E-Learning nên có vai trò chủ đạo tạo ra môi trường học tập ảo

GD&TĐ - Bên cạnh phương thức đào tạo truyền thống, đào tạo từ xa đang được các nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng rất phổ biến và có hiệu quả. Các ứng dụng CNTT trong đào tạo từ xa (E-Learning) có một vai trò chủ đạo trong việc tạo ra một thế giới học tập ảo.   

E-Learning nên có vai trò chủ đạo tạo ra môi trường học tập ảo

Việc đề xuất đưa E-Learning vào không chỉ cho đối tượng đào tạo từ xa mà còn cho đối tượng người học chính quy trong các trường đại học, cao đẳng cho các hệ đại học và sau đại học là xu hướng chung của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ưu điểm của E - Learning trong dạy và học

E-Learning là một phương thức đào tạo hiện đại dựa trên công nghệ thông tin. Với sự bùng nổ phát triển của công nghệ hiện nay, E-Learning ngày càng được ưa chuộng bởi tính linh hoạt và tiện dụng về thời gian cũng như địa điểm. E-Learning được hiểu như là một môi trường học tập mà ở đó việc tương tác giữa người dạy và người học được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và truyền thông, giúp giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, chủ động trong học tập.

TS Phạm Thế Công, thuộc Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica chia sẻ: E-Learning là một phương thức hiệu quả và khả thi, tận dụng tiến bộ phương tiện điện tử, internet để chuyển tải các kiến thức và kỹ năng đến những người học là cá nhân và các tổ chức ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và bất kỳ thời điểm nào...

Phương thức đào tạo này cho phép học viên làm chủ hoàn toàn quá trình học của bản thân, từ thời gian, lượng kiến thức cần học cũng như thứ tự học của các bài, đặc biệt là cho phép tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, tự do trao đổi với những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể hoặc đòi hỏi chi phí quá cao.

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

TS Phạm Thế Công cho biết: Điều đáng khích lệ và có thể nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam chính là việc triển khai thành công mô hình E-Learning phổ cập tại các vùng quê đến vùng xa nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhiều cơ sở đại học tại Việt Nam đã kết hợp CNTT vào tất cả mọi cấp độ giáo dục nhằm đổi mới chất lượng học tập trong tất cả các môn học và trang bị cho SV đầy đủ công cụ và kỹ năng cho kỷ nguyên CNTT.

Đặc biệt nhiều trường đại học trong cả nước đã mạnh dạn đưa phương thức đào tạo từ xa, phương thức E-Learning vào giảng dạy đó là các trường: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH mở Hà Nội, ĐH Mở TPHCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Trà Vinh, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông… Nhiều trường đã kết hợp với các doanh nghiệp chuyên cung cấp công nghệ đào tạo trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á để giảng dạy.

Các trường đại học ở Việt Nam cũng bước đầu nghiên cứu và phát triển E-Learning, một số trường bước đầu phát triển các phần mềm hỗ trợ đào tạo và cho các kết quả khả quan. Cục CNTT của Bộ GD&ĐT đã triển khai cổng E-Learning nhằm cung cấp một cách có hệ thống các thông tin E-Learning trên thế giới và ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, mô hình giáo dục này đang được các doanh nghiệp và các trường ĐH đầu tư, phát triển mạnh mẽ, hấp dẫn thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng học. Trước đây, đào tạo trực tuyến thường chỉ được biết đến theo hình thức học thêm qua các file âm thanh, hình ảnh từ chiếc máy tính. Như vậy người học theo cảm tính, thích thì học, không thích thì có thể bỏ.

Để khắc phục điều này, nhiều trường đã áp dụng công nghệ trực tuyến 3D để tăng cảm hứng cho người học bằng cách tạo ra một giảng đường ảo giống như ngoài đời thật để SV có thể gặp nhau, trao đổi và thảo luận mọi thứ về môn học. Với phương pháp này, các SV có điều kiện vận dụng gần như ngay lập tức những kiến thức của mình và có thể thấy được kết quả rất nhanh sau đó.

Việt nam đã gia nhập mạng E-Learning châu Á với sự tham gia của Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Thông tin – Truyền thông. Chủ trương của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn tới là tích cực triển khai các hoạt động xây dựng một xã hội học tập mà ở đây mọi công dân đều có cơ hội được học tập, hướng tới việc học: học bất cứ thứ gì, bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu và học tập suốt đời. Để thực hiện được các mục tiêu trên, E-Learning nên có một vai trò chủ đạo trong việc tạo ra môi trường học tập ảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.