Đừng để tâm lý "trường điểm" chi phối!

Đừng để tâm lý "trường điểm" chi phối!

(GD&TĐ) - Tại các thành phố lớn, vấn đề chọn trường, chọn lớp luôn là đề tài nóng trong mọi câu chuyện của các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp một. Chị Lan ở Trung Văn chia sẻ: Có con đầu chuẩn bị vào lớp một nên gia đình rất lo lắng, từ hơn một năm trước anh chị đã tìm hiểu người quen để học hỏi kinh nghiệm.

Được biết cô A, cô C ở trường thường xuyên được dạy lớp chọn nên chị đã nhờ người manh mối để “gửi con” cho chắc chắn. Để con được vào lớp như ý bố mẹ cũng phải chi một khoản kha khá tất nhiên là phải qua người quen. Có phụ huynh còn chia sẻ: Vì tiện cho việc đưa đón cộng thêm thương hiệu của trường mà nhiều phụ huynh đã chấp nhận bỏ chi phí để có được một suất trái tuyến.

Theo suy nghĩ của họ sự đầu tư dù có “nặng đô” một chút nhưng con cái sẽ được học ở một môi trường tốt nhất. Cô H là GV có thâm niên dạy lớp 1 tại một trường có tên tuổi trong quận T chia sẻ, hầu như năm nào chị cũng bị phụ huynh tới nhờ vả thậm chí cả những người không có con tới đặt thẳng “vấn đề”.

Theo cô phụ huynh chạy theo việc bằng mọi giá cho con vào trường điểm khiến nhiều kẻ cơ hội tìm cách móc nối để kiếm chác. Một số hiệu trưởng trong thời gian tuyển sinh cũng đã phải thay số điện thoại thường dùng để hạn chế việc nhờ cậy trong công tác tuyển sinh.

Là người trong cuộc cô H chia sẻ: Phụ huynh đừng nên quá kỳ vọng vào trường điểm bởi theo cô chất lượng GV giữa các trường hiện nay không quá chênh lệch. Nếu cứ đổ xô vào một số trường sẽ khiến cho các trường đó quá tải. Với một lớp mà sĩ số quá đông sẽ rất khó khăn cho việc giảng dạy và học tập trên lớp của cô và trò.

c
Hạn chế trái tuyến sẽ giảm áp lực cho HS 

Tuy nhiên có một thực tế đang diễn ra đó là những trường trong nội đô thì số lượng HS trên một lớp là quá tải do mật độ dân cư cao trong khi đó ở nhiều trường ngoại thành hoặc những trường mới thành lập số lượng HS tại một lớp ở mức vừa phải. Tại quận Thanh Xuân những trường có lượng HS trên một lớp khá cao như Trường tiểu học Đặng Trần Côn A, Đặng Trần Côn B.

Trong khi đó những trường cơ sở khang trang, chất lượng giảng dạy khá tốt nhưng do mới được thành lập như Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung thì số lượng HS ở các lớp ít hơn. Tại quận Hà Đông, những trường có số lượng HS đông tập trung ở trung tâm của quận như Trường tiểu học Nguyễn Trãi, tiểu học Lê Lợi trong khi đó những trường như Giang Biên, Phú Lương có số học sinh theo đầu lớp chỉ vào khoảng 30 HS.

Để thực hiện công tác tuyển sinh các cấp có hiệu quả, bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng giáo dục Hà Đông (Thành phố Hà Nội) cho biết: Ngay từ những tháng cuối năm học, phòng GD&ĐT đã lên kế hoạch tuyển sinh đầu cấp. Việc điều tra phổ cập để nắm tình hình HS ở đầu cấp, rà soát số dân nhập cư trên địa bàn luôn được chú trọng. Trên cơ sở đó, phòng giáo dục đã tham mưu với UBND quận để phân tuyến cho phù hợp. Trường hợp trong quá trình điều tra nếu tuyến nào quá đông, phòng giáo dục sẽ họp với các hiệu trưởng để có kế hoạch tách tuyến cho hợp lý.

Hà Nội đã áp dụng chủ trương tuyển sinh theo hình thức “Ba tăng, ba giảm” (ba tăng: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Ba giảm: Giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn) của ngành của ngành GD Hà Nội; đặc biệt tránh tình trạng quá tải ở một số trường. Nhưng bài toán này xem ra vẫn nan giải nếu không có sự hợp tác nhiệt tình của phụ huynh.

Châu Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ