Đưa học sinh dân tộc tới trường: Cần nhiều cú hích đồng loạt

Đưa học sinh dân tộc tới trường: Cần nhiều cú hích đồng loạt
 

(GD&TĐ) - Bát Xát (Lào Cai) là huyện vùng cao biên giới với diện tích tự nhiên lên tới 106.189,7 ha và có chiều dài biên giới là 98,8 km. Toàn huyện có 23 xã, thị trấn, 14 dân tộc, giao thông đi lại khó khăn. Nhận thức của một bộ phận nhân dân vùng cao về giáo dục còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi. 

Bà Lý Thị Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát - đã có cuộc trò chuyện cùng báo GD&TĐ xung quanh vấn đề trên.

Xin bà cho biết khái quát thực trạng của học sinh dân tộc thiểu số vùng núi cao Bát Xát?

- Có thể thấy, đời sống của người dân Bát Xát còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nghèo và chủ yếu sống bằng nghề nông, hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Do vậy số trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn chiếm tỉ lệ cao ở các xã khó khăn của huyện. 

Tính đến năm học 2012 – 2013, toàn huyện có 77 đơn vị trường học (Mầm non 23; Tiểu học 28; THCS 24). Công tác giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, Sở GD&ĐT.

Các xã, thị trấn đã thực hiện những mục tiêu giáo dục để từng bước nâng cao hiệu quả giáo dục, công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần, phổ cập, xét duyệt học sinh bán trú, chuyển đổi trường và phân luồng sau THCS thực hiện tốt.

Chất lượng giáo dục đã nâng dần, tỷ lệ chuyên cần dần đi vào ổn định, chế độ chính sách của cán bộ, giáo viên, học sinh đảm bảo kịp thời. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học được chú trọng, đặc biệt là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng được nâng lên rõ rệt. So với những năm trước, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm xuống nhờ có chế độ chăm sóc, cải thiện bữa ăn tại trường cho trẻ... 

Được biết, Bát Xát là huyện vùng cao có tới 14 dân tộc khác nhau, nhận thức của một bộ phận nhân dân về giáo dục còn hạn chế. Vậy công cuộc đưa học sinh dân tộc tới trường đến nay còn vướng mắc, bất cập ra sao,  thưa bà?

- Tuy có nhiều nỗ lực, song việc kéo học sinh, đặc biệt học sinh dân tộc thiểu số tới trường tại Bát Xát hiện nay còn tồn tại khó khăn nhất định. Ở bậc Mầm non, học sinh tới lớp khá ổn định (lứa tuổi 2 - 3 tuổi chiếm tới 90% đi học đều và tốt); Cấp Tiểu học đạt trên 90% vì các gia đình đã xác định cho con em đi học để biết chữ, biết tính toán.

Song tới cấp THCS, việc vận động chưa đạt kết quả như mong muốn, đặc biệt ở những xã đặc biệt khó khăn (Trình Tường, Y Tý, Dền Thàng, Pa Cheo…), tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, học xong THCS không theo học tiếp cấp THPT còn nhiều. Cán bộ các cấp, giáo viên… đã rất vất vả, thường xuyên bám bản, bám trường lớp, tích cực vận động việc học sinh tới lớp đầy đủ, tránh bỏ học, trốn học.  

Vậy huyện Bát Xát có giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề này?

Bà Lý Thị Vinh
Bà Lý Thị Vinh
 

- Chúng tôi đã tiến hành nhiều giải pháp. Một mặt, chúng tôi tuyên truyền giải thích để gia đình và các em hiểu rằng việc học có ích rất lớn đối với tương lai các em về sau.

Dù các em sau này không làm cán bộ, không làm công nhân trong các nhà máy xí nghiệp thì kiến thức vẫn giúp ích các em phát triển kinh tế hộ gia đình, kiến thức giúp các em thu được hiệu quả năng suất cao trên chính đồng ruộng, nương rẫy của mình. Và hơn thế, có học các em mới có kiến thức để xây dựng địa phương, gia đình. 

Mặt khác, hàng tuần chúng tôi đều cử cán bộ, thầy cô đến tận thôn bản. Em nào bỏ học, không tới lớp thì phải vận động bằng được để các em trở lại.

Khi các em tới lớp, các thầy cô giáo phải phân công giúp đỡ các em học tập. Đối với những PHHS không tạo điều kiện để con em tới lớp thì phải có những giải pháp vận động hiệu quả...

Bà có nhận xét, đánh giá gì về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh mầm non, tiểu học dân tộc thiểu số miền núi trong thời gian qua tại địa bàn?

- Quyết định số 85/2010/QĐ – TTg ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú giúp các trường PTDTBT đi vào hoạt động và có hiệu quả rõ rệt.

Các trường có học sinh bán trú cũng thuận lợi hơn trong công tác giáo dục như: Điều kiện ăn, ở của học sinh được quan tâm cải thiện, phụ huynh học sinh yên tâm cho con em ở lại trường học tập, rèn luyện về thể chất và hình thành các kỹ năng sống cần thiết, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

Mặt khác, chất lượng giáo dục đại trà được nâng dần, chất lượng mũi nhọn được quan tâm, tỉ lệ chuyên cần chung được nâng lên và chuyển biến tích cực, dần đi vào ổn định. Chính quyền địa phương và phụ huynh cũng nhận thức sâu sắc hơn về công tác giáo dục. 

Với Quyết định 239/QĐ – TTg và Quyết định 60/2011/QĐ – TTg, có tới 23/23 trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện có trẻ 3- 5 tuổi đến trường lớp đều được hưởng thụ chế độ chính sách theo quy định ban hành; Chế độ dinh dưỡng và công tác chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên thu hút trẻ đến trường lớp ngày một đông hơn.

Các tổ chức, các nhà hảo tâm đã nhiệt tình ủng hộ, đặc biệt là phụ huynh học sinh vùng cao đã đóng góp hỗ trợ thực phẩm và tự nguyện đến hỗ trợ nấu ăn cho học sinh tại các điểm trường mầm non...

Theo bà, để triển khai tốt hơn nữa công tác giáo dục dân tộc trong thời gian tới, kinh nghiệm từ huyện Bát Xát rút ra là gì?

- Cần có sự quan tâm của các cấp Ủy đảng, chính quyền tới công tác giáo dục dân tộc, chế độ học sinh; Việc chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả từ các cấp UBND, các sở, ban ngành, phòng GD&ĐT, UBND các xã, thị trấn cũng vô cùng cần thiết. Và việc xét duyệt học sinh đúng đối tượng, quy trình cần tiến hành nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra trong công tác triển khai giáo dục dân tộc. 

Từ tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số, miền núi tại Bát Xát cũng cho thấy cần bổ sung kinh phí cấp dưỡng cho những trường có học sinh bán trú; Nghị định 49/2010/NĐ – CP cần có hướng mở theo đặc thù của từng địa phương để khắc phục những tồn tại.

Một điều quan trọng khác, để phát triển giáo dục dân tộc vùng cao thì cần tạo công ăn việc làm cho người học sau khi ra trường. Nếu các em không nhìn thấy tương lại của việc học, học xong THPT hay Đại học chỉ quay trở về làm nông dân thì sẽ hết sức khó khăn trong việc vận động học sinh tới trường, và học tiếp các bậc học cao hơn.

Xin cám ơn bà!

Toàn huyện Bát Xát có 23 xã, thị trấn với 244 thôn bản, tổ dân phố. Dân số toàn huyện là 14.422 hộ với 14 dân tộc. Trong đó dân tộc Mông chiếm 30%, Dao chiếm 27%, Dáy chiếm 19%, Kinh chiếm 17%... 

Huyện Bát Xát có 10 trường PTDTBT THCS; Số trường có học sinh học bán trú là 20 trường; Cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu cho học sinh học tập và sinh hoạt của học sinh ở các trường PTDTBT ở mức tối thiểu, vẫn còn nhà tạm; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tương đối đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện của nhà trường...  


Sông La thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.