Đưa người nơi khác về làm bí thư có bị cô lập?

GD&TĐ - Giải pháp bí thư không phải là người địa phương là giải pháp giải quyết tình trạng hiện nay cục bộ, bè phái lợi ích nhóm, đồng thời đây cũng là giải pháp khắc phục yếu kém của công tác cán bộ trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Chưa có một cán bộ nào luân chuyển về địa phương mà bị “cô lập”.
Ông Nguyễn Ngọc Phương: Chưa có một cán bộ nào luân chuyển về địa phương mà bị “cô lập”.

Có thể xảy ra tình trạng bị cô lập

Nghị quyết Trung ương 7 về là bước đột phá quan trọng, yêu cầu sắp tới phải có cải cách và thay đổi, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đối với nền hành chính quốc gia.

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Theo ông Phương, có thể xảy ra tình trạng đưa người nơi khác về làm bí thư dễ bị cô lập nhưng nó vẫn là điều khó xảy ra trong tình trạng hiện nay. Thời gian qua có rất nhiều cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương, về các tỉnh. Từ các tỉnh này phần lớn họ trưởng thành, chưa có một cán bộ nào luân chuyển về địa phương mà bị “cô lập”.

“Vấn đề ở chỗ là con người ấy có phải là con người tài năng không? Phát huy được năng lực, phẩm chất và trí tuệ hay không? Còn nếu như họ về mà không có bản lĩnh, xuôi chiều theo một xu hướng nào đó, theo một nhóm nào đó thì bị cô lập là điều tất yếu xảy ra” - ông Phương nói, đồng thời cho rằng, trong quá trình luân chuyển bí thư không phải người địa phương thì ở đây là nếu quan tâm đặc biệt thì không nên đưa người ở những địa phương quá xa nhau.

Ví dụ người Miền Trung thì bố trí về Miền Trung hoặc là người Miền Bắc thì nên đi các tỉnh ở Miền Bắc… Họ sẽ hiểu đặc điểm, văn hóa tính cách, con người thì thuận lợi hơn. Chứ không nên đem người Miền Nam ra Miền Bắc, hoặc Miền Trung vào Miền Nam.

Có biểu hiện phe phái, cục bộ

Cũng theo ông Phương, thực tế hiện nay có những biểu hiện người địa phương mà làm Bí thư, Chủ tịch ở địa phương ấy bao giờ cũng có biểu hiện phe phái, cục bộ, có biểu hiện không tốt, thậm chí nhiều khi muốn bổ nhiệm người địa phương đó có tài, có đức, có năng lực nhưng mà người khác cho rằng người địa phương cục bộ nên không nên để cho người địa phương làm Bí thư ở đó.

Theo ông Phương, ở địa phương thường xuất hiện hai xu hướng. Thứ nhất, người đứng đầu bổ nhiệm mang tư tưởng lợi ích nhóm, bè phái cục bộ bổ nhiệm người nhà. Người dân lên án. Đây là xu hướng tôi cho là tốt.

Nhưng còn có xu hướng thứ hai, nhiều bổ nhiệm đúng hoặc người nhà người thân của lãnh đạo không phải do họ bổ nhiệm mà có từ trước đó nhưng đến khi họ lên giữ vị trí chủ chốt lại bị một số phần tử lợi dụng quay trở lại thống kê số người ấy, lên án.

"Theo tôi nếu có tiêu cực cần có giải pháp xử lý? Chính phủ, Bộ Chính trị cần xây dựng thể chế trong vấn đề bổ nhiệm, đề bạt, có thể tổ chức thi cử các chức danh. Như thế sẽ chọn được người tài, những trường hợp con em của các lãnh đạo, người đứng đầu thực sự có tài, có đầy đủ bằng cấp thì có thể tham gia thi tuyển mà không ai có thể đưa vấn đề này ra cho là tiêu cực" -  ông Nguyễn Ngọc Phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ