Theo chia sẻ của báo Gia đình & Xã hội, thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn mà nhiều bà nội trợ vô tình bỏ quên. Bề mặt thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn có hại trong đó có E.coli. Nếu để thớt bẩn thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và rất khó để loại bỏ, đặc biệt là đối với thớt cũ với nhiều rãnh cắt sâu. Vi khuẩn E.coli, salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột) có thể lây lan từ thớt sang thức ăn khi thớt được vệ sinh không đúng cách.
Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, các chuyên gia khuyến cáo các bà nội trợ có thớt dành riêng cho thức ăn sống và chín. Sau khi sử dụng, thớt nên được treo nơi khô thoáng, có ánh nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Biết được ưu nhược điểm của những loại thớt khác nhau, bạn sẽ có những sự lựa chọn hợp lý cho gia đình mình.
Thớt thủy tinh
Được làm từ thủy tinh, ưu điểm của thớt thủy tinh là không bị mùn, không bị ô-xy hóa, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Bạn có thể yên tâm thái thực phẩm mà không sợ làm trầy xước bề mặt thớt.
Tuy nhiên, do có bề mặt cứng, loại thớt này làm dao nhanh cùn và không thích hợp cho việc băm, chặt thức ăn. Ngoài ra, bề mặt thớt trơn nhẵn có thể khiến dao dễ bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng, Trí thức trẻ cho biết.
Vì thế bạn chỉ nên dùng thớt thủy tinh để thái trái cây, rau củ, thức ăn mềm, các món cơm cuốn, sushi, thức ăn đã được chế biến như thịt luộc, thịt quay, giò, chả.
Ngoài sự tiện dụng, đẹp mắt, bạn cũng nên chú ý đến chất lượng thớt. Bạn nên chọn mua sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và niêm yết kiểm định đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nơi sản xuất.
Thớt nhựa
Với ưu điểm có trọng lượng nhẹ, không bị mục và không có mùn, thớt nhựa là lựa chọn phù hợp để thái các loại thức ăn đã chế biến, không cần sử dụng nhiều lực.
Hiện trên thị trường đã có loại thớt nhựa chứa chất microban diệt khuẩn, có tác dụng phá vỡ chức năng tế bào của vi khuẩn, ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc sinh trưởng, phát triển trên bề mặt thớt, Gia đình & Xã hội cho biết.
Khi sử dụng thớt nhựa, bạn cần lưu ý:
Tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
Khi thớt bị ố, ngả màu, bạn nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng hai giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.
Thớt gỗ
Là loại thớt được sử dụng nhiều nhất trong các gia đình, thớt gỗ được ưa thích bởi dễ băm, chặt. tuy nhiên, do là gỗ nên loại thớt này dễ thấm hút nước, có mùi, nhanh cong vênh cũng như nứt bề mặt.
Vì thế, khi sử dụng thớt gỗ, bạn lưu ý:
Chọn thớt độ dày đều, không có mắt gỗ.
Khi mới mua về, bạn ngâm thớt trong nước muối mặn theo tỷ lệ: 200g muối/1lít nước, trong 24 giờ, sau đó phơi khô thoáng. Điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau.
Để thớt không bị mùn hay có mùi, sau khi sử dụng, bạn nên chà rửa thớt bằng một ít nước rửa bát hoặc chanh tươi. Sau đó, bạn lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng để ngăn ngừa nấm mốc.