Sử dụng yếu tố văn thơ trong dạy học Lịch sử
Ví dụ, bài 27 - Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (Lịch sử 9), sau khi dạy xong, giáo viên đọc bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên để củng cố nhận thức của học sinh.
Giáo viên vừa đọc, vừa dừng lại nêu câu hỏi hoặc phân tích một số ý quan trọng. Như, khi đọc xong câu: "Những đồng chí thân chôn làm giá súng", giáo viên nêu câu hỏi: "Em có biết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ ai là người đã lấy thân mình làm giá súng ?"; hoặc khi đọc xong câu "Đầu bịt lỗ châu mai", giáo viên hỏi:" Ai là người đã xông lên bịt lỗ châu mai để chặn đứng hỏa lực địch?"…
Với cách làm như vậy, học sinhsẽ khắc sâu được hình ảnh hi sinh dũng cảm của các chiến sĩ và xúc động, tự hào về truyền thống dân tộc.
Dạy bài 29 - Cả nước trực tiếp chiến đấu chống Mĩ cứu nước (1965 - 1968) (Lịch sử 9), khi nói về đường Trường Sơn - tuyến đường vận chuyển chiến lược Bắc - Nam, giáo viên có thể đọc cho học sinh nghe một đoạn thơ:
“Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang/Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/Trường Sơn vượt núi, băng sông/Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình” (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu)
Sau khi đọc xong, giáo viên nêu câu hỏi: "Qua đoạn thơ trên, em có suy nghĩ gì về tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta?". Học sinh có thể không hiểu đầy đủ nội dung của đoạn thơ; tuy nhiên, giọng đọc truyền cảm của giáo viên sẽ khiến các em xúc động trước một con đường huyền thoại. Sự tiếp nhận kiến thức như vậy giúp học sinh nhớ lâu hơn, ấn tượng hơn.
Để làm được điều này, giáo viên phải biết sưu tầm các bài thơ, câu thơ hay có liên quan đến các sự kiện lịch sử và sử dụng một cách hợp lí, có hiệu quả.
Khi sử dụng thơ vào dạy học lịch sử cần chú ý chọn lọc những đoạn, câu phù hợp với bài học, phù hợp với khả năng hiểu biết của học sinh, không nên đọc hết một bài thơ quá dài vừa làm mất nhiều thời gian của giờ học, vừa làm học sinh thấy nhàm chán.
Bên cạnh đó, cần chú ý đọc diễn cảm, thể hiện ngữ điệu phù hợp với từng câu thơ; tránh phân tích quá sâu làm sai mục đích của việc sử dụng kiến thức liên môn. Giáo viên đồng thời phải rèn luyện cách đọc thơ, nếu đọc không hay cũng không thể tạo hứng thú cho học sinh.
Sử dụng yếu tố âm nhạc trong dạy học Lịch sử
Ví dụ, khi dạy bài khi dạy bài 27 - Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (Lịch sử 9), sau khi kiểm tra bài cũ, giáo viên cho học sinh nghe một đoạn ngắn bài hát "Giải phóng Điện Biên" (Đỗ Nhuận) rồi giới thiệu bài mới.
Khi dạy bài 30 - Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973 - 1975) (Lịch sử lớp 9), sau khi kiểm tra bài cũ, giáo viên cho học sinh nghe đoạn ngắn bài hát "Giải phóng miền Nam" (Lưu Hữu Phước) rồi giới thiệu bài mới…
Giai điệu bài hát sẽ tạo tâm trạng sôi nổi háo hức, bắt đầu bài học một cách hứng thú hơn.
Lưu ý: Khi sử dụng yếu tố âm nhạc vào dạy học Lịch sử phải lựa chọn những bài hát phù hợp với nội dung bài học, phù hợp với khả năng cảm thụ âm nhạc của lứa tuổi học sinh và không nên quá lạm dụng.
Giáo viên phải diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, cần tránh lối nói mập mờ, khó hiểu, tránh giải thích vấn đề một cách trừu tượng, rắc rối. Sức mạnh của lời nói là ở chỗ ngắn gọn, ít từ mà xúc tích. Tuy nhiên, ngắn gọn không có nghĩa là không được nói dài, mà là không nói thừa.
Diễn đạt tốt là phải thu hút người nghe vào bài giảng của mình, khắc sâu vào trí nhớ của họ những vấn đề cần thiết. Cho nên điều quan trọng trong diễn đạt là lời nói phải sinh động, có hình ảnh. Muốn đạt được điều này, giáo viên phải biết sử dụng ngôn ngữ.
Để cuốn hút học sinh vào bài giảng, giáo viên còn phải chú ý đến ngữ điệu. Ngữ điệu có tác dụng rất lớn tới chất lượng bài giảng. Lời nói đều đều khi giảng một bài lịch sử sẽ làm cho học sinh dễ buồn ngủ. Đây là một nguyên nhân làm cho bài học trở nên nhạt nhẽo, khô khan, không hấp dẫn.
Lời nói của giáo viên trong mỗi giảng cần thể hiện tình cảm của mình thông qua ngữ điệu diễn đạt thích hợp với nội dung bài. Ngữ điệu phong phú của giáo viên để truyền đạt hết các sắc thái tình cảm thông qua từng nội dung kiến thức có sức hấp dẫn lôi cuốn, khiến cho học sinh say sưa quên thời gian.
Nhịp độ nói của giáo viên cũng có ý nghĩa quan trọng trong bài giảng. Nhịp độ nói của thầy phải ăn khớp với nhịp độ tư duy của học sinh. Giáo viên phải thường xuyên theo dõi biểu hiện trên nét mặt của học sinh để biết được các em có theo kịp bài giảng hay không.
Khi trình bày những phần khó, giáo viên cần nói với nhịp độ chậm. Đặc biệt khi trình bày một kết luận, định nghĩa, nguyên lí... nhất thiết phải nói chậm. Không phải chỉ nói chậm là quan trọng mà cả việc sắp xếp trọng âm, lên giọng, xuống giọng, dừng lại để nhấn mạnh ý nghĩa của toàn bộ sự khái quát cũng như từng phần riêng rẽ của nó.