(GD&TĐ) - Kiến thức chuyên môn dù rất là quan trọng nhưng không phải là tất cả để có một giờ lên lớp thành công. Nếu học sinh không chịu nghe giảng, không chịu học bài thì kiến thức người thầy cung cấp dù đúng, nhiều, sâu, rộng bao nhiêu cũng là vô ích. Điều quan trọng là làm thế nào để học sinh chịu tiếp thu kiến thức, để kiến thức đến được với trí tuệ của học sinh.
Qua thực tế, có thể thấy, muốn tác động đến trí tuệ của học sinh thì trước hết phải tác động tới tình cảm của các em. Có như vậy, kiến thức người thầy truyền đạt mới được học sinh tiếp nhận, mới phát huy được giá trị, nâng cao trình độ tư duy và nhân cách của học sinh. Hay nói cách khác: Đường đến trí tuệ phải đi qua trái tim.
Việc ứng xử trên lớp của người thầy đã ảnh hưởng lớn – nếu không muốn nói là tất cả - đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Nó tác động trực tiếp đến tình cảm của học sinh để từ đó dọn đường cho kiến thức đến với trí tuệ của các em.
Đã có rất nhiều trường hợp thầy cô là người có trình độ, yêu nghề mến trẻ nhưng vì xử lý các tình huống sư phạm không khéo, không hợp tình hợp lý, không mang tính sư phạm dẫn đến việc học sinh không phục, không tin tưởng ở thầy cô, thậm chí còn tìm cách gây ồn ào để thầy cô không giảng được bài.
Để kiến thức đến được với trí tuệ HS, người thầy cần tạo được lòng tin với các em |
Những câu chuyện có thật
Nam hay nói chuyện riêng trong giờ, cô giáo nhắc nhiều lần vẫn không sửa. Cô bảo: “Về nhà viết bản kiểm điểm, giờ sau nộp. Nếu không cô sẽ đuổi học, không cho làm bài kiểm tra lấy điểm”. Nam sợ, viết bản kiểm điểm định giờ sau sẽ nộp ngay cho cô. Nhưng đến tiết sau Nam đợi mãi vẫn không thấy cô nhắc nhở gì. Cậu ta cứ ngồi im lờ đi, coi như quên không nộp. Hóa ra cô giáo quên. Đến tận tiết sau nữa cô mới nhớ, nhưng thấy tiết trước Nam ngồi im và cả tiết này cũng vậy thì cho rằng Nam đã biết sửa lỗi, không cần thiết phải nộp bản kiểm điểm nữa, nhưng cô không nói gì với Nam và cả lớp. Nam và các bạn cho rằng cô dễ tính, chỉ dọa thế thôi chứ không hề xử phạt khi học sinh nói chuyện. Được vài tiết im im, Nam lại tiếp tục nói chuyện riêng trong giờ. Các bạn khác cũng thỉnh thoảng rì rầm trao đổi với nhau. Giờ học không còn nghiêm túc. Nhiều em không theo dõi được lời giảng của cô giáo do mất tập trung. Cô giáo ân hận: Nếu mình không bỏ qua chuyện kia thì đã...
Một giáo viên dạy Lý ở Trường THPT Yên Viên (Hà Nội) kiểm tra bài cũ, phần Vật lý hạt nhân. Cô gọi một học sinh lên bảng hỏi: “Đơn vị khối lượng nguyên tử là gì?”. Học sinh trả lời: “Em không biết”. Cô bèn hỏi: “U là gì?” (Trong vật lý, U là đơn vị khối lượng nguyên tử). Thay vì trả lời câu hỏi của cô giáo, học sinh lại hỏi cô: “U là gì hở cô?”. Cô giận quá nói luôn: “U là mẹ”. Ngay lập tức, học sinh đáp lại: “U là bệnh khó chữa”.
Qua tình huống trên, cái sai của cô giáo là biết học sinh không ngoan khi cố tình không trả lời được kiến thức đơn giản nhất dù cô đã gợi ý, nhưng cô lại không kiềm chế được cảm xúc của mình. Câu trả lời của cô sai bản chất vật lý (nhằm mục đích mỉa mai) đã thể hiện phương pháp sư phạm sai lầm. Điều này đã dẫn đến việc học sinh dựa theo cách nói của cô mà trả lời hỗn láo.
Một câu chuyện khác: Lớp 10A2 là lớp chọn, rất có ý thức học. Một hôm, cô giáo dạy môn GDCD đang sắp sửa bước vào lớp thì đột nhiên phía cuối lớp có tiếng hú rất to như tiếng của loài vượn. Cô lặng đi một lúc mới bước vào lớp được, cô hỏi: “Ai vừa hú? Đó có phải là tiếng của con người không? Lớp học hay vườn bách thú đây?”. Cả lớp im thít. Cô tiếp: “Nếu không ai nhận thì tôi sẽ không dạy”. Vài phút im lặng trôi qua. Cuối cùng một học sinh đứng lên. Cô càng bất ngờ vì đó là em H, vốn hiền lành, chưa bao giờ vi phạm kỷ luật. Nghĩ rằng nếu xử lý bằng cách báo lên giáo viên chủ nhiệm và BGH thì không có tác dụng giáo dục và cũng là quá nặng với một hành động vô thức như thế này. Cô gọi H ra ngoài lớp bảo: “Tôi biết cậu chỉ vô thức trong giây lát mà vi phạm kỷ luật. Tôi không muốn vì vậy mà ảnh hưởng đến thành tích học tập của lớp và xếp loại hạnh kiểm của cậu. Tôi cho cậu chọn một trong ba hình phạt sau:
- Thứ nhất: Báo cáo giáo viên chủ nhiệm và ghi sổ đầu bài để giáo viên chủ nhiệm xử lý.
- Thứ hai: Báo cáo lên BGH nhà trường.
- Thứ ba: Tôi cho cậu một cái tát.
H cúi đầu, lí nhí nói: “Em chọn cách thứ ba, xin cô đánh em”. Thế là cô tát một cái vào má học sinh rồi bảo: “Chuyện này bỏ qua. Bây giờ vào lớp học bình thường. Đây là bài học cho cậu”. Tiết học tiếp tục diễn ra trong không khí nặng nề. Hôm sau có học sinh báo lại với giáo viên chủ nhiệm. BGH gọi cô GDCD và cô chủ nhiệm lên hỏi rõ chuyện rồi bảo: “Cô đánh học sinh tức là vi phạm luật giáo dục. Nếu như phụ huynh của em học sinh bị đánh mà viết đơn kiện thì có khi cô phải ngồi tù”. Giáo viên chủ nhiệm xin xử lý nội bộ. Cuối vùng cả lớp đến xin lỗi cô. Nhưng từ đó đến giờ, tiết GDCD không khí lớp học rất nặng nề, còn em H thì cứ cúi mặt xuống như người mất hồn. Cô giáo nhìn H mà xót xa ân hận. Hình phạt theo cô là nhẹ nhất hóa ra lại là nặng nhất đối với em. Có thể ở nhà bố mẹ vẫn thỉnh thoảng phạt con cái bằng đòn roi khi chúng phạm lỗi, nhưng hình phạt này ở trong tay giáo viên lại mang ý nghĩa khác rất nhiều.
Những cách xử lý tình huống sư phạm trong ba câu chuyện trên đều không có tác dụng giáo dục, thậm chí là ngược lại. Như vậy, ứng xử sư phạm giữa thầy và trò mang tính sư phạm cao sẽ tạo ra tâm lý yêu, tin, sợ nơi học sinh, từ đó tạo ra uy tín của thầy đối với trò – nói cách khác là tạo ra cái uy của người thầy. Nhờ cái uy này mà lời nói của thầy có trọng lượng, kiến thức thầy truyền đạt được học sinh tiếp nhận.
Chữ uy này có được nhờ sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố yêu, tin, sợ trong tâm lý học sinh. Thiếu một trong ba yếu tố này thì chữ uy không thể trọn vẹn, học sinh không toàn tâm, toàn ý nghe giảng và học bài.
Yêu bao gồm cả thích, mến, thương. Người thầy được học sinh yêu mến thường là những thầy cô giáo dịu dàng, dễ gần, không quá nghiêm khắc lạnh lùng và phải là người tâm lý. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh, tin tưởng, tôn trọng nhân cách và lòng tự trọng của học sinh, biết giữ sĩ diện cho các em.
Sợ bao gồm cả kính và nể. Thầy cô phải là người nghiêm khắc, có trách nhiệm phê bình học sinh đúng lúc, đúng tội, đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với học sinh, khi xử lý lỗi của học sinh không được quên, không được bỏ sót. Đồng thời cách xử lý phải công bằng, khách quan, chính xác làm học sinh “tâm phục khẩu phục”. Khi phê bình học sinh nên khẳng định ưu điểm trước rồi mới đến phân tích nhược điểm.
Tin tức là làm cho học sinh tin vào kiến thức thầy truyền đạt. Điều này không có nghĩa là cần phải cho học sinh thấy khâm phục về kiến thức uyên bác sâu rộng của thầy. Người thầy gieo được vào lòng học sinh sự tin tưởng chính là người đã chứng minh cho các em thấy rằng mình đang được học những điều bổ ích lý thú mà những kiến thức này chỉ có thể tìm thấy được trong lời giảng của thầy. Đồng thời, kiến thức ấy không khuôn phép, giáo điều, áp đặt, để học sinh học bài không chỉ nhằm đối phó với điểm số hay là vì quý, nể thầy cô mà còn học vì thấy kiến thức thật sự cần thiết cho cuộc sống cũng như công việc sau này của mình. Có như vậy, học sinh mới thấy được vai trò của việc đến trường và sự cần thiết phải nghe giảng và học bài trên lớp. Đây mới là yếu tố quan trọng làm cho học sinh say mê học và học giỏi.
Tất nhiên mức độ biểu hiện của ba yếu tố này trong uy tín ở mỗi người thầy không giống nhau. Tùy theo cá tính, trình độ, sở trường của mỗi người thầy mà ba yếu tố này tác động đến tâm lý học sinh nhiều hay ít, nhưng chúng luôn qua lại bổ sung cho nhau làm nên những giờ học nghiêm túc có chất lượng cao. Chúng được tạo nên từ lòng say mê, tâm huyết với nghề dạy học – dạy làm người của những người thầy coi nghề nghiệp là cuộc sống của mình.
Người thầy gieo được vào lòng học sinh sự tin tưởng chính là người đã chứng minh cho các em thấy rằng mình đang được học những điều bổ ích lý thú mà những kiến thức này chỉ có thể tìm thấy được trong lời giảng của thầy. Đồng thời, kiến thức ấy không khuôn phép, giáo điều, áp đặt, để học sinh học bài không chỉ nhằm đối phó với điểm số hay là vì quý, nể thầy cô mà còn học vì thấy kiến thức thật sự cần thiết cho cuộc sống cũng như công việc sau này của mình. |
THẠCH THỊ ĐÀO HOA