(GD&TĐ) - Xưa nay, mọi người đều nghĩ rằng, nữ võ sĩ là những người phụ nữ cứng rắn, nam tính hoặc ít ra cũng cá tính mới theo nghiệp võ. Thế nhưng, nữ vận động viên boxing Lê Thị Nhung lại rất duyên dáng, dịu dàng và vui tính. Chị rất cởi mở khi kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm đẹp về thời đi học và con đường đến với thể thao chuyên nghiệp của mình.
Con gái võ thuật hiền khô
Nữ vận động viên boxing Lê Thị Nhung |
Lê Thị Nhung sinh ra trong một gia đình có 5 anh em ở Chương Mỹ, Hà Nội. Là con gái út trong nhà nên Nhung luôn được bố mẹ cưng chiều. Nhưng không vì thế mà Nhung tỏ ra nhõng nhẽo, kênh kiệu hay “chảnh” với anh em, bạn bè. Ngược lại với những gì người ngoài thường suy nghĩ về con gái học võ, Nhung lại là một cô gái hiền khô. Thuở đi học cô rất vô tư, hồn nhiên như bao bạn bè cùng trang lứa.
Nhung chia sẻ: “Khi đi tập phong trào, các bạn ở lớp ai cũng biết mình có võ nên ai nấy đều dè chừng. Mọi người cứ sợ động vào mình thì mình sẽ mạnh tay, mạnh chân với các bạn.”.
Nhưng khi tiếp xúc nhiều với Nhung, các bạn đã dần hiểu được tính nết của Nhung và rất quý Nhung. Cứ mỗi lần Nhung đi thi đấu, rồi được lên ti vi và nhắc đến tên trường học thì thầy cô và bạn đều cảm thấy rất nể phục và tự hào. Trên khán đài, Nhung cũng cảm thấy xúc động nghẹn ngào khi nghe thấy những tiếng reo hò, vỗ tay cổ vũ nhiệt tình không biết mệt mỏi của bạn bè, thầy cô.
Những lúc như thế trên sàn đấu, Nhung luôn thể hiện hết sức mình, đấu cho đến khi cạn sức và không thể bật dậy được nữa thì thôi, chứ chưa bao giờ Nhung bỏ cuộc. Ở mọi lúc mọi nơi, Nhung luôn thấm thía những lời dạy của các thầy cô dạy võ hay dạy văn hóa rằng: “Mình là người có võ nhưng vẫn phải có văn hóa, không được ỷ thế ta đây để ức hiếp người khác”. Vì vậy, Nhung rất từ tốn và thường nhường nhịn người khác.
Là người theo nghiệp võ chuyên nghiệp nhưng Nhung vẫn rất chăm chỉ học tập. Có những đợt lịch luyện tập võ thuật của đoàn khá gấp rút để đi thi đấu, Nhung vẫn dành một khoảng thời gian nhất định cho việc học văn hóa. Nhung cho biết, cô rất thích học các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa.
Nhiều bạn bè của Nhung hồi đó đã tìm Nhung để chia sẻ kinh nghiệm giữa việc dành thời gian cho học võ thuật và văn hóa, Nhung vui vẻ cho biết: “Với người học sinh thì việc rèn luyện tính kiên trì là điều vô cùng quan trọng. Khi đã đề ra mục tiêu thì phải dốc sức để đạt được thành quả chứ không cho phép bản thân bỏ dở giữa chừng”.
Bản thân Nhung luôn cố gắng nỗ lực trong học tập để không phụ lòng tin tưởng của bố mẹ và thầy cô. Bước vào cấp 3, Nhung vẫn nằm trong danh sách vận động viên đi thi đấu của tỉnh nhưng Nhung vẫn không quên nhiệm vụ học tập của mình. Ước mơ thành cô giáo luôn ấp ủ trong Nhung nên khi đi thi đấu xa nhà, Nhung vẫn không quên mang theo sách vở của 3 môn khối C để học ôn.
Duyên nợ với nghiệp võ
Hồi đó, Nhung mới học lớp 7, cứ buổi chiều đi học về, không phải làm gì, cô lại chạy sang nhà bác hàng xóm bên cạnh để xem các anh chị học võ cổ truyền. Nhung ngồi vắt vẻo trên cây nhìn một cách say mê theo những động tác võ thuật mạnh mẽ, dứt khoát mà thầy giáo hướng dẫn cho các võ sinh. Ngày ngày đến xem múa võ khiến cô có ý định đi tập võ.
Nhung về xin bố mẹ cho đi học võ, lúc đầu bị cha mẹ từ chối vì cho là con gái không nên học võ, người sẽ cứng, xấu... nhưng sau Nhung đã thuyết phục được bố mẹ. Nói về những năm tháng học phổ thông của mình, Nhung không che giấu được niềm tự hào: “Hồi cấp 2, bố mẹ tôi thường tranh nhau đi họp phụ huynh cho con gái. Hồi đó tôi tham gia phong trào đoàn, hội, văn nghệ... của nhà trường rất sôi nổi, được nhiều thầy cô, bạn bè quý mến. Đặc biệt năm lớp 7, tôi còn được đi thi học sinh giỏi môn Địa lý nên mọi người trong nhà đều ủng hộ tôi đi tập võ.
Ở trường, các thầy cô giáo rất quý và ủng hộ tôi. Thầy chủ nhiệm dạy Văn thì luôn chuẩn bị sách vở, tài liệu học tập cho tôi có thể học tập tốt ở trên lớp để buổi chiều mỗi ngày tôi lại đều đặn được đi “đấm, đá”. Trong suốt một năm đầu, tôi chỉ tập quyền, sau nhờ có người phát hiện lại chuyển tôi qua tập đối kháng rồi pencak silat. Ở bất kỳ môn nào tôi cũng tập rất tự tin và hăng say...”.
Sau một thời gian tập phong trào ở địa phương, Nhung nhận được quyết định triệu tập về đội tuyển của tỉnh (lúc đấy là tỉnh Hà Tây) luyện tập wushu. Đúng 1 tháng sau, cô bé Lê Thị Nhung lúc đó mới bước vào lớp 9 lên đường đi thi đấu và đạt được Huy chương Đồng đầu tiên trong sự nghiệp thể thao của mình.
Năm Nhung 17 tuổi, cô bắt đầu chuyến thi đấu đầu tiên cho đội tuyển boxing nữ của tỉnh Hà Tây. Đây cũng là thời điểm môn quyền anh bắt đầu thi đấu trở lại nên mọi thứ đều rất mới mẻ và có nhiều khó khăn. Khi phải luyện tập xa nhà, phải ở trọ nhà dân, mọi thứ khó khăn, thiếu thốn, trong số 4 chị em thi đấu lần đó, có em đã khóc vì không chịu nổi cái lạnh phải nằm đất không có chăn, ăn uống kham khổ... và định bỏ cuộc. Nhưng được Nhung động viên, an ủi và rất gương mẫu luyện tập nên các em cũng chăm chỉ, vượt khó luyện tập trở lại.
Trong buổi thi đấu toàn quốc, Nhung đã cắn chặt răng đánh hết sức mình để chứng minh cho mọi người thấy những cô gái quyền anh Hà Tây mạnh mẽ, dũng cảm như thế nào. Khi tiếng còi của trọng tài vang lên để kết thúc trận đấu cũng là lúc mọi người ùa lên sàn đấu để chúc mừng cô gái trẻ. Nhung đã dành được Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu box - ing của mình. Chung cuộc đến hết giải, đoàn Hà Tây của Nhung giành được 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, và giải Nhì toàn đoàn.
Học xong cấp III, Nhung vẫn tiếp tục theo tập boxing và gắn bó với nó như sự nghiệp của cuộc đời mình. Hiện nay, Nhung đã trở thành vận động viên của đội tuyển quốc gia, đồng thời cô còn tham gia công tác huấn luyện, giảng dạy cho các lứa vận động viên mới.
Đến nay, Nhung đã có 5 Huy chương Vàng toàn quốc, 1 Huy chương Đồng châu Á. Cô cũng từng sang Trung Quốc tập huấn thi đấu vòng loại Olympic thế giới năm 2012. Nhớ lại những kỷ niệm thời học trò và ước mơ làm cô giáo của mình, Nhung luôn cảm thấy hân hoan và tự hào.
Từng trải qua những năm tháng vất vả khổ luyện và nhiều khờ dại như các em, Nhung có sự thấu hiểu để giúp học trò thêm nỗ lực phấn đấu trong quá trình luyện tập và thi đấu đầy gian nan. Nhung luôn hướng học trò của mình văn ôn, võ luyện, cố gắng để hoàn thành chương trình văn hóa song song với chế độ luyện tập thể thao. |
Phương Thanh