(GD&TĐ) - Mù chữ không chỉ gây những tác hại trực tiếp đến từng cá nhân mà còn gây nên những bất ổn định, cản trở sự phát triển chung của xã hội. Ý thức được vấn đề này, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp xóa mù chữ, hướng tới xây dựng xã hội học tập (XHHT).
Cần đảm bảo quyền học tập cho mọi lứa tuổi Ảnh: H. Ngọc |
Kết quả cao từ nỗ lực lớn
Những thành quả trong giai đoạn vừa qua cho chúng ta thấy những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong công cuộc xóa và chống mù chữ.
Trung bình mỗi năm, cả nước đã huy động được khoảng 35.000 người theo học các lớp xóa mù chữ (XMC), khoảng 22.000 người theo học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC), 11 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ.
Đến nay Việt Nam đã dần hoàn thiện và nâng cao chất lượng chương trình, tài liệu dạy và học XMC, GDTTSKBC. Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình XMC&GDTTSKBC, biên soạn bộ tài liệu học XMC các môn từ lớp 1 đến lớp 5, thay thế hoàn toàn chương trình XMC, sau XMC và bổ túc tiểu học được thực hiện trước đó. Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy XMC dành cho giáo viên.
Đặc biệt, căn cứ tiêu chuẩn công nhận biết chữ và Phổ cập giáo dục Tiểu học (theo Thông tư số 14/GD-ĐT ngày 05/8/1997 của Bộ GD&ĐT), nên hiện nay có 100% đơn vị cấp huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia về CMC - PCGDTH. Tỷ lệ biết chữ của người dân tăng lên đáng kể so với năm 2000, khi Việt Nam tuyên bố đạt chuẩn quốc gia về Chống mù chữ - Phổ cập giáo dục Tiểu học (94% dân số trong độ tuổi 15 - 25 đối với các vùng khó khăn, 15 - 35 đối với các vùng thuận lợi biết chữ).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (tổng điều tra dân số năm 2009) cũng cho thấy, tỷ lệ chung về người biết chữ độ tuổi 15 trở lên đạt 94,0%; độ tuổi 15 - 35 đạt 96,2%. Tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15 trở lên của nữ giới là 92,0%, của nam giới là 96,1% (tỉ trọng biết chữ giữa nam và nữ là 1,04); tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 - 35 của nữ giới là 95,6%, của nam giới là 96,7% (tỉ trọng biết chữ giữa nam và nữ là 1,01). Đảm bảo sự cân bằng về tỷ lệ người biết chữ giữa nam và nữ. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi từ 15 trở lên là 78,5%, ở độ tuổi 15 - 35 là 84,7% . Trong đó, tỷ lệ người biết chữ của 9 dân tộc rất ít người ở độ tuổi từ 15 trở lên là 56,9%, ở độ tuổi 15 - 35 là 67,7%.
Xóa mù chữ giúp bà con dân tộc nâng cao kiến thức và chất lượng cuộc sống Ảnh: H. Ngọc |
Đưa giáo dục đến với mọi người dân
Kết quả đạt được của công tác XMC giai đoạn vừa qua là rất khả quan và ghi nhận sự nỗ lực không nhỏ của toàn xã hội. Tuy nhiên vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan nên công tác xóa mù cũng không tránh khỏi những bất cập, tồn tại. Từ đây đòi hỏi công tác xóa mù tiếp tục tìm ra những bài học và kinh nghiệm cho công tác xóa mù giai đoạn tiếp theo.
Thời gian qua, ở một số địa phương, công tác XMC chưa được các cấp chính quyền thực sự quan tâm, nhận thức của người dân về công tác XMC còn hạn chế, chưa thấy rõ được ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của cộng đồng. Không những thế, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành Giáo dục ở các địa phương đối với công tác XMC không còn thực sự ráo riết, quyết liệt như trước kia. Nói đúng hơn là công tác XMC ở một số địa phương không được coi trọng. Vì vậy, hiệu quả XMC không cao, kết quả XMC không bền vững, hiện tượng tái mù chữ gia tăng đáng kể. Năng lực và hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng thấp do đầu tư các điều kiện cần thiết để triển khai chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
Vấn đề đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác XMC còn thấp, chế độ chính sách cho người dạy và người học còn nhiều bất cập. Hiện nay, kinh phí dành cho công tác XMC chủ yếu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng XMC không có chương trình riêng mà ghép chung với chương trình phổ cập giáo dục. Số lượng kinh phí dành cho chương trình phổ cập nói chung cũng không nhiều, do vậy các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thiếu kinh phí để triển khai công tác XMC. Mặt khác, các văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với giáo viên, cán bộ làm công tác XMC và học viên học XMC chưa có sự điều chỉnh thích hợp, kịp thời để động viên, khuyến khích người dạy và người học.
Số lượng người theo học các lớp XMC rất thấp. Nguyên nhân chính là do công tác xóa mù chữ chưa tìm ra được những biện pháp hữu hiệu (về vật chất và tinh thần) để khuyến khích động viên người học có động cơ học chữ thiết thực. Chính vì vậy, số người được huy động đến các lớp học XMC, GDTTSKBC có xu hướng giảm dần liên tục từ 2005 đến nay, số người tái mù chữ có xu hướng gia tăng.
Từ những tồn tại cho thấy, để công tác xóa mù đạt hiệu quả tốt hơn nữa cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể trong công tác XMC ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả. Những chương trình hành động không chỉ được cam kết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể mà các ban ngành cần thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả.
Đội ngũ giáo viên dạy xóa mùa chữ cần có sự chuyên nghiệp và đa dạng hơn. Ngoài lực lượng chính là đội ngũ giáo viên trong biên chế của các cơ sở GDTX... thì giáo viên dạy XMC cần được huy động từ giáo viên phổ thông, giáo viên nghiệp dư (cán bộ các cơ quan, tổ chức xã hội, đoàn thể như bộ đội biên phòng, cán bộ Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên...).
Các địa phương cũng cần có sự đầu tư nghiên cứu, biên soạn các tài liệu dạy và học XMC, GDTTSKBC cho phù hợp với đặc thù, vùng miền, đối tượng... người học XMC của địa phương mình. Tránh tình trạng quá tải về nội dung hoặc thời gian học khiến cho người học chán học hoặc không có cơ hội tham gia các lớp học XMC.
Thực tế cũng cho thấy, các trung tâm học tập cộng đồng cần có mối quan hệ chặt chẽ với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các phòng, ban chức năng... để phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc chuyển giao kỹ thuật, kiến thức mới, thiết thực tới người dân. Các trung tâm học tập cộng đồng cần được thúc đẩy hoạt động nhằm bảo đảm một nền giáo dục mở rộng cho mọi người dân...
Mai Hoàng