Dùng nhân sâm, tam thất quá liều có bị liệt dương?

Với nhiều đàn ông, sức khỏe sinh lý rất quan trọng, họ luôn tìm cách để tăng sức mạnh, trong đó có nhân sâm, tam thất.

Dùng nhân sâm, tam thất quá liều có bị liệt dương?

Thuốc đại bổ có thể thành thuốc độc

Chị L.T. (TP HCM) chia sẻ: “Thấy chồng bị áp lực công việc, mệt mỏi và sao nhãng chuyện vợ chồng, tôi mua một ký nhân sâm tươi, xắt lát một nửa hấp cơm 3 lát/ngày, còn một nửa ngâm rượu cho chồng uống. Tình hình sau đó được cải thiện đáng kể, chồng tôi luôn phấn chấn, “chuyện ấy” chất lượng hơn.

Nhưng khoảng vài tháng sau tình hình lại xấu đi, chồng bị nổi mẩn ngứa, tiêu chảy, mất ngủ. Tôi động viên mãi chồng đi khám thì anh mới thú nhận là thấy kết quả tốt nên đã tự mua thêm rượu sâm về lén uống thêm mỗi ngày một ly nữa để “tăng cường bản lĩnh hơn”, không ngờ kết quả lại thê thảm”.

Vợ chồng chị Hoài Nhi (đường Bưởi, Hà Nội) đang mong có con nên cả hai thường hấp tam thất thịt nạc trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, trước thì còn làm “chuyện ấy” được 3 lần/tuần. Thời gian gần đây thì xuống còn 1 lần/tuần khiến cả hai vợ chồng hốt hoảng đi tìm bác sĩ để được tư vấn.

Thầy thuốc Trần Văn Bản (Trung ương Hội Đông y Việt Nam) cho rằng, nhân sâm bổ khí, tam thất tán huyết, đều là những vị thuốc đại bổ của Đông y, có khả năng cải tiến sức khỏe phòng the cho nam giới (như tăng sự cương cứng) và cả chất lượng của “tiểu binh” nhờ khả năng gia tăng những hormone quyết định sức khỏe tình dục của nam giới.

Tuy nhiên, không nên dùng tùy tiện, lạm dụng và không đúng cách vì hiệu quả ít, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Nếu dùng nhân sâm và chế phẩm từ sâm với liều quá cao hoặc quá dài ngày có thể dẫn đến ngộ độc khiến thuốc đại bổ trở thành thuốc độc.

Có thể khiến trẻ phát dục sớm

Theo bác sĩ Đông y Phạm Hinh (Trung ương Hội Đông y Việt Nam), nam giới trọng thuốc bổ khí, nữ giới nên trọng thuốc bổ huyết. Vì vậy, nhiều nam giới đi tìm các loại dược thảo bổ dưỡng tăng cường sinh lực. 

Tuy nhiên, khi sử dụng nhân sâm, tam thất cần lưu ý: Sau khi ăn/uống nhân sâm tuyệt đối không dùng đồ biển và củ cải (trắng, xanh, đỏ...). 

Bởi củ cải và hải sản là đại hạ khí, còn nhân sâm là đại bổ khí. Hai thứ dùng chung sẽ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người dùng. Các loại đậu đen, nước chè (trà) cũng không nên dùng sau khi uống nhân sâm vì làm giảm tác dụng nhân sâm.

Không dùng nhân sâm vào buổi tối, vì sẽ gây hưng phấn, khó ngủ. Dù là sắc hay hấp cách thủy nhân sâm cũng không dùng đồ kim loại vì giảm tác dụng của loại dược liệu đại bổ này.

Với tam thất, cổ nhân coi là có công năng “tráng dương”, nếu thỉnh thoảng quý bà hấp tam thất với thịt nạc cho chồng ăn hoàn toàn không có hại, cũng không sợ loãng tinh dịch, bởi có nhiều nghiên cứu cho thấy tam thất có tác dụng tương tự như nội tiết tố sinh dục, góp phần thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể.

Nhưng muốn dùng thường xuyên hoặc dùng tam thất sống thì cần được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn trực tiếp.

Với phụ nữ có thai hoặc trẻ em dưới 15 tuổi, tuyệt đối không dùng nhân sâm. Nếu muốn dùng cần có bác sĩ chỉ định và không quá lạm dụng vì có thể làm trẻ bị phát dục sớm.

Người khỏe mạnh không nên dùng nhân sâm vì vừa lãng phí, lại có thể gây mất cân bằng cơ thể. Dù là dược liệu bổ, nhưng liều lượng cần do bác sĩ chỉ định tùy cơ địa mỗi người. 

Mỗi đợt dùng chỉ nên 2 tuần, không dùng thường xuyên vì cơ thể dễ bị phụ thuộc vào dược liệu. Nhân sâm, tam thất cũng chỉ là một trong nhiều cách tăng cường sức khỏe, sinh lực. Do đó ngoài tẩm bổ, vẫn cần ăn uống hợp lý, tập luyện thường xuyên.

Theo Vietnamnet/Gia đình & Xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ