Đường dây nóng ngành Y: Trên 8.000 cuộc gọi, giải đáp được bao?

GD&TĐ - Cơ sở vật chất xuống cấp, nội quy, quy trình chuyên môn còn bất cập, thái độ của nhân viên y tế lẫn tình trạng vòi vĩnh, đòi hối lộ… tại bệnh viện vẫn là những bức xúc được người dân phản ánh qua đường dây nóng trong thời gian vừa qua.

Đường dây nóng ngành Y: Trên 8.000 cuộc gọi, giải đáp được bao?

Chuyện cũ… vẫn nóng

Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm, đường dây
nóng của Bộ nhận được trên 8.400 cuộc gọi đến. Nội dung phản ánh nhiều nhất là tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, những bất cập từ nội quy của cơ sở y tế, tiếp đến là những bức xúc về quy trình chuyên môn và các vấn đề liên quan đến viện phí, thủ tục khám chữa bệnh cũng như thẻ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, thái độ của nhân viên Y tế, tình trạng vòi vĩnh đòi bồi dưỡng cũng được người dân phản ánh nhiều trong thời gian qua. Qua phân loại 8.400 cuộc gọi cho thấy có trên 3.000 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi (37,4%).

Trong hơn 3.000 cuộc gọi trên, có 30% cuộc gọi phản ánh về tình trạng xuống cấp ở các bệnh viện, 29% cuộc gọi phản ánh về quy trình chuyên môn, viện phí, thủ tục khám chữa bệnh (14%). Cuộc gọi
phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh chiếm 12%.

Cùng với đó là các ý kiến phản ánh về tiêu cực như đòi hối lộ (5%) và 2% cuộc gọi phản ánh về an ninh trật tự, biểu dương cán bộ y tế. Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương nhận được nhiều cuộc gọi phản ánh nhất. Từ những thông tin trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xác minh làm rõ.

Đã có 2.092 trường hợp bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm, 62 trường hợp bị kỷ luật và cắt thi đua khen thưởng đồng thời yêu cầu các bệnh viện tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất, cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh…

Giải nhiệt bằng nhiều cách

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, việc người bệnh đổ xô về bệnh viện tuyến cuối trong khi cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế đã không đáp ứng được nhu cầu người bệnh dẫn đến phiền toái, bức xúc. Trước thực trạng trên, ngành Y tế đã triển khai cuộc vận động cán bộ ngành Y thay đổi thái độ phục vụ.

Đến nay đã có 4 bệnh viện tuyến cuối tham gia là Bạch Mai, Việt Đức, Nhi và K. Theo bản cam kết, việc đổi mới phong cách, thái độ được đặt lên hàng đầu. Thay đổi bắt đầu từ lời chào, niềm nở trong tiếp đón, ân cần khi thăm khám…

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, bệnh viện đã xây dựng quy định về thái độ ứng xử với người bệnh. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ có trong thời gian tới. Còn tại Bệnh viện K, Giám đốc Bùi Diệu thừa nhận những khó khăn trong việc làm hài lòng người bệnh do bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Do vậy, sự thay đổi không phải một sớm một chiều mà sẽ là dần dần, bắt đầu từ sự thân thiện ngay từ khi tiếp xúc với bệnh nhân. Mở rộng hệ thống bệnh viện vệ tinh cũng là cách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải, hướng tới làm hài lòng người bệnh.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, cả nước có 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh, thành phố. Nhờ việc tham gia bệnh viện vệ tinh, nhiều kỹ thuật mới được triển khai ở bệnh viện tuyến dưới (đặt stent tim mạch, ghép tạng…) qua chuyển giao, hội chẩn từ xa. Nhiều chuyên khoa về ung thư, tim mạch… cũng được đầu tư xây dựng nên giảm lượng bệnh nhân dồn lên tuyến trên.

Hà Nội và TPHCM là hai thành phố thường xuyên nhận được nhiều phản ánh. Các địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh/thành phố nhận được nhiều ý kiến phản ánh nhất trong năm 2014 (như Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Bình, Vĩnh Phúc…) đến 6 tháng đầu năm 2015 đã có chiều hướng giảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ