Đừng vì quá khứ mà ứng xử lỗi đạo hiếu với mẹ chồng
Tôi là người theo đạo Phật, một lần tôi được nghe một sư thầy giảng dạy thế này: “Hận một kẻ thù, thực ra, chỉ làm cho tâm mình khổ đau nhiều hơn. Hận thù người thân và ở đây là cha mẹ chồng lại càng khổ đau nhiều hơn nữa. Chấp vào sự toàn hảo của người thân, khi bất hạnh xảy ra, ta dễ chìm sâu trong uất hận. Thương chính mình trong tình huống này là buông xả khổ đau càng sớm càng tốt”.
Tôi cũng từng giống với hoàn cảnh của chị, nhưng nay đã có được cuộc sống thanh thản vì đã buông bỏ được lòng oán trách với gia đình chồng. Cuộc sống của tôi ở nhà chồng trước kia cũng trăm phần cay đắng. Mẹ chồng cũng ghét bỏ tôi ra mặt, có khách đến không bao giờ cho tôi ra tiếp, không dẫn tôi đi thăm họ hàng, có việc lớn nhỏ gì trong nhà tôi là người biết cuối cùng.
Bà cho người giúp việc nghỉ rồi giễu cợt tôi là người thế chỗ cho ô-sin. Đến tận lúc tôi có thai, thái độ mẹ chồng vẫn không thay đổi. Bà mặc kệ tôi ốm nghén, mặc kệ tôi không thể ngửi được mùi tanh vẫn mua cá về bắt tôi nấu.
Điều tôi thất vọng nhất là chồng tôi hoàn toàn chẳng bênh vực, anh thường lờ đi coi như không biết gì mỗi khi tôi bị bắt nạt. Khi chỉ có hai vợ chồng, tôi cứ định nói đến chuyện mẹ chồng là anh lại gạt đi rồi đòi ngủ sớm vì mệt.
Ngày con tôi ra đời, mẹ chồng là người vào viện cuối cùng. Bà chẳng buồn bế cháu lại còn nói những câu như xát muối vào lòng tôi, bà bảo tại tôi ăn uống không đủ chất nên con sinh ra còi cọc, bà còn nói sao nhìn mãi chẳng có nét nào giống với chồng tôi. Tôi khóc không ra tiếng khi phải nghe những lời nói độc địa ấy. Vì không thể chịu đựng nổi, tôi gom hết đồ đạc rồi bế con về quê.
Điều không ngờ là sau khi tôi rời khỏi căn nhà đó, gia đình chồng tôi cũng lâm vào biến cố. Chồng tôi bị dụ dỗ đem đầu tư hết vốn liếng, thêm cả cầm cố nhà cửa để dồn vào một dự án nhưng rồi mất trắng vì bị lừa.
Rồi nợ nần chồng chất, giang hồ đến đòi nợ không được còn bắt cóc em chồng tôi uy hiếp. Họ nói nếu không mang tiền đến chuộc sẽ “xin một quả thận” của cô bé để trừ nợ. Lúc này mẹ chồng tôi mới hoảng loạn đến tìm tôi cầu xin sự giúp đỡ. Tôi đã bỏ qua mọi chuyện và vay mượn tiền giúp bà. Sau đó, gia đình chồng xin lỗi và đón tôi về. Tình cảm vợ chồng tôi được hàn gắn lại và cuộc sống của tôi sau đó mới thực sự bắt đầu.
Chị ạ, “cứu một người hơn xây 7 toàn tháp”, tôi biết chị sẽ giúp đỡ mẹ chồng lúc này. Điều quan trọng của chị lúc này chỉ là làm thế nào để “tháo bỏ nỗi hận thù trong lòng” thôi, đúng không? Để xóa bỏ được sự hận thù, chị hãy thử làm một cách này xem sao: Thứ nhất, chị hãy đón nhận sự làm lành của mẹ chồng. Không có gì hạnh phúc cho bằng khi mẹ chồng chị nhận ra được sai lầm và “ngỏ ý làm lành.
” Điều này có nghĩa là bà đã thấy cách cư xử của bà là sai nên muốn sửa đổi. Mặc dù, sự sửa đổi ấy đều là bắt nguồn từ chuyện bà muốn chị giúp đỡ mình. Nếu trước đây chị đã cao thượng, cố gắng bỏ qua, cố lấy lòng bà thì lần này, chị hãy mở lòng đón nhận sự làm lành của mẹ chồng càng chứng minh chị cao thượng hơn.
Dù có lỗi gì đi nữa thì bà cũng là chính là mẹ chồng của chị. Đừng vì lỗi của mẹ chồng mà chị ứng xử lỗi đạo hiếu với bà. Làm tròn hiếu đạo với cha mẹ hai bên là ứng xử văn hóa có giá trị.
Thứ hai, không xem mình là nạn nhân. Nếu cứ giữ tâm lý “là nạn nhân” chị khó có thể “nguôi ngoai” để làm lành với mẹ chồng. Chị là một người tốt, hãy biết thưởng cho mình hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của chị trong tình huống này là “làm lành” để kết thúc khổ đau với mẹ chồng.
Không xem mẹ chồng là tác nhân khổ đau. Mặc dù biết rất rõ, hành vi, thái độ của mẹ chồng đã làm chị khổ đau suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, nếu chị không ngừng lối suy nghĩ “do mẹ chồng mà mọi thứ trở nên tồi tệ” thì chị không thể sống hạnh phúc và gia đình chị tiếp tục sống trong khổ đau.
Do đó, cách tốt nhất là không tiếp tục xem mẹ chồng là tác nhân gây ra khổ đau cho chị và gia đình. Chị đừng nên trù dập cảm xúc của mình chỉ vì chưa thể nguôi ngoai trong lòng.
Chúc chị nhanh chóng tìm được cảm giác yên bình!