Đừng để “sai một li…”

GD&TĐ - Trên bản tin thời sự VTV1 ngày 10/8, tiếng khóc đau đớn của 3 học sinh độ tuổi mầm non hẳn khiến nhiều ông bố, bà mẹ xót xa. Tai nạn đáng tiếc xảy ra tại lớp học do cô giáo dùng cồn để dạy trẻ kỹ năng phòng chống cháy nổ.

Ảnh intenet
Ảnh intenet

Vụ việc xảy ra khi các cô giáo dạy kỹ năng phòng chống cháy nổ tại một lớp học mầm non tư thục cho khoảng 25 học sinh. Khi cô giáo dùng cồn đổ vào mâm giáo cụ, rồi châm lửa để dạy trẻ cách dập lửa, không may gió thổi tạt cồn đang cháy vào 3 trong số 25 trẻ đang đứng xung quanh. Có 3 trẻ bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.

Trước nay, trong các nhà trường, việc GD kỹ năng sống cho HS rất được chú trọng, nhưng luôn có quy định rõ: Nội dung dạy học phải phù hợp với độ tuổi HS; giáo viên, người hướng dẫn kỹ năng phải đủ kiến thức, được đào tạo bài bản; nội dung GD kỹ năng sống cần có giáo trình, giáo án, được phê duyệt… cùng các điều kiện về cơ sở vật chất khác.

Với HS mầm non, việc GD kỹ năng thoát hiểm khi cháy nổ là cần thiết. Tuy nhiên, khi cho HS ở độ tuổi quá nhỏ (độ tuổi mầm non), trực tiếp tiếp xúc với các chất nguy hiểm như lửa, cồn… là hoàn toàn sai lầm, đi ngược lại những nguyên tắc về giáo dục phòng chống cháy nổ. Rất nhiều hiểm họa khi cho trẻ ở gần lửa như vậy.

Tưởng tượng hơn 20 trẻ ngồi vây quanh một cái mâm có cồn, có lửa, chưa cần một cơn gió tạt qua, việc các cháu còn quá nhỏ, hiếu động, nô đùa cũng có thể ngã vào cái mâm đó đã thấy quá nguy hiểm. Bản thân cô giáo không thực hiện an toàn phòng chống cháy nổ trong giờ dạy của mình.

Một hiệu trưởng trường THPT chia sẻ về việc năm nào nhà trường cũng tổ chức đưa HS đến tận Trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy để thực hành thoát hiểm khi gặp tình huống cháy nổ. Trường phải đưa HS đến tận nơi có các mô hình mô phỏng tình huống thoát hiểm, có GV am hiểu sâu, có các điều kiện bảo đảm an toàn cho HS. Vậy nhưng mỗi lần đưa HS đi, GV toàn trường cũng đều được thông báo phải dồn tâm sức quản lý lớp, cùng phối hợp, nhắc nhở HS. Bởi chỉ sểnh ra một chút thôi là HS có thể bị tím chân, xước tay… chỉ vì nô đùa, đùn đẩy nhau khi thực hành thoát hiểm…

Hay như để tổ chức một lớp dạy bơi cho HS, phải sắp xếp số lượng HS, GV rất cẩn trọng, người dưới nước, người trên bờ quan sát, nếu sơ sẩy không để ý là xảy ra chuyện không thể cứu vãn được… Vị hiệu trưởng nhận định: Dạy HS học kỹ năng cần sự cẩn trọng; đầu tư kỹ lưỡng cả về kiến thức lẫn cơ sở vật chất.

Trong thực tế, ở độ tuổi HS mầm non, các cháu chỉ nên xem các video clip hoặc thực hành thoát khỏi nơi cháy nổ theo phương pháp minh họa. Không nên dạy học theo cách trực tiếp. Ở độ tuổi lớn hơn, việc cho HS tiến hành các thí nghiệm liên quan đến những tình huống nguy hiểm cũng cần hết sức cẩn trọng. Còn nhớ cách đây 2 năm, sau khi kết thúc giờ thí nghiệm, khi cô giáo rời lớp sớm, do tò mò, một số HS Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã đốt giấy phenolphtalein và lấy lọ cồn dưới gầm bàn lên đổ vào, gây ra vụ nổ phòng thí nghiệm và làm bỏng một số bạn đứng bên cạnh...

Các hoạt động trong nhà trường, dù là giờ GD kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng đều đòi hỏi sự quản lý kỹ lưỡng, không được bất cẩn dù chỉ một phút giây. Nhà trường, người quản lý đơn vị phải bảo đảm GV có đủ kiến thức và trách nhiệm, lớp học có đủ các điều kiện về an toàn. Bởi nếu không, sai một li, đi một dặm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.