Được và mất khi cho con du học sớm

Ông Phạm Tuấn Anh và gia đình trên đất Mỹ.
Ông Phạm Tuấn Anh và gia đình trên đất Mỹ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn độc lập ở Washington DC (Hoa Kỳ) cho biết, việc các em đi sớm một vài năm không cho thấy một sự thành công nổi trội nào đó về sau này.

- Cho con cái du học sớm đang là xu hướng của nhiều cha mẹ Việt. Họ “đầu tư” cho tương lai của con và của chính mình. Chính vì vậy, nhiều ông bố bà mẹ đã chọn du học sớm cho con, thậm chí bán nhà hoặc vay mượn cho con đi học. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc được và mất của giải pháp “đầu tư” này?

Theo tôi, đứa trẻ từ 13 - 17 tuổi rất cần sự gần gũi với gia đình. Tình cảm đó giúp trẻ hạnh phúc, thỏa mãn ở tuổi kiến thiết của cuộc đời. Nếu mình đưa các cháu ra khỏi môi trường này sớm, e rằng không chỉ thiếu vắng sự chăm sóc của gia đình mà còn thiếu đi sự gắn kết, biết ơn cha mẹ về sau.

Càng có tuổi, tôi càng thấy tình cảm với gia đình, với đất nước, với quê hương là quan trọng vô cùng. 3 thứ tình cảm này tuy riêng nhưng là một. Khi tôi nói nhớ nhà, có nghĩa là tôi thấy nhớ cả quê hương, đất nước.

Sống ở nước ngoài đến nay đã hơn 20 năm, đã được học và đọc những vấn đề trừu tượng, vượt qua ranh giới của cải vật chất, đi vào khung suy nghĩ tinh thần, tôi thấy thực sự mình cần những tình cảm này.

Bây giờ, cha mẹ cho con cái du học từ cấp 2, xa gia đình như thế, trẻ không chỉ thiếu tình cảm gia đình mà còn cả tình cảm với đất nước nữa. Có thể còn trẻ, nhiều người còn chưa coi trọng, nhưng càng lớn lên, càng già đi, thì những thứ đó mới đọng lại.

Khi con bạn đi sớm, văn hóa Việt Nam không còn nhiều, không hiểu lời lẽ mang tính chất đằm thắm, vơi bớt tình cảm gia đình, phong tục tập quán, thiếu sự nhạy cảm với lịch sử… Về ngôn ngữ, bạn cũng bị thiệt thòi vì tách khỏi văn hóa gốc quá sớm.

Đó là thiệt hại mà tôi nghĩ là có thể nhìn thấy. Nhưng tùy quan điểm của bố mẹ. Nếu họ thấy đó là bình thường, nếu nghĩ văn hóa truyền thống không quan trọng, thì việc du học sớm sẽ không là trở ngại.

Ngoài ra, nhiều người nghĩ, việc các em ra ngoài sớm, sẽ đạt được mục đích ngắn hạn là quen môi trường nước sở tại, quen với cách tư duy, quen thông thổ, cách làm việc… Nhưng nếu con bạn đi sau 18 tuổi, thì chỉ 1, 2 năm sau con bạn cũng bắt kịp những đứa trẻ đi sớm.

Chưa kể, dù bạn đi học đại học hay cao học, bạn sang Mỹ từ năm 14 hay 18 tuổi, thì sau vài năm, hai bên có sự khác biệt không đáng kể. Sự thành công của các bạn Việt kiều hay các bạn sang Mỹ từ sớm so với các bạn du học sau 18 tuổi, không thấy có sự vượt trội.

Vậy nên, tôi nghĩ, du học sinh, tự bản thân các em đã giỏi sẵn rồi. Lợi thế về thời gian không phải là lợi thế vững chắc và nghiễm nhiên. Còn thiệt hại là thiếu sự quan tâm của gia đình.

Tôi luôn khuyên bạn bè, nếu có điều kiện, hãy cho con học hết lớp 12 hãy đi!

- Du học sớm sẽ khiến trẻ phải đối mặt với sự cô đơn, thậm chí là trầm cảm mà có tiền cũng không thể giải quyết được hậu quả này. Nếu vẫn quyết định cho con du học, người lớn cần phải chuẩn bị những gì cho con, thưa ông?

Tôi nói riêng ở Mỹ thôi, nếu các gia đình cho con sang Mỹ học, các cháu sẽ ở nội trú. Học phí có thể giao động từ 25 nghìn đến 70 nghìn USD/năm. Do đó, bạn phải chuẩn bị một khoản tiền rất lớn. Đó là chưa kể chi phí đi lại thăm nhà hoặc bố mẹ sang thăm. Ngày lễ phải nghĩ cách đưa con đi chơi hoặc kiếm bạn bè cho con ở cùng.

Bạn phải tập cho con cách sống độc lập. Muốn sống độc lập tốt phải biết chăm sóc bản thân, biết lo tối thiểu là đi tìm kiếm thực phẩm như thế nào, ăn uống vệ sinh ra sao cho lành mạnh và phù hợp sức khỏe…

Ở Mỹ, trường quốc tế nấu ăn không chú trọng nấu riêng cho ai. Món ăn của trường không nhiều gia vị, nấu cực kỳ đơn giản để ai cũng ăn được. Tôi thấy chất lượng đồ ăn kém. Con bạn đang được ăn ngon, giờ sang đây ăn suốt ngày mỳ Ý với pizza… là không hề đơn giản.

Ngoài ra, phải biết giữ sinh hoạt cá nhân, biết chăm sóc bản thân. Kỹ năng này nhiều em gặp khó khăn. Nếu ăn uống kém, sức khỏe sẽ giảm, từ đó chất lượng học hành cũng kém.

Còn sốc văn hóa? Tôi nghĩ trường quốc tế không nhiều. Chỉ là khi bạn chưa quen với cách giao tiếp, cách hành xử chưa được giống như người bản địa, thì thường cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Nhưng đó là quá trình thích nghi thôi, không đáng ngại. Chỉ là ở tuổi 13 - 17, tâm lý đang bộc phát, rất dễ yêu, ghét, hờn, giận.

Phải đối phó với các phản ứng của người khác, các con dễ suy diễn, chưa đủ bản lĩnh hoặc chưa biết thế mạnh của mình ở đâu, nên nghĩ mình bị kỳ thị.

Tôi đã chăm sóc một số con bạn bè, có những trường hợp buồn chán, vất vả… Nhưng nếu có người khác định hướng thì các con sẽ ổn dần.

- Vậy, làm thế nào để dung hòa giữa việc được học một nền giáo dục tốt mà vẫn không phải xa người thân, gia đình?

Bạn có thể chọn giải pháp học trường quốc tế ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên chi phí cũng không hề rẻ.

Bạn có thể chọn giải pháp học online, tiếp cận các chương trình học quốc tế khác mà vẫn ngồi tại Việt Nam. Vì sao bạn chọn giải pháp này? Vì thế giới không quan trọng bằng cấp. Bạn có thể học trường danh tiếng hay học ở một trường heo hút tận Mù Cang Chải, thì khi ra ngoài, những trường đó đều như nhau.

Do đó, bạn học ở đâu, phương pháp học như thế nào, chương trình gì… không quan trọng, miễn là bạn qua được kỳ thi sát hạch của họ.

- Xin cảm ơn ông!

Nhiều người đang nhắc tới khái niệm công dân toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ công dân toàn cầu không có nghĩa là không có văn hóa gốc. Dấu ấn toàn cầu là những phần chung mà các bạn trẻ có thể chia sẻ với nhau theo kiểu “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Cái này lại phụ thuộc vào dòng chảy của nền văn hóa nước nào nổi trội thời điểm đó. Còn lại vẫn phải là cái gốc của mình, của dân tộc mình. Càng về sau, phần gốc này càng quan trọng này vì người ta có xu hướng quay trở lại văn hóa gốc của mình. - Ông Phạm Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn độc lập về giáo dục và kinh tế ở Wasington DC (Hoa Kỳ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ