Đừng để mất Tết vì nhầm tưởng tủ lạnh là kho thực phẩm an toàn

Nhiều người nghĩ rằng tủ lạnh chính là chiếc kho có thể bảo quản thực phẩm hiệu quả trong suốt mấy ngày Tết. Vậy nhưng năm nào cũng có nhiều trẻ em, người lớn nhập viện vì ăn các đồ ăn này.

Đừng để mất Tết vì nhầm tưởng tủ lạnh là kho thực phẩm an toàn

Vì sao thực phẩm vẫn bốc mùi trong tủ lạnh?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong dịp Tết, năm nào cũng có nhiều trẻ đến viện vì rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Tương tự, tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), cảnh bệnh nhân đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn… vì ngộ độc thực phẩm không phải là hiếm, dù ăn thực phẩm của nhà, được lưu trữ trong tủ lạnh.

“Nguyên nhân của tình trạng này, do nhiều người cứ ngỡ tủ lạnh như một chiếc tủ thần kỳ, chỉ cần cho thực phẩm vào đó là có thời hạn bảo quản vĩnh viễn”, TS Dũng nói.

Dung de mat Tet vi nham tuong tu lanh la kho thuc pham an toan - Anh 1

Đồ ăn trong ngày có thể để ngăn mát tủ lạnh nhưng cần bọc kín, xếp thông thoáng để luồng khí được lưu thông tốt hơn.

Theo TS Dũng, thói quen tích trữ đồ ăn ngày Tết của người Việt không thể bỏ bởi đi sâu vào tiềm thức, tâm lý, lo ngại thiếu đồ ăn thì “rông” cả năm. Thế nên “thừa hơn thiếu”, nhiều gia đình chất đầy ứ thức ăn trong tủ lạnh, khiến tủ “thở” cũng không nổi.

Và đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người “ăn đồ tủ lạnh” vẫn bị đau bụng. Do tất cả các đồ thực phẩm được bà nội trợ sắm để chung trong tủ lạnh, từ các đồ tươi sống đến đồ ăn sẵn (đông, giò, nem…).

“Tủ lạnh chỉ làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn chứ không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Vì thế, vi khuẩn vẫn âm thầm sinh sôi. Trong khi đó, đưa quá nhiều loại thực phẩm vào cùng một chỗ, chỉ cần một món đồ bị nấm mốc sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm các vi trùng, nấm mốc sang các thực phẩm khác”, TS Dũng nói.

Bên cạnh đó, nguyên tắc để đồ ăn trong tủ lạnh là phải đủ thoáng để luồng khí lạnh có thể đi qua, bao phủ đều thì việc xếp chật, kín mít cũng làm giảm hiệu quả bảo quản thực phẩm.

Vì thế, các bà nội trợ nên tính toán mua lượng thực phẩm vừa phải. Trước khi bảo quản thực phẩm cần lau dọn tủ sạch sẽ bằng nước ấm pha giấm. Thực phẩm cần rửa sạch, để ráo nước, cho vào túi đựng thực phẩm bọc kín, để ngăn đá tủ lạnh.

Thực phẩm sống ăn trong ngày để ngăn mát cũng theo nguyên tắc này, đừng thể thực phẩm “tơ hơ” trên đĩa mà hãy cho vào hộp, túi bọc kín, để ngăn phía dưới để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Đồ ăn chín cần bọc kín, để hộp riêng, để lên các ngăn trên cùng.

Nhận diện thực phẩm đã hỏng

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khuyến cáo người dân cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông,những đồ chứa nhiều gia vị, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần; đồ đông lạnh khi đã hỏng.

Vậy nhận diện đồ đông lạnh hỏng như thế nào? Bởi khi còn đông lạnh, bạn sẽ không nhận ra mùi bất thường của sản phẩm. Với những món đồ đông lạnh khi rã đông, nếu đã hỏng sẽ bốc mùi khó chịu, bất thường, hãy bỏ nó.

Thực phẩm đông lạnh hỏng có thể gặp là thịt, cá… do quá trình vận chuyển xa, nhen nhóm dấu hiệu hỏng thì bà nội trợ nhận được (nhưng lúc này chưa biểu hiện rõ rệt), nên cất đi bảo quản. Với những thực phẩm này, khi lấy ra rã đông sẽ có mùi.

Các loại thực phẩm xuất hiện vết đen, xanh, đỏ bất thường cho thấy có dấu hiệu của nấm.Trái cây, rau xanh bị nhũn, xuất hiện nấm trắng cũng nên bỏ.

Các thức ăn sẵn như giò… có dấu hiệu hỏng khi bề mặt vết cắt giò có màu khác với phần còn lại của giò… hoặc có mùi bất thường; thịt đông có mùi bất thường cần bỏ.

Khi ăn thức ăn sẵn trong tủ lạnh cần nấu chín lại ở nhiệt độ 100 độ C để tiêu diệt vi khuẩn (có nguy cơ lây nhiễm từ nguồn thực phẩm khác). Tuyệt đối không hâm qua trong lò vi sóng bởi việc hâm nóng thức khó đảm bảo đủ nhiệt độ tiêu diệt vi trùng.

Đảm bảo được các nguyên tắc này sẽ giảm được nguy cơ ngộ độc, để ngày Tết bạn và gia đình không phải xông đất bệnh viện.

Theo Phụ Nữ News/Dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ