Đường đến giảng đường của Vũ

GD&TĐ - Những ngày này ở ấp Tích Phúc, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), nhiều gia đình lấy tấm gương vượt khó học tập của Vũ dạy con cháu của mình: Thằng Vũ nhà nghèo, làm thuê, cố gắng học giỏi, nay trúng tuyển bác sĩ y khoa.

Hàng ngày, Vũ vẫn đi vận chuyển dừa thuê để kiếm tiền đóng học phí
Hàng ngày, Vũ vẫn đi vận chuyển dừa thuê để kiếm tiền đóng học phí

Làm thuê nuôi chữ

Nhà Vũ chỉ có hai mẹ con. Nhà nghèo, cha bỏ đi lúc Vũ còn rất nhỏ. Biết con gái mình bị chồng hắt hủi, bà ngoại của Vũ gọi hai mẹ con về quê cho miếng đất nhỏ. Trên đất này mẹ của Vũ cất cái chòi cây lá che nắng che mưa. Ngày ngày người mẹ đi làm thuê, từ giúp việc nhà đến làm cỏ, quay chỉ xơ dừa, phơi mụn dừa...ai cần việc gì bà cũng nhận làm công để có tiền nuôi con đến trường và trả dần số nợ 30 triệu đồng do cha Vũ vay để lại. Việc làm thuê ở quê khi có khi không, nên việc nuôi con ăn học của người mẹ này luôn thiếu khó.

Tuổi thơ của Vũ sớm nhọc nhằn, từ năm học lớp 5, sau giờ học Vũ cùng mẹ dập than tổ ong bán cho lò đường thủ công, áo quần, tay chân, mặt mũi lem luốc nhưng miệng vẫn cười tươi vì giúp được việc cho mẹ. Khi các lò đường không còn hoạt động, người mẹ này làm thuê nhiều việc: Giúp việc nhà rồi quay chỉ xơ dừa, phơi mụn dừa... ngày nào đi học về, Vũ cũng đến xưởng làm phụ mẹ.

Trăn trở với những khó khăn của gia đình, nhưng Vũ cho biết: “Sang Cần Thơ em sẽ tìm việc vừa làm vừa học. Khó khăn rồi sẽ qua nếu mình luôn cố gắng”. 

Việc làm không ổn định, thu nhập của mẹ con không quá 500.000 đồng/ tháng, việc chi tiêu phải tằn tiện, hai mẹ con ăn chay. Bữa ăn hàng ngày của họ là nước tương, chao, rau luộc. Những hôm không có tiền mua rau, bữa cơm của hai mẹ con chỉ có nước tương dầm ớt hoặc một miếng chao cho qua bữa.

Bà Nguyễn Thị Vân, mẹ của Vũ cho biết: Nhiều hôm nhà hết gạo, mua chịu hay mượn hàng xóm hoài cũng ngại, bà bảo Vũ sang nhà ngoại ăn cơm. Có hôm nhà không có gì ăn, giờ học gần kề, Vũ nhịn bữa trưa đến trường. Bà Vân cho biết thêm: Lúc chưa có chính sách hộ nghèo, mỗi lần đóng học phí, không đủ tiền phải chạy mượn bà con láng giềng. Nhà nghèo nhưng bà luôn lo cho con học đến nơi đến chốn để đời con không khổ như bà.

Nhà thiếu khó như vậy nên đường đến trường của Vũ rất vất vả. Chiếc xe đạp Vũ ngày ngày vượt đoạn đường 12 km từ nhà đến trường là xe cũ của bà con cho, có lần đi học về còn cách nhà 5km xe bể bánh, gãy sườn, không tiền sửa, Vũ đành dắt xe về tận nhà và có lần trên đường đi học, xe đứt sên phải thay mới, Vũ không có tiền trả, chủ sửa xe biết Vũ con nhà nghèo nên cho thiếu để kịp đến giờ học.

Không phụ ơn người

Trong hoàn cảnh thiếu khó như vậy nhưng trong Vũ luôn có ý chí vươn lên cố gắng học giỏi, sau thời gian phụ mẹ làm thuê, Vũ luôn học tốt bài vở của mình. Những bài không hiểu, Vũ hỏi thầy cô, được thầy cô hướng dẫn tận tình giúp Vũ học tốt. Trong ba năm học THPT (Trường THPT Che Guevara, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), Vũ luôn là học sinh giỏi nhất toàn khối. Thương Vũ con nhà nghèo luôn cố gắng trong học tập, thầy cô dạy luyện thi cho Vũ không lấy tiền.

Năm Vũ học lớp 12, biết nhà Vũ nghèo, cuộc sống thiếu khó, học ngày hai buổi đi về vất vả, cô Trần Thị Kim Liên, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Che Guevara dạy luyện thi môn Toán cho Vũ không lấy tiền công và cô giới thiệu Vũ đến quán cơm của bà Trần Kim Chi ở thị trấn Mỏ Cày Nam cho Vũ ăn bữa trưa không lấy tiền. Cảm kích tấm lòng của bà Chi, Vũ phụ dọn dẹp, rửa chén bát và dạy kèm cho con của bà những bài học khó.

Trong số những người giúp đỡ gia đình Vũ còn có bà con ở ấp Tích Phúc. Những người tốt bụng ở đây thấy căn chòi lá của mẹ con Vũ dột nát, đã vận động nhau xây căn nhà tình thương. Là quê nghèo nên việc góp nhau xây nhà tình thương cho gia đình Vũ không chỉ một lần là xong. Một thời gian sau, bà con lại đóng góp thêm để tráng nền, làm cửa. Đến lúc mái lá dột nát, bà con lại góp tiền nhau giúp gia đình này thay mái lá lợp tôn.

Vượt qua 12 năm học tập, Vũ thi THPT quốc gia đạt số điểm: 23/3, Vũ trúng tuyển Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ngành Bác sĩ y khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ