Chúng ta cần hiểu rằng, lứa tuổi của trẻ là lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ở trong độ tuổi này, trẻ còn bồng bột, thiếu chín chắn, còn hạn chế về hiểu biết và kinh nghiệm. Do đó, những lỗi mà trẻ thường mắc phải hầu hết đều không do chúng cố ý gây ra. Trong trường hợp này, các em cần sự thông cảm, tha thứ hơn là sự trách mắng, nặng lời.
Hơn nữa, ở độ tuổi này, các con còn đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện mọi mặt. Đây là lứa tuổi chưa có sự ổn định về mặt tâm lí. Việc bị cha mẹ la mắng một cách tùy tiện, nhất là trước mặt nhiều người, dễ khiến các con bị tổn thương, cảm thấy không được tôn trọng, thậm chí thấy “mất sĩ diện”. Do đó, dễ dẫn đến tâm lí ấm ức, không phục, tự ti, mặc cảm… cùng với đó là những hành động phản kháng hoặc lẩn tránh. Tất cả đều có hại có sự phát triển của trẻ, dễ để lại những vết thương khó lành trong các con sau này.
Nhiều trẻ bị cha mẹ la mắng một cách quá đáng trở nên trầm cảm, tự kỉ hoặc nổi loạn, dễ có lời lẽ và việc làm vượt tầm kiểm soát. Nhiều em vì thường xuyên bị la mắng mà trở nên bất mãn với chính cha mẹ của mình. Như vậy, việc la mắng là để giáo dục nhưng trở thành phản giáo dục.
Ai chẳng biết, cha mẹ la con là muốn con trưởng thành hơn, suy cho cùng cũng là vì con. Nhưng chúng ta nên cân nhắc trong việc này. Chỉ nhắc nhở nếu nghiêm trọng thì khiển trách một cách chính đáng và có liều lượng. Đừng la mắng con cái một cách tùy tiện. Đặc biệt, đừng dùng những lời lẽ xúc phạm đến trẻ. Hãy nhớ rằng, không phải chỉ la mắng mới giúp con nhận ra lỗi và biết hối lỗi.