Dừng thí điểm taxi công nghệ: Số phận các doanh nghiệp sẽ ra sao?

Dừng thí điểm taxi công nghệ: Số phận các doanh nghiệp sẽ ra sao?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thông báo quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) từ ngày 1/4.

Tại Nghị định mới, một trong những điểm đáng chú ý là việc cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe trước đó. Hộp đèn được quy định với kính thước tối thiểu là 12 x 30cm còn logo có cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 6 x 20cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI".

Không chỉ với taxi, Nghị định mới cũng không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn trên nóc xe mà chỉ yêu cầu dán phù hiệu phản quang bên trong xe. Cụ thể, xe hợp đồng phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe.

Như vậy, xe taxi công nghệ có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả lái xe) chỉ cần xin cấp lại phù hiệu và dán cố định trên ô tô. Thủ tục này được hoàn thành trước ngày 1/7/2020 là hoàn toàn đảm bảo các điều kiện để được phép hoạt động.

Theo các chuyên gia vận tải, với quy định mới này, những lo lắng của các hãng taxi công nghệ được xóa bỏ, đồng thời cũng khép lại những tranh cãi kéo dài trong công tác quản lý đối với xe taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Nghị định 10/2020 cơ bản đáp ứng yêu cầu về quy định pháp lý trong kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay, dù vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự hài lòng. Tuy nhiên, việc ban hành nghị định vào lúc này là cần thiết bởi công tác soạn thảo cũng đã kéo dài tới hơn 2 năm nay, trong khi bối cảnh hiện nay rất cần có một nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 không còn phù hợp.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh, một trong những quy định được chờ đợi nhất trong Nghị định 10 là quy định cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định “cứng nhắc” trước đó là bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh vẫn cho hay đây chỉ là giải pháp “tình thế”. Thực tế, ở các nước trên thế giới, taxi vẫn được quy định phải gắn hộp đèn phía trên với quy định “khi có khách thì tắt đèn, không có khách thì bật đèn”. “Đây được xem là quy định nhận dạng mang tính chất phổ thông và phổ cập trên toàn thế giới đối với xe taxi”, ông Thanh nói.

Thừa nhận thực trạng các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế để quản lý hiệu quả taxi công nghệ, theo ông Thanh, trong thời gian tới, vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến để tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng nhất giữa hai loại hình taxi.

Nói về việc nhiều người lo lắng cho "số phận" của các hãng xe công nghệ như Grab, FastGo... một chuyên gia phân tích, việc dừng thí điểm hoạt động xe taxi công nghệ của Bộ GTVT chỉ nhằm triển khai mới các quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Vì thế, nếu các xe công nghệ hiện nay nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như nghị định mới thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới, trong khoảng thời gian từ nay đến hết 1/7/2021. Thời gian này cũng được cho là quá đủ để các hãng xe thực hiện.

Được biết, trong các dịch vụ vận chuyển hiện nay của nhiều ứng dụng gọi xe, hiện chỉ có vận chuyển bằng xe ô tô chịu các quy định của Nghị định 10, còn những dịch vụ hiện hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công Thương quản lý, không chịu ảnh hưởng bởi nghị định mới của Bộ GTVT.

Trong khi đó, trả lời báo chí, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT - đơn vị tham gia soạn thảo Nghị định số 10 - cho rằng, dù là xe 9 chỗ dạng hợp đồng hay taxi thì số lượng xe cũng không thay đổi. Và Nghị định số 10 nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp khi quyết định dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc chuyển đổi xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ sang loại hình taxi sẽ không dễ dàng, vì bản thân các địa phương thuộc diện thí điểm mô hình “taxi công nghệ” lâu nay đều đang rơi vào tình trạng quá tải số lượng taxi.

Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ