'Dừng lại thôi, Táo quân!'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm nay, “Táo quân” vừa tròn 20 tuổi - cái tuổi xuân thì, lẽ ra phải hấp dẫn quyến rũ vậy mà tiếp tục bị khán giả hô: “Dừng lại thôi, Táo quân!”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Liên tiếp trong mươi năm trở lại đây, cứ khi chương trình “Gặp nhau cuối năm - Táo quân” vừa kết thúc, thậm chí mới phát sóng được chừng một phần ba là dư luận ồn ào. Người khen luôn hiếm còn người chê thì nhiều…

Đến năm nay, “Táo quân” vừa tròn 20 tuổi - cái tuổi xuân thì, lẽ ra phải hấp dẫn quyến rũ bởi những tươi xanh phơi phới vậy mà lại tiếp tục bị khán giả hô: “Dừng lại thôi, Táo quân!”

Trước cả tháng trời, truyền thông về “Táo quân” 2023 đã liên tục quảng bá, rằng có sự tái xuất của Cô Đẩu - Công Lý; rằng có dàn Táo lộng lẫy và đông đảo nhất từ trước đến nay; rằng có bao vấn đề thời sự sẽ được thể hiện dưới góc nhìn châm biếm, sâu cay; rằng là gala hoành tráng, tưng bừng mừng sinh nhật tuổi 20…

Tất nhiên, mỗi thông tin câu view này được nhỏ giọt dần trong cả tháng khiến khán giả nhấp nhổm, không những người vẫn theo dõi ngóng đến ngày giờ phát sóng đã đành mà còn thêm kẻ lâu rồi không xem cũng bấm bụng… để ý.

Thế nhưng, tất cả chỉ là “treo đầu dê…” khiến công chúng thêm một lần nữa chưng hửng. Cô Đẩu - Công Lý có xuất hiện nhưng chỉ được trên dưới 5 phút và ngồi yên trên kiệu hoa tủm tỉm liếc mắt, nói đúng 2 câu ngắn ngủn theo phong cách “ái” rồi nhanh chóng được khiêng vào cánh gà và mất hút.

Sự xuất hiện này của Cô Đẩu là một nỗ lực lớn của nghệ sĩ Công Lý sau thời gian dài điều trị bạo bệnh. Nhưng vì màn xuất hiện kém duyên, lệch pha với tổng thể chương trình nên không đem lại ý nghĩa cổ vũ tích cực mà trở nên gượng ép, khiến khán giả vừa hụt hẫng, vừa thương hại cho nghệ sĩ.

Vì sao với một nghệ sĩ đang điều trị bệnh rất mệt mỏi, ốm yếu, không đủ sức khỏe diễn xuất mà vẫn phải cố đưa lên sân khấu? Liệu ở đây là sự tôn vinh, tri ân hay chỉ là cách trục lợi danh tiếng nghệ sĩ để nhử khán giả và thu lợi nhuận quảng cáo?

Đến màn thi “Táo bạo”, ai cũng hí hửng chờ xem trò diễn của các Táo mới như Táo Năng lượng - Thanh Dương, Táo Quy hoạch - Lý Chí Huy, Táo Xây dựng - Thành Trung… Cũng vì, khán giả muốn được đón làn “gió mới” đan xen vào những gương mặt “ngự trị” suốt 20 năm qua như Táo Giao thông - Chí Trung, Táo Y tế - Vân Dung, Táo Kinh tế - Quang Thắng, Táo Xã hội - Tự Long. Vậy nhưng, “gió mới” chưa kịp thổi thì đã bị nock out khỏi sân khấu.

Nếu như Táo Quy hoạch bị loại từ vòng gửi xe thì Táo Xây dựng và Táo Năng lượng may mắn hơn được điểm danh. Nhưng trước “ma cũ” giữ vững vị trí hàng chục năm qua, các Táo ấy cũng sớm bị hất cẳng, tiếp tục để lại sân chầu cho 4 Táo kỳ cựu tung hứng với Nam Tào, Ngọc Hoàng bằng lối diễn, đài từ cũ kỹ, chưa diễn, chưa nói đã biết cùng những câu thoại mang tính nhắc việc, không có chiều sâu.

Thậm chí, cái thói mua vui bằng ngôn từ, vụ việc dung tục tiếp tục được công khai “bày sàng” trên sóng truyền hình quốc gia chỉ gây sự phản cảm chứ sao đủ sức giáo dục sâu cay…

Xưa, cũng bằng sân khấu, để đả kích thói trăng hoa của đàn ông, các thầy tuồng đã viết “Tuần ty đào Huế” khiến khán giả được cười hả dạ trước màn đánh ghen của bà cả từ Huế ra Bắc kỳ.

Để đả phá quan lại ngu dốt, lắm điều, vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” có trò diễn “Việc làng” với những chức sắc đảm đương việc trọng đại trong làng mà toàn đui mù, câm điếc, què sứt… để khán giả vừa được cười nghiêng ngả vừa sung sướng vỗ đùi tán thưởng.

Hay như thời hiện đại, khi xem vở hài kịch “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ, khán giả không những được cười không dứt về cái thói háo danh của người dân làng Cà Hạ - Hùng Tâm mà lúc về còn thấy cay cay sống mũi vì hình như cũng có mình trong đó…

Và, những vở diễn này vẫn được dàn dựng, biểu diễn bởi nhiều thế hệ nghệ sĩ mà tiếng cười của công chúng chưa khi nào vơi vì chưa bao giờ thấy chán, thấy nhạt.

Nói như thế cũng không có nghĩa là chương trình “Gặp nhau cuối năm” chưa bao giờ hay. Vì nếu không hay thì sao có thể tạo dựng và giữ được thương hiệu đến tận bây giờ.

Trong những năm đầu, chương trình luôn được khán giả yêu mến, thậm chí thay tên đổi họ cho chương trình thành “Táo quân” – gọi trực diện để mong đợi mỗi năm sẽ được tham gia các buổi chầu đong đầy tiếng cười rộn ràng, sung sướng, hả hê… từ những trò diễn hài hước mà thuyết phục, dám đấu tranh cho lẽ phải, đả phá các ung nhọt trong xã hội, nói hộ những điều trong lòng với xã hội, với thời cuộc…

Tiếc là, trong gần nửa chặng đường qua, những kỳ vọng ấy của khán giả gần như không được đáp ứng. Nhận thức và nhu cầu thẩm mỹ của khán giả ngày càng cao nhưng chất lượng “Táo quân” lại thụt lùi.

Không phải khán giả không lên tiếng mà họ rất nhiệt tình phản biện song dường như “thêm tuổi” Táo quân thêm yếu đuối, kém cỏi, cũ mòn, bảo thủ về nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Thực ra, chương trình cũng có cái hơn là thời lượng quảng cáo tăng không “nể” khán giả – chiếm gần ¼ thời lượng phát sóng. Lẽ ra, từ nguồn thu béo bở đó, nhà sản xuất phải quay trở lại đầu tư chỉn chu từ kịch bản cho đến việc tìm tòi, phát hiện gương mặt mới hay hiệu quả kỹ thuật để lợi cả đôi đằng.

Song nếu như ở những chương trình đầu, thường được giới thiệu tác giả kịch bản như Đỗ Thế Khải, Đỗ Trí Hùng, Lê Đình Lộc, Thế Anh, Đinh Tiến Dũng… song những năm gần đây phần biên kịch gần như không được giới thiệu, đôi khi có Táo từng chia sẻ diễn đến đâu viết kịch bản đến đó! Mà đó cũng là điểm chính bị khán giả kêu ca nhiều nhất - vì có bột mới gột nên hồ, phải có kịch bản hay thì mới có được chương trình hay, diễn xuất thăng hoa, chạm đến trái tim khán giả.

Bị chê ròng rã gần thập kỷ qua và đã từng phải nghỉ sóng năm 2020 nhưng sự trở lại của Táo quân vẫn không tiến bộ bao nhiêu, tiếp tục vấp phải nhiều luồng ý kiến của khán giả. Đã thế, nghệ sĩ còn phản ứng kém duyên thậm chí là có phần coi thường những phản biện của công chúng.

Bởi vậy, năm 2023 dù mừng tuổi 20 đấy song không phải là niềm vui tuổi thanh xuân mà là những ồn ào đầy thất vọng để khán giả tiếp tục giục giã: “Dừng lại thôi, Táo quân!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ