Và thời điểm này, trẻ bị sặc hạt dưa, hạt bí, hướng dương… là tình trạng thường xuất hiện làm không ít ba mẹ cuống cuồng.
Trước tình huống này, nếu gia đình không biết cách xử lý, có thể sẽ mang lại nhiều kết quả không hay cho bé yêu, làm mất đi không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới.
Lưu ý khi trẻ ăn các loại hạt
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, ghi nhận nhiều năm cho thấy tỉ lệ trẻ bị sặc hạt dưa nhiều nhất là trẻ mới tập bò hoặc đang tập đi chập chững. Ngày tết, hầu hết nhà nào cũng mua không nhiều thì ít những loại hạt nói trên để đãi khách.
Hạt được để trên bàn nhưng vỏ hạt dưa, hạt bí, hướng dương… cũng có thể nằm rải rác dưới sàn nhà. Trong khi đó, trẻ thường bị hấp dẫn bởi màu sắc xanh đỏ và những vật bé nhỏ mà tay bé có thể với tới. Vì vậy, chỉ cần thấy hạt hay vỏ hạt ở đâu đó, bé sẽ nhặt và bắt chước người lớn cho ngay vào miệng.
Những tình huống thường gây sặc hạt ở trẻ
1. Khi phát hiện bé cho hạt hay vỏ hạt vào miệng, người lớn thường hốt hoảng đưa tay vào miệng bé móc hạt ra. Hành động hét, la của người lớn sẽ làm bé giật mình hoảng sợ và nuốt chửng vỏ, hạt vào họng.
Lúc này, việc người lớn cố móc sẽ làm hạt rơi vào đường thở hoặc phổi… Hành động trên có thể sẽ làm bé khó thở.
2. Hai trẻ cùng ăn và cùng giành giật với nhau. Khi giành giật được, trẻ thường đưa vào miệng và nuốt vội vàng. Song song đó, khi ba mẹ phát hiện thường hay can thiệp và chính hành động này ít nhiều cũng sẽ làm trẻ bị sặc nếu đúng lúc trẻ cố nuốt hạt xuống cổ.
3. Trẻ vừa ăn vừa cười đùa hay giỡn khóc… cũng là một trong những tình huống thường gây ra sặc hạt dưa, hạt bí, hướng dương.
Hậu quả
Khi bị sặc, nguy cơ hạt hay vỏ hạt rơi vào đường thở là rất cao. Thậm chí, có thể hạt rơi vào phổi, ngay cả người lớn nhiều khi không để ý cũng khó mà phát hiện ra. Có người phải trải qua nhiều lần hội chẩn hay nội soi mới phát hiện ra.
Nếu hạt bị lọt vào đường phổi, trẻ sẽ ho sặc sụa, khó thở ngay lập tức, thậm chí có thể tím cả người. Đây là dấu hiệu cho thấy cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gấp.
Nếu phát hiện dị vật, bác sĩ sẽ có biện pháp gắp dị vật. Nếu không đưa trẻ đi khám thì rất dễ dẫn đến tình trạng viêm phổi và bị áp xe. Lúc này, nguy cơ trẻ bị tử vong sẽ rất cao.
Phòng ngừa và hướng xử lý
- Không để những loại hạt này ở vị trí mà trẻ có thể lấy được.
- Chỉ cho bé ăn hạt sau khi đã bóc vỏ, làm mềm.
- Không để trẻ đùa giỡn, khóc, giành giật nhau khi ăn.
- Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sặc, ho, không nên dùng tay cố móc họng bé mà nên bình tĩnh để xử lý.
- Vuốt và vỗ nhẹ sau lưng bé để giúp bé dễ thở.
- Sau đó, nếu bé vẫn còn khó thở thì nên áp dụng phương pháp vỗ lưng (Đặt nạn nhân nằm sấp, đầu thấp xuống trên cánh tay của người ứng cứu rồi dùng lòng bàn tay còn lại vỗ lưng năm cái thật mạnh và nhanh ngay vùng giữa xương bả vai), ấn ngực (Sau đó lật ngửa bé lại, dùng hai ngón tay ấn ngực năm cái. Tiếp tục thực hiện quy trình trên 5 – 6 lần cho đến khi bé thở dễ.
Khi đã sơ cứu để lấy thức ăn ra hoặc nạn nhân đã thở lại được, nên chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện để nhân viên y tế có những bước xử trí sặc triệt để hơn.
Trong trường hợp áp dụng những biện pháp sơ cứu trên mà bé vẫn không có dấu hiệu tiến triển theo chiều hướng tích cực thì nên đưa bé đi cấp cứu gấp.
Những loại hạt này không chứa nhiều chất dinh dưỡng
Thật ra, tỉ lệ dinh dưỡng trong các loại hạt này không nhiều nhưng nguy cơ sặc thì có thể xảy ra không chỉ với trẻ em mà còn với người lớn.
Tùy vào miệng dính nước chúng sẽ mềm ngay những có lẽ vì vậy mà nó rất dễ trơn và lọt vào đường thở.
Ngoài ra, dù những loại hạt trên được bóc tách ra và sấy khô nhưng vì mục đích tạo màu sắc bắt mắt, tích trữ lâu không bị hư… một số nhà sản xuất sẽ thêm vào phẩm màu…
Tỉ lệ này có thể trong giới hạn những cũng có thể ngoài giới hạn vì không phải sản phẩm nào cũng được kiểm soát nghiêm ngặt. Vì vậy, nếu chẳng may bé ăn phải những hạt trên cũng có thể bị ngộ độc.