hai tên lửa đầu tiên của công ty là Falcon 1, Falcon 9 và phi thuyền đầu tiên mang tên Dragon.

Tháng 12/2008, SpaceX đã ký hợp đồng 1,6 tỷ USD với NASA cho 12 chuyến bay của Falcon 9 và Dragon vận chuyển hàng hóa và phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế (ISS), thay thế cho các thế hệ tàu con thoi.

Musk xem việc khai phá vũ trụ như một bước quan trọng trong việc mở rộng và bảo tồn sự sống của nhân loại, vốn mỗi ngày một trở nên mong manh trên hành tinh Trái đất, trước rất nhiều mối đe dọa như thảm họa hạt nhân, thiên tai, va chạm với các thiên thể khác… Với SpaceX, Musk đặt mục tiêu giảm giá thành của các chuyến bay có chở người xuống còn 1/10 so với hiện nay.

Sau 7 năm, SpaceX đã thiết kế thành công dòng thiết bị phóng phi thuyền đa mục đích Dragon. Tháng 9/2009, Falcon 1 trở thành tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng đầu tiên đưa vệ tinh lên quỹ đạo gần Trái đất. NASA đã chọn SpaceX, là công ty tư nhân đáng tin cậy, để tham gia các dự án vận chuyển hàng hóa tới ISS.

Từ năm 2011 Musk khẳng định mục đích cá nhân của ông là chỉ khoảng 10-20 năm nữa sẽ đưa người lên khai phá và định cư ở sao Hỏa. Ngày 25/5/2012, tàu SpaceX Dragon bay lên và đấu ráp thành công với ISS, ghi dấu mốc lịch sử lần đầu tiên cho một công ty tư nhân trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ.

Tiếp nối niềm đam mê ôtô điện từ thời thơ bé, năm 2004, Musk đầu tư thành lập Tesla Motors và trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm vị trí CEO. Ông xác định trước hết là phát triển những chiếc xe thể thao hạng sang để thu hút sự quan tâm và kiếm lợi nhuận ban đầu nhằm nuôi mục đích lâu dài là cung cấp ôtô điện phổ biến cho người bình dân, giảm đáng kể lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.

Rocket Launch - tên lửa đẩy mới nhất của SpaceX

Rocket Launch - tên lửa đẩy mới nhất của SpaceX

Phi thuyền Dragon sẵn sàng ráp nối với ISS

Phi thuyền Dragon sẵn sàng ráp nối với ISS 

Musk đặc biệt chỉ đạo thiết kế các mẫu sản phẩm cũng như định hướng chiến lược. Mẫu xe thể thao chạy điện đầu tiên, Tesla Roadster 2008, với giá 109.000 USD, bán được khoảng 2.500 chiếc ở 31 quốc gia, đồng thời bản thử nghiệm của nó nhận giải “Phát minh xuất sắc nhất” trong năm của tạp chí Time. Dòng xe Tesla Model S đã gây sốt và đoạt giải “Xe tiêu biểu nhất năm 2013” của tạp chí Automobile, bán được 4.900 chiếc tại Bắc Mỹ chỉ trong quý I năm 2013, trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất trong khu vực.

Bên cạnh việc bán xe điện thương hiệu Tesla, Tesla Motors còn cung cấp động cơ điện cho Mercedes-Benz, Toyota và Musk dự tính sẽ cung cấp một mạng lưới các trạm sạc điện siêu nhanh cho ôtô trên khắp Bắc Mỹ.

Elon Musk cũng là Chủ tịch HĐQT SolarCity, thành lập năm 2006. Cùng với Tesla Motors, SolarCity cũng là một phần của chiến dịch chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu. Sau vài năm phát triển, SolarCity đã vươn lên thành nhà cung cấp năng lượng Mặt trời lớn nhất Hoa Kỳ.

Từ năm 2009, SolarCity cũng bước chân vào lĩnh vực sản xuất ôtô điện, và hợp tác với Tesla Motors cung cấp các trạm sạc miễn phí cho xe điện hiệu Tesla và các phương tiện lưu trữ điện mặt trời. SolarCity cũng tham gia các chương trình từ thiện, đầu tư các dự án hợp tác với chính phủ, quân đội và các công ty khác.

Một tấm lòng nhân ái

Musk là chủ tịch của Quỹ Musk, tập trung vào các hoạt động từ thiện phi lợi nhuận trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế cho trẻ em và năng lượng sạch. Ông cũng là ủy viên quản trị của Quỹ X Prize khuyến khích các công nghệ năng lượng tái tạo.

Ông còn có chân trong Hội đồng quản trị Quỹ Không gian, Viện Hàn lâm Quốc gia về Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, Hiệp hội Hành tinh, cũng như Hội đồng Tư vấn Kỹ thuật Đại học Standford và Hội đồng quản trị Caltech.

Từ năm 2010, ông đã phát động một chương trình quyên góp tài chính cho các hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu thiết yếu trong các khu vực chịu thiên tai. Hệ thống đầu tiên như vậy được tặng cho Trung tâm đối phó bão nhiệt đới Alabama . Tháng 9/2011, Musk tới thăm thị trấn Soma thuộc quận Fukushima (Nhật Bản) nơi mới bị sóng thần trước đó, và tặng một dự án năng lượng mặt trời trị giá 250.000 USD.

Từ năm 2001, Musk đã có kế hoạch cho dự án mang tên “Ốc đảo sao Hỏa” nhằm mục đích đưa một nhà kính thu nhỏ lên Sao Hỏa, chứa các loại rau quả để trồng thí nghiệm trên hành tinh đỏ. Nhưng dự án này bị trì hoãn do ông nhận thấy công nghệ tên lửa vẫn chưa đáp ứng được, vì thế trước hết ông phải ưu tiên tập trung trí óc và tiền bạc vào dự án SpaceX.

Mục tiêu dài hạn của Musk là thông qua SpaceX đưa loài người tới một cuộc sống văn minh trong không gian vũ trụ. Cụ thể, ông ao ước được nhìn thấy một khu dân cư với 80.000 dân được thành lập trên sao Hỏa. Ông hy vọng sẽ được sống trên hành tinh đỏ, và nói rằng: “Hẳn sẽ khá thú vị để chết trên sao Hỏa...”.

Musk đã tham gia Cam kết Hiến tặng, do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng vào tháng 4/2012 và cam kết sẽ tặng phần lớn tài sản của mình cho các mục đích từ thiện.

Musk từng tham gia ủng hộ Ủy ban Hành động Chính trị Hoa Kỳ (FWDIS), một tổ chức vận động nghị trường cho cải cách chính sách nhập cư. Tuy nhiên tháng 5/2013, Musk đã công khai phản đối khi ủy ban này quảng bá cho một dự án vận chuyển dầu thô đi ngược lại lý tưởng bảo vệ môi trường của ông.

Tháng 7/2012, Musk thông báo về một dự án hoàn toàn mới của ông mang tên “Hyperloop”, một hệ thống đường hầm phản lực chạy bằng năng lượng Mặt trời mà ông kỳ vọng sẽ cho phép di chuyển từ San Francisco tới Los Angeles chưa đầy 30 phút (nghĩa là xấp xỉ vận tốc âm thanh). Elon Musk cho biết dự án này tiêu tốn khoảng 6 tỷ USD, tức chỉ bằng 1/10 chi phí xây dựng đường tàu cao tốc.

Thành tích đầy mình

Những thành tựu đạt được đã đưa Elon Musk lên vị trí một trong những doanh nhân nhiều ảnh hưởng nhất thế giới, cũng như một biểu tượng của ngành công nghệ không gian.

Ông được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất thế giới năm 2010 và lọt vào danh sách 75 nhân vật ảnh hưởng nhất thế kỷ 21 của tạp chí Esquire, danh sách 20 CEO quyền lực nhất Hoa Kỳ tuổi dưới 40 của Forbes, danh hiệu Nhà cách tân của năm (2007) của tạp chí R&D Magazine, Doanh nhân của năm (2007) của tạp chí Inc Magazine, được xếp vào những Huyền thoại sống hàng không năm 2010 bởi Quỹ Kitty Hawk (2010), Doanh nhân ôtô của năm (2010).

Ông cũng nhận các giải thưởng như Huy chương Vàng của Hội Hàng không Hoàng gia Anh (2012), Huy chương Vàng Không gian của Liên đoàn Hàng không Quốc tế (FAI) năm 2010, Giải thưởng Heinlein cho Tiến bộ trong thương mại hóa không gian năm 2011, Giải thưởng George Low của Viện Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ, bằng tiến sĩ danh dự ngành thiết kế từ Cao đẳng Thiết kế Trung tâm và bằng tiến sĩ danh dự ngành kỹ thuật hàng không từ Đại học Surrey.

Đạo diễn bộ phim Iron Man kể lại rằng, Elon Musk chính là nhân vật đã gây cảm hứng để xây dựng nhân vật Tony Stark trong bộ phim ăn khách nói trên.

Bản thân Elon cũng được ví như một Iron Man ngoài đời thực và ông có tham gia một cảnh (đóng vai chính mình) trong phim Iron Man 2; nhà máy của SpaceX là một địa điểm quay bộ phim nói trên.

Chiếc máy bay Dassault Falcon 900 model 1994 của ông được dùng trong bộ phim Thank you for Smoking (2005) mà ông có đóng một vai là phi công

Elon Musk sống ở Bel Air, Los Angeles. Ông từng có hai vợ, người vợ đầu là bạn cùng học ở Đại học Queen, về sau trở thành nhà văn. Họ cưới nhau năm 2000 và có năm con trai (một lần sinh đôi và một lần sinh ba) trước khi ly dị năm 2008. Sau đó ông cưới vợ thứ hai, diễn viên người Anh Talulah Riley, nhưng cũng đã ly dị năm 2012.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ