Quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Báo cáo cho biết hiện, tổng sản lượng tiêu thụ trung bình hơn 130.100 m3/tháng, trong đó sản lượng xăng khoáng Ron 92 và Ron 95 chiếm đến 95,8%, xăng sinh học E5 chỉ chiếm 4,2%. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự e ngại của người dân đối với mặt hàng năng lượng mới này.
Cụ thể theo Sở Công Thương TPHCM, thực hiện kế hoạch phân phối xăng sinh học E5 từ tháng 12/2014, Sở đã phổ biến đến các doanh nghiệp đầu mối và cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên 24 quận huyện TP.
Tính đến cuối tháng 11/2015, trên địa bàn TPHCM có 262/518 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5, đạt 50,57% trên tổng số các cửa hàng xăng dầu.
Trong đó có hơn 70 cửa hàng xăng dầu trong quá trình thanh lý lượng xăng khoáng A92 tồn kho và chuẩn bị xúc rửa bồn bể, kiểm định lại trụ bơm và chính thức đưa xăng E5 ra bán từ giữa tháng 12 này.
Đánh giá chung cho thấy sản lượng xăng sinh học E5 bán ra thị trường chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra, dù tại TPHCM có nhiều doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý thực hiện phối trộn xăng E5 cũng như hệ thống kho chứa đủ bảo bảo cung ứng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn như tâm lý người dân còn e ngại, chưa quen sử dụng. Chênh lệnh giá giữa xăng E5 và xăng A92 chưa lớn nên chưa khuyến khích đại ký kinh doanh và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chiết khấu thấp chưa hấp dẫn các cửa hàng xăng dầu tự giác chuyển đổi.
Mặt khác, trên địa bàn thành phố có khoảng 9 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu thông qua hệ thống phân phối gồm 6 tổng đại lý và 518 cửa hàng bán lẻ, nhưng mới có 262 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5, đạt gần 50,6% trên tổng số cửa hàng.Trong khi đó, theo kế hoạch, đến ngày 31/12, TPHCM phải phấn đấu 100% cửa hàng xăng dầu trên địa bàn phân phối xăng sinh học E5.
Rất nhiều lý giải được đưa ra, từ cơ chế chính sách, quyền lợi các đại lý cho đến khả năng tiếp cận thị trường. Nhưng có một nguyên nhân chung nhất, xem ra được đề cập khá miễn cưỡng, nhưng lại là trung tâm của vấn đề, đó là do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại và chưa hiểu rõ về tính hữu ích của sản phẩm này, chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém trong khâu kích thích tiêu dùng và tuyên truyền sản phẩm.
Theo một số doanh nghiệp phản ánh, chênh lệch giá bán giữa xăng E5 và xăng khoáng A92 (loại xăng đang được kinh doanh phổ biến và được người dân ưu chuộng) chỉ dao động khoảng 500 - 1.000 đồng/lít, nên chưa tạo được sự khuyến khích cho giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông có quan tâm nhưng chưa đẩy mạnh giới thiệu về tính hữu ích của xăng sinh học E5 đối với môi trường và đời sống xã hội, người dân không thấy được lợi ích của mặt hàng năng lượng mới này, trong khi giá cả lại không ít hơn nhiều so với năng lượng truyền thống.
Thế nên, qua 1 năm thực hiện phân phối xăng E5 ra thị trường, người dân vẫn chưa thật sự hiểu được tác dụng của loại xăng sinh học này. Tâm lý chung thật dễ hiểu: Không biết thì không dùng.
Trong khi đó, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, đây là sản phẩm mới nên phải đầu tư thêm bồn bể, sắp xếp lại mặt bằng bán hàng, đầu tư thêm cơ sở vật chất, công nghệ pha chế do vậy chi phí cũng tăng lên, bán lại không chạy, đương nhiên cũng không mặn mà, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng bị buộc phải triển khai.
Thiết nghĩ, để thực hiện tốt việc phân phối xăng E5 này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí môi trường cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó để đảm bảo sự công bằng thì cần phải triển khai đồng loạt, tránh tình trạng một số doanh nghiệp thực hiện còn một số lại không.
Người bán có lợi nhuận, người mua có lợi ích thì mới chú ý. Chứ nếu biện pháp thực hiện phân phối xăng sinh học chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích thì việc triển khai phân phối xăng sinh học E5 ra thị trường thời gian tới vẫn gặp khó khăn chứ không riêng gì giai đoạn hiện nay.