Anh làm lái xe, công việc thường làm theo ca, hôm làm đêm, hôm làm ngày. Chị là giáo viên, giờ giấc công việc ổn định. Cả hai anh chị đều dùng Facebook và biết mật khẩu của nhau. Lúc rảnh, với chiếc smartphone trên tay, anh có thể vào Facebook của vợ để kiểm soát, theo dõi từng hoạt động.
Trong Facebook của chị có bạn thời cấp III, bạn thời ĐH và bạn đồng nghiệp… Mỗi lần thấy nick chị “bật đèn”, bạn bè thường hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình rồi chuyện cuộc sống vợ chồng. Cũng có khi là chuyện trao đổi nghiệp vụ hay nhắc về những kỷ niệm của nhau.
Bạn hỏi thăm thì chị phải trả lời. Đọc được các đoạn hội thoại chị chát với bạn (nam) là anh chì chiết, tra khảo. Những tấm ảnh chị chụp chung với bạn, có cả những người bạn nam được post lên, tag qua Facebook chị.
Từ những câu bình luận dí dỏm dưới ảnh bạn nam đưa lên Facebook , anh suy diễn, cho rằng chị không chung thủy, có mối quan hệ bất chính bên ngoài.
Những ghen tuông vô cớ khiến người chồng luôn tra khảo, khủng bố tinh thần chị. Ngày chị mang thai, anh bảo: “Chưa chắc gì nó là con tao”.
Đi làm đêm, anh khóa cửa, mang chìa khóa theo để chị không thể ra ngoài. Cả đêm bị thai hành chị chỉ biết cầu cứu hàng xóm giúp đỡ qua cửa sổ.
Đi làm về, thấy trong nhà có đồ ăn, anh cũng ghen, tra khảo vợ: “Mày gọi trai đến chứ gì? Tối qua tao thấy mày nói chuyện trên phây đó”.
Những lần đi dạy, bị tụt huyết áp, chị gọi điện thoại cho anh đến đón về, anh lạnh lùng nói: “Mày tự đi mà về. Tao không phải là cha nó”. Đắng cay. Xót xa. Tủi hờn. Chị chỉ biết cắn răng chờ ngày con chào đời anh sẽ thay đổi.
Chị đổi mật khẩu, anh bảo: “Mày làm thế để hẹn hò với trai chứ gì”. Chị tức tưởi: “Tôi không mê Facebook nhưng không bỏ được nó vì đó là nơi tôi có thể chia sẻ, tâm sự, trải lòng mình.
Biết anh ấy ghen, tôi đã hạn chế nói chuyện với bạn trên đó. Có nick của người nam vào kết bạn tôi cũng chẳng dám chấp nhận để anh ấy biết mình luôn coi gia đình, chồng con là nhất. Thế mà…”.
Đã rất nhiều lần gia đình hai bên can thiệp, chị giải thích nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Mới đây, chị đến tòa án nộp đơn xin ly hôn.
Trong đơn chị viết: Anh chị kết hôn từ năm 2012, có một con gái chung hai tuổi. Cuộc hôn nhân của anh chị chỉ mới hơn ba năm nhưng không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Anh hay ghen vô cớ, dù chưa đánh vợ nhưng luôn bạo lực về tinh thần. Chị đã nhiều lần viết đơn ly hôn nhưng rồi nghĩ gắng chịu đựng, yêu thương và quan tâm anh nhiều hơn sẽ giữ hạnh phúc gia đình cho con.
“Nhưng giờ thì khác, nếu cố níu kéo hạnh phúc mà vợ chồng cứ chì chiết, giận hờn, to tiếng… với nhau thì con sẽ là người hứng chịu tất cả” - chị quyết tâm.
Chị thì không bỏ được Facebook , anh thì cứ thót tim mỗi lần vợ vào mạng. Mọi chuyện mâu thuẫn từ đó mà ra, kéo dài không dứt…
81% trong 1.600 thành viên Hiệp hội Các luật sư tranh chấp hôn nhân Mỹ (AAML) cho hay số vụ ly hôn, tranh chấp pháp lý, giành quyền nuôi con... có sử dụng bằng chứng từ Internet ngày càng gia tăng trong năm năm qua.
66% cho rằng Facebook là ngọn nguồn gây ra nhiều vụ ly hôn và giành quyền nuôi con nhất. Tiếp sau đó là MySpace với 15% và Twitter 5%.
Kenneth Altshuler, Phó Chủ tịch thứ nhất của AAML, người đã làm luật sư ly hôn 25 năm, nói: “Facebook là nơi chứa quá nhiều thông tin. Lời khuyên đầu tiên mà tôi dành cho khách hàng của mình là “Hãy đóng cửa trang Facebook!”.
Nguồn: Theo Reuters