Đừng đổ lỗi cho nghèo

Ủng hộ và bênh vực người nghèo là điều nên làm nhưng ủng hộ cả cái sai của họ thì dù bạn có nhân danh bất cứ điều gì, xã hội cũng không đồng tình. Nghèo hay giàu thì cũng phải chấp hành luật một cách nghiêm minh nhất, khi ấy xã hội mới ngày càng văn minh và tiến bộ được. 

Trường hợp chị bán rau ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) trở thành tâm điểm của dư luận từ mấy bữa nay chính là câu chuyện về người nghèo nên ứng xử thế nào trước luật pháp. Cụ thể ở đây là chị bán rau nên ứng xử thế nào với những người nhân danh luật pháp để thực thi công vụ.

Nếu chỉ xem đoạn clip ghi lại cảnh chị bán rau van xin đội trật tự “tha cho em vì em phải nuôi con” và những lời quát nạt rất lạnh lùng của bà phó chủ tịch phường thì những ai hay mủi lòng cũng sẽ “đứng về phía nước mắt”, tức đứng về phía chị bán rau. Trong trường hợp này, “chủ nghĩa duy cảm” đã làm lu mờ luật pháp. Đa số người Việt mình hiện nay, hễ thấy quan chức mà có lời qua tiếng lại với dân, bất luận đúng sai, cứ xúm vô chửi quan chức và bênh dân cái đã. Bởi vậy, số đông chưa hẳn đã đúng, ít ra là trong trường hợp này.

Đa số trách bà phó chủ tịch phường là “ác” với người nghèo. Sao lãnh đạo mà lại gọi dân là “mày”, và “con điên”! Có lẽ cái sai của bà phó chủ tịch là cách “đối thoại” với chị bán rau chứ không phải sai về thực thi nhiệm vụ. Cả nước đang chống dịch như chống giặc mà chị cứ lang thang hết phố nọ đến khu kia để bán rau, xe thì không có biển số, không bảo đảm an toàn trong việc chống dịch thì cũng rất khó để cho những người thực thi nhiệm vụ “thông cảm” cho chị. Đã thế, khi xin không được, chị rút dao ra dọa tấn công người thi hành công vụ ngay.

Thêm nữa, đây lại là lần thứ 4 trong vòng một tuần, chị bán rau cứ lặp đi lặp lại sai phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Chính quyền cũng đâu có cấm bán rau, chỉ là yêu cầu phải vào chợ mà bán để dễ quản lý dịch bệnh thôi. Giả dụ như chị ấy là người được xác định dương tính với SARS-CoV-2 thì sẽ có bao nhiêu khu phố ở Hạ Long, bao nhiêu nghìn người bị cách ly đây? Nhà nước sẽ phải tốn bao nhiêu tiền cho việc cách ly và chữa bệnh nếu xảy ra dịch bệnh mà người đi “gieo” lại là chị bán rau kia? Chúng ta nên đặt trong những giả định như thế để rồi đưa ra quan điểm “ủng hộ” hay “phản đối” trước câu chuyện này.

Sau khi dư luận lên tiếng phản đối cách ứng xử quá “rát” của bà phó chủ tịch phường Bãi Cháy, lãnh đạo phường này cũng đã nhận ra cái sai của mình trong quá trình xử lý vụ việc và cũng đã đến tận nhà chị bán rau để xin lỗi. Đây là hành xử rất có trách nhiệm và đầy thiện chí với dân dù cho không ít người cho rằng việc làm đó nhằm đối phó với công luận.

Trước thiện chí trên, lẽ ra chị bán rau cũng cần nhận ra những lỗi lầm của mình để sửa chữa, đằng này chị dấn thêm một bước là buộc chính quyền phải mang chiếc xe không biển số của chị đến nhà xin lỗi thì chị mới chấp nhận!

Đã đến nước này thì chính quyền TP Hạ Long cũng nên xử theo luật như họ từng xử phạt 9 tháng tù giam cho một thanh niên vi phạm luật giữa đại dịch Covid-19 mới đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...