Giáo viên thu hộ cho nhà trường nhiều khoản tiền đóng góp của học sinh và phụ huynh
Chuyện xảy ra ở một trường THPT ở Hà Tĩnh (vì lý do tế nhị, xin không nêu tên thật của trường và giáo viên), khi giáo viên chủ nhiệm lớp đã hoàn thành công việc được nhà trường giao là thu giúp các khoản tiền bắt buộc và tự nguyện nộp đầu năm của học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, theo phản ánh Báo GD&TĐ nhận được, đến tháng 1/2010, khi Sở Y tế có công văn về khoản tiền bảo hiểm y tế bắt buộc phải đóng 150.000đ/học sinh, thì giáo viên đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục phụ huynh thực hiện quy định mới này. Không được sự ủng hộ của phụ huynh là đóng tiền bảo hiểm y tế cho học sinh, với nhiều lý do, giáo viên đã trao đổi lại với nhà trường. Song, cũng theo phản ánh từ bạn đọc, với trường hợp này nhà trường đã có “ứng xử” khiến giáo viên lo sợ: Giáo viên không thu được tiền bảo hiểm y tế bắt buộc của học sinh để nộp lên nhà trường, nên bị Ban giám hiệu nhà trường “kỷ luật” cho... nghỉ một buổi dạy và “dọa” giáo viên sẽ phải chịu thêm “phức tạp” nữa vì không hoàn thành “nhiệm vụ” “thu tiền hộ”.
Giáo viên không thể là những thủ quỹ "bất đắc dĩ". (Ảnh mang tính minh họa) |
Giáo viên thu giúp nhà trường một khoản tiền đóng góp bắt buộc từ học sinh: có Nên?
Vì lý do “tế nhị”, không muốn làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường và giáo viên nêu trên, Báo GD&TĐ đã trao đổi với Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh- ông Ngô Thế Lý về trường hợp này. Ông Ngô Thế Lý cho biết: Việc cơ quan bảo hiểm tỉnh có công văn về khoản thu bắt buộc- bảo hiểm y tế học sinh từ tháng 1/2010 là có thực và đúng với quy định mới.
Bên cạnh đó, việc một số trường học giao cho giáo viên chủ nhiệm thu giúp các khoản tiền đóng góp của phụ huynh và học sinh như tiền học phí, tiền bảo hiểm... là một thực tế khá phổ biến. Vì theo lý giải của ông Ngô Thế Lý, kế toán, thủ quỹ của nhà trường số lượng có hạn, lại phải làm nhiều công việc khác (bên cạnh việc thu tiền của học sinh); nếu kế toán, thủ quỹ phải thu nhiều khoản tiền của học sinh cả trường trong một thời hạn nhất định thì bộ phận kế toán, thủ quỹ có thể không làm kịp được, nên nhà trường đã nhờ giáo viên “thu giúp”.
Cách thức nhà trường nhờ giáo viên thu giúp nhiều khoản tiền khác nhau từ học sinh cũng là phù hợp- theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh- vì giáo viên chủ nhiệm là người có thể nói chuyện trực tiếp với từng học sinh và giải thích cho phụ huynh trong lớp (nếu có thắc mắc). Còn việc thu có đúng các khoản được phép thu hay không lại là một chuyện khác.
Nhà trường không được tạo sức ép quá mức đối với giáo viên khi thu các khoản đóng góp từ học sinh và phụ huynh
Về tình huống nhà trường có “ứng xử” khiến giáo viên lo sợ khi không hoàn thành được việc “thu giúp” trên, ông Ngô Thế Lý cho rằng: Có thể, việc thu bảo hiểm y tế hay một số khoản thu khác không được tất cả các phụ huynh đồng thuận, một số phụ huynh không chịu nộp cho giáo viên chủ nhiệm (khi giáo viên thu giúp nhà trường), khiến giáo viên lo lắng, nhà trường dọa giáo viên... là một khía cạnh nhà trường cần xem xét.
“Tôi được biết các ban giám hiệu không quá nặng nề về vấn đề này lắm!” (không quá nặng nề việc bắt giáo viên phải thu cho được các khoản đóng góp từ học sinh- PV)- ông Ngô Thế Lý khẳng định. Tuy nhiên, ông Chánh văn phòng cũng trao đổi rằng: Trong cách “xử lý” của Ban giám hiệu ở trường học nêu trên, nếu có chuyện “dọa dẫm” giáo viên vì không thu được tiền của học sinh thì không nên, giáo viên chỉ “thu hộ” cho nhà trường, “dọa dẫm” giáo viên là sai. “Có thể đây chỉ là trường hợp cá biệt”.
Cũng với tình huống trên, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh gợi ý rằng: Khi giáo viên phản ánh không thu được khoản đóng góp bắt buộc từ học sinh và phụ huynh thì Ban giám hiệu nhà trường phải cùng giáo viên động viên, giải thích với phụ huynh, để phụ huynh hiểu và thực hiện đúng quy định. Ngay cả khi Ban giám hiệu đã tham gia thuyết phục phụ huynh không được thì có thể phối hợp với cơ quan ra văn bản thu khoản đóng góp (ở trường hợp này là cơ quan ra công văn yêu cầu thu tiền bảo hiểm y tế trong học sinh, tại địa phương).
Tưởng chừng chỉ là chuyện giáo viên “thu hộ” các khoản tiền cho nhà trường. Song, nếu nhà trường “cảm thông” hơn cho giáo viên (bên cạnh công tác giảng dạy, làm chủ nhiệm, còn phải làm “nhiệm vụ” ngoài chuyên môn như một “thủ quỹ, kế toán” bất đắc dĩ) và nếu phụ huynh có ý thức “hợp tác” hơn với nhà trường (trong các khoản đóng góp bắt buộc)... thì có lẽ không xảy ra chuyện giáo viên phải buồn, lo lắng quá mức từ những ứng xử “không khéo”.
Lan Hoàng