Dũng tướng “phò Lê diệt Mạc” rơi vào bi kịch chỉ vì quả dưa hấu

Sau thời kỳ thịnh cường, bước sang thế kỷ XVI, triều đình nhà Lê bắt đầu xảy ra những biến cố lớn. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi của Lê Cung Hoàng chấm dứt nhà Lê sơ mà lập nên triều Mạc (1527 - 1592), nhân gian khắp nơi xáo xác, công thần dù hoài Lê mà chưa đủ sức đứng ra cự lại được.

Dũng tướng “phò Lê diệt Mạc” rơi vào bi kịch chỉ vì quả dưa hấu

Di tích Lam Kinh gắn liền với công trạng nhà Lê, Thanh Hóa. (Ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Intrernet)

Khi ấy, có những vị trung nghĩa với nhà Lê vì quá uất ức mà tự mình tìm đến cái chết; có người vì buồn chán mà thay tên, đổi họ để sống một cuộc đời mai danh ẩn tích quyết không ra hợp tác với nhà Mạc; có kẻ bỏ hết sự nghiệp tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc để thiền định tu hành; có người cùng với những chiến hữu thân tín của mình chạy sang những nước láng giềng lánh nạn, chờ cơ hội thuận lợi sẽ kéo quân trở về phục hận cho nhà Lê.

Trong số những cận thần của nhà Lê chạy qua Ai Lao lúc đó, có quan Hữu Vệ Điện Tiền Tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim, quê ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Giang, lộ Thanh Hóa. 

Năm 1533, Nguyễn Kim đã tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Thanh Hóa và tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533 - 1548). Năm 1543, Nguyễn Kim rước vua Lê tiến binh ra Tây Đô để đánh Mạc Chính Trung (con thứ 2 của Mạc Đăng Doanh) và sau đó xây dựng hành điện ở xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Kim được vua Lê phong làm Thái sư, Hưng quốc công, nắm giữ tất cả binh quyền.

Việc này, được Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại: “Trước kia, khi Đăng Dung thí nghịch và tiếm ngôi, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Kim – người dẫn) lánh nạn sang ở tại châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy cho cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. 

Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy”. 

Vua Trang Tông nhớ ơn ấy, phong cho vị tướng quân họ Nguyễn làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự để phò giúp diệt Mạc, lấy lại nước.

Nhưng cuộc đời một danh tướng lừng lẫy “phò Lê, diệt Mạc” lại rơi vào bi kịch chỉ vì … một quả dưa hấu.

Di tích thành nhà Mạc (Ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn: Intrernet)

Sách Đại Nam thực lục cho biết: Ngày Tân Tỵ, tháng Năm, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông bị hàng tướng Mạc (tên Trung) đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. 

(Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ).

Vua Lê thương tiếc mãi, tặng tước Chiêu huân tĩnh công, dùng lễ hậu đem táng ở núi Thiên Tôn (thuộc huyện Tống Sơn). Tương truyền huyệt đào trúng hàm rồng, khi đặt quan tài xuống thì cửa huyệt ngậm lại, bỗng trời đổ mưa, gió sấm sét, mọi người sợ chạy. 

Đến lúc tạnh trở lại tìm thì đá núi liên tiếp, cỏ cây xanh tốt, không nhận được là táng nơi nào nữa. Đến nay có việc (cúng tế) thì chỉ trông núi tế vọng thôi.

Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, hàng tướng ấy chính là Dương Chấp Nhất: Bấy giờ đại quân tiến đóng Yên Mô (thuộc Ninh Bình), hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đón mời Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đến chơi quân doanh của hắn. 

Nhân đương nắng nóng, Chấp Nhất mời Triệu Tổ ăn dưa; trúng độc, khi trở về quân doanh, Triệu Tổ thấy người bải hoải khó chịu, rồi mất.

Tìm trong tài liệu sử sách, xin nói thêm đôi lời về nhân vật Dương Chấp Nhất. Trước sức mạnh như cuồng phong của binh lính nhà Lê. Quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất biết mình thế yếu nên đã đem cả gia đình sang đầu nhà Lê. 

Việc này đúng với mong muốn của Nguyễn Kim vì ông biết Dương Chấp Nhất là một viên tướng tài của nhà Mạc, nên đã hết lòng chiêu dụ. Qua kiểm chứng, Nguyễn Kim thấy nhờ có Dương Chấp Nhất cung cấp thông tin nên quân của nhà Lê mới đánh đâu thắng đó. 

Cho là Nhất thực lòng, nên Nguyễn Kim không hề nghi ngờ mà tỏ ra hết sức tin dùng và trọng dụng. Không ngờ, Dương Chấp Nhất vốn là một tay mưu sĩ, khi thấy chủ của mình là Mạc Đăng Doanh luôn phải lo đối phó với thanh thế nhà Lê, Dương Chấp Nhất đã hiến kế xâm nhập vào nội bộ nhà Lê để phá hoại và đích thân mình thực hiện nhiệm vụ trá hàng này.

Và cũng có tài liệu cho rằng Nhật mở tiệc, Nguyễn Kim đến dự và uống cạn chén rượu Nhất dâng mà không chút nghi ngờ. Nhất còn cho người đưa ông về tận dinh. 

Đêm ấy, Nguyễn Kim đau đớn vật vã, trên da xuất hiện nhiều vết đen. Sau khi biết mình trúng phải chất kịch độc, Nguyễn Kim đau đớn nấc lên, nôn ộc ra một vũng máu rồi chết.

Hạ được Nguyễn Kim, Dương Chấp Nhất đã trốn thoát và được Mạc Đăng Doanh trọng thưởng vì công trạng của mình. Tuy kế sách chưa hoàn thành trọn vẹn, vua Lê vẫn chưa bị hạ độc thủ nhưng Mạc Đăng Doanh vẫn hết lời ca ngợi và trọng thưởng Dương Chấp Nhất.

Mới hay, Nguyễn Kim đã bao phen cầm gươm lên ngựa lặn lội rừng sâu chịu lam sơn chướng khí để khôi phục Lê trào, vậy mà chỉ vì một chút mất cảnh giác, lại không lường được âm mưu quỷ quyệt của kẻ mưu hại, vị dũng tướng đã vong thân, để lại nhiều điều suy ngẫm cho hậu thế vậy! Cổ nhân đã nói:

Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm.

(Vẽ cọp thì vẽ được lông/ Biết người biết mặt chớ lòng biết đâu?)

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ