(GD&TĐ) - Nhiều cặp vợ chồng trẻ làm công chức, đi sớm về muộn, đồng lương có hạn nên không dám thuê người giúp việc về chăm sóc con cái. Họ đã lựa chọn giải pháp gửi con vào nhóm trẻ gia đình. Mặc dù vẫn canh cánh nỗi lo trước thông tin ngược đãi trẻ đã xảy ra ở một vài điểm trông trẻ, thế nhưng, những bậc cha mẹ này không còn sự lựa chọn nào khác...
Kiếm bộn tiền nhờ trông trẻ
Việc trông giữ trẻ tại gia hiện được cho là nghề có thu nhập cao ở các thành phố lớn. Các bà nội trợ, nghỉ hưu, rảnh công việc gia đình cũng có thể mở điểm trông trẻ tại nhà. Với các bậc phụ huynh bận công việc, không sắp xếp được thời gian về đón con sớm thì những điểm trông giữ trẻ này là lựa chọn tối ưu của họ.
Tại điểm trông giữ trẻ tư nhân của bà Bích ở Gia Lâm (Hà Nội), ngày nào cũng đầy ắp tiếng trẻ nhỏ. Dù đã về hưu nhưng sức khỏe vẫn tốt, bản tính chịu khó hay làm, bà và chồng đã tận dụng căn phòng khoảng 60 m2 trong nhà mình để nhận giữ trẻ. Số lượng trẻ được bà nhận trông giữ thường xuyên khoảng 10 cháu với đủ các lứa tuổi, từ 6 tháng đến trên 3 tuổi. Hè này, bà nhận thêm 5 cháu. Học phí mỗi trẻ từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng tùy vào từng độ tuổi. Học phí tuy không cao nhưng mỗi tháng trừ chi phí điện, nước, ăn uống cho các cháu, bà cũng thu về được cả chục triệu đồng.
Bà Bích cho biết: Việc chăm sóc nhóm trẻ nhà bà chỉ cần 2 người là đủ. Sáng sớm bà đi chợ mua đồ về để chuẩn bị cho bữa trưa. Từ 7 giờ - 8 giờ bà cùng chồng đón trẻ, sau đó cho các cháu vào phòng chơi. Khoảng 9 giờ 30 phút bà đi chuẩn bị bữa trưa cho các cháu. Khoảng 11 giờ, ông bà cho trẻ ăn trưa rồi đi ngủ. Đến 2 giờ chiều ông bà cho các cháu dậy rồi cho ăn bữa phụ. Thời gian còn lại trong ngày ông bà cho trẻ chơi đùa, tập hát, xem phim hoạt hình. Những đứa trẻ được ông bà chăm đứa nào cũng béo khỏe, ngoan ngoãn.
Cô em gái của bà Bích nhà ở dưới khu Sài Đồng (Gia Lâm) thấy chị kiếm được kha khá từ nghề trông trẻ mà không phải vất vả, nên cũng bỏ nghề nuôi lợn sang trông trẻ. Nhà của bà Xuân khá rộng lại thoáng mát. Ngôi nhà ba tầng với diện tích mỗi mặt sàn 70m2 được bà dành hẳn tầng 1 để nhận trông trẻ. Bà Xuân cho biết: "Thời gian đầu do chưa quen với công việc nên tôi chỉ nhận 3 - 5 cháu để trông và cũng gặp nhiều vất vả khi cho các cháu ăn, cho các cháu ngủ. Nhưng đến giờ, mọi việc đã đâu vào đấy, tôi đã nhận 9 cháu. Các cháu hầu hết là con của những gia đình quanh khu vực tôi ở".
Một trong những thế mạnh của điểm trông giữ trẻ tại gia so với các trường mầm non, trung tâm giữ trẻ lớn khác là có thể nhận trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, việc đưa đón trẻ khá thoải mái về thời gian. Chính vì ưu điểm này mà nhiều bậc phụ huynh đã tìm đến các cơ sở trông trẻ tại gia.
Một nhóm trẻ gia đình ở thành phố Vinh (Nghệ An) |
Băn khoăn của người gửi trẻ
Bên cạnh những lợi thế, ưu điểm thì nghề trông trẻ tại gia cũng để lại không ít phiền toái cũng như hệ lụy cho các gia đình gửi trẻ. Chị Lan Anh ở (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Vợ chồng chị ngày nào cũng phải đi làm từ sáng sớm, do không có thời gian đưa đón con theo giờ của trường mầm non nên đành phải đưa đi gửi ở nhóm trẻ gia đình. Nhiều hôm phải đi từ 5 giờ sáng, đêm khuya mới về con cũng đành phải đi trẻ theo giờ của bố mẹ. Nhiều lúc thương con lắm nhưng đành vậy chứ gia đình không đủ tiền để thuê người giúp việc trông con ở nhà. Không chăm sóc con được nhiều, đành phó mặc cho người trông trẻ nên con hay bị ốm đau nào là tiêu chảy, cảm cúm, đến đau mắt…".
Còn chị Duyên ở Cầu Giấy (Hà Nội) tâm sự: “Gia đình tôi có một con trai 2 tuổi. Trước khi đi trẻ cháu nghịch ngợm lắm, buổi trưa cháu rất ít ngủ. Thế nhưng sau khi đi trẻ về nhà cháu ngủ li bì, đến chiều đón cháu về nhà mà cháu vẫn buồn ngủ, có khi ngủ cả trên đường về. Nghe báo chí nói có một cơ sở trông giữ trẻ tư nhân do không có chuyên môn nghiệp vụ, cho thuốc ngủ vào thức ăn của trẻ nhỏ để đến giờ ngủ trưa các cô không phải dọa nạt, các cháu không còn chạy nhảy, nghịch ngợm... Tôi đã rất sợ nếu con mình bị như vậy. Vì thế, nhiều tháng nay tôi cho con ở nhà và nhờ bà ngoại lên chăm cháu".
Nhiều phụ huynh gửi con ở nhóm trẻ gia đình cũng luôn lo lắng bởi điều kiện nuôi dạy trẻ ở những cơ sở này rất hạn chế và không khoa học. Trong khi trẻ ở trường mầm non được dạy các môn phát triển ngôn ngữ, phát triển trí tuệ như hát, vẽ, xếp hình… thì trẻ ở điểm trông trẻ gia đình chỉ được chơi, xem phim hoạt hình và học hát qua băng video.
Thiệt nhất là trẻ
Nghề giữ trẻ hình thành bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ trẻ, giúp họ có thời gian làm tốt công việc. Tuy nhiên, hiện nay, các nhóm trẻ gia đình lập lên một cách tự phát với số lượng lớn, lại không được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ giữ trẻ, kinh nghiệp nuôi trẻ… gây nên nhiều hệ lụy.
Khi được hỏi về tính hợp pháp của các điểm trông giữ trẻ gia đình, chính các vị phụ huynh cũng thừa nhận không hỏi về giấy phép kinh doanh của nơi mình gửi con. Thậm chí, ngay cả người giữ trẻ cũng tỏ ra không quan tâm và cho rằng chỉ trông có dăm ba đứa lại toàn người thân, quen trong làng cả, chứ có kinh doanh gì đâu mà giấy phép.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết: "Việc cấp phép cho các nhóm trẻ gia đình thuộc về chính quyền địa phương, còn ngành Giáo dục chỉ hỗ trợ về chuyên môn để cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Với điều kiện nhiều nhóm trẻ hiện nay, trẻ rất thiệt thòi và phải đối mặt với nhiều vấn đề không đảm an toàn, chất lượng. Hơn nữa, địa phương cũng quản lý chưa chặt xuống tận các tổ dân phố nên vẫn tồn tại nhiều nhóm trẻ gia đình không phép".
Để khắc phục tình trạng này, trước hết, các ngành chức năng cần xây dựng khung pháp lý để quản lý, giám sát các điểm trông giữ trẻ tự phát, bắt buộc các điểm trông giữ trẻ cần thưc hiện thủ tục đăng ký với chính quyền cơ sở. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có con nhỏ cần tìm đến những cơ sở có uy tín, hiểu rõ những cơ sở nhận trông trẻ trước khi đem con đến gửi.
Điều kiện mở nhóm trẻ gia đình - Phòng sinh hoạt phải đạt từ 1 - 1,5 m2/cháu, có hàng rào hoặc chấn song ngăn cách giữa phòng sinh hoạt với nhà bếp, nhà vệ sinh, cầu thang, sân chơi... Riêng phòng học thì phải có cửa sổ thông thoáng. Sàn nhà lát gạch hoặc bằng gỗ. - Phải có bếp riêng, đặt xa lớp học. Có một số đồ chơi cho trẻ hoạt động, tránh tình trạng quấy khóc, đánh nhau. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt... - Trình độ tối thiểu của giáo viên phải đạt chứng chỉ sư phạm sơ cấp về nuôi dạy trẻ. Mỗi giáo viên có thể đảm nhận từ 10 - 15 cháu/lớp mẫu giáo; 6 - 7 cháu/ lớp nhà trẻ từ 13 - 18 tháng; 8 - 9 cháu/lớp (từ 19 - 24 tháng); 10 - 12 cháu /lớp (trẻ từ 25 - 36 tháng); 4 - 5 cháu/lớp (trẻ dưới 12 tháng). - Đối với hồ sơ xin cấp phép, ngoài những giấy tờ cần thiết về bản thân thì người chủ nhóm trẻ còn phải có: bản mô tả về cơ sở vật chất; chứng chỉ sư phạm của giáo viên; hợp đồng thuê nhà từ 5 năm trở lên hoặc bản sao giấy chủ quyền nhà. Hồ sơ sẽ nộp tại UBND phường (nơi tổ chức nhóm trẻ) và Phòng Giáo dục. Nếu như đạt yêu cầu thì UBND phường (xã) mới ra quyết định cấp phép. |
Hiền Anh