Du xuân ngày Tết

GD&TĐ - Ngoài những nghi lễ tiễn năm cũ, mừng năm mới, có thể nói du xuân là một tục lệ và là một thói quen không thể thiếu mỗi dịp Xuân về.

Du xuân ngày Tết

Mùng 1 Tết cha - Mùng 2 Tết mẹ - Mùng 3 Tết thầy

Người Việt Nam vẫn luôn coi trọng truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Lễ tiết luôn được đặt lên đầu tiên. Mà ở đây, tục lệ đi Tết ông bà nội ngoại (Tết cha – Tết mẹ), chúc Tết người lớn và thăm viếng thầy cô giáo… chính là biểu hiện rõ ràng nhất của tấm lòng hiếu thảo, tôn sư trọng đạo.

Những giá trị tinh thần quý báu này nếu không nhờ lệ du xuân đầu năm thì khó có thể kế tục, truyền tụng từ ngàn xưa đến nay không mai một.

Những nét đẹp về đạo lý làm người này không phải dân tộc nào cũng có. Cái không khí khai xuân của ba ngày Tết càng góp phần làm cho lòng người thêm thánh thiện, sáng trong.

Ngày đầu tiên của năm mới, con cháu sum vầy đông đủ ở nhà bên nội (tức nhà cha) để lễ tạ tổ tiên và ông bà, chú bác trên dưới. Mùng Hai Tết tình xuân vẫn đậm đà, là lúc về thăm quê mẹ để chúc Tết các bậc bề trên, ông bà bên ngoại và làm lễ viếng tổ tiên. Mùng Ba Tết chính là ngày của học trò đi thăm hỏi và chúc Tết thầy cô.

Câu ca “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, "Uống nước nhớ nguồn" đã làm nên những con người trưởng thành của ngày hôm nay.

Lễ chùa đầu năm

Có thể nói, đi lễ chùa đầu năm là một phong tục đẹp trong văn hóa tâm linh người Việt khắp ba miền đất nước. Đi lễ chùa không chỉ đơn giản là vãn cảnh nơi đất Phật mà còn để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân và gia đình trong suốt năm tới. Ngoài ra người ta còn đi lễ chùa với ước vọng an lành, phước lộc, cầu danh lợi, may mắn đầy năm.

Cửa chùa là nơi mở rộng tấm lòng đón những người con đến gửi gắm khát vọng đơn sơ, bình dị hay chỉ đơn giản là đến ngồi thiền, nghe bình kinh giảng Phật.

Nếu không vì có phong tục du xuân thì 12 tháng nào ai có mấy lúc thực sự rảnh rỗi để mà thong dong ngồi nghe trụ trì thuyết pháp. Những ngày này chẳng ai muốn vội vã hay cáu gắt vì sợ “dông” gió. Có cả những người đi làm ăn xa quê, ngày Tết mới có dịp về đi lễ chùa.

Người Việt tin rằng lễ chùa đầu xuân không đơn giản chỉ là cầu ước nguyện mà còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh thanh tịnh sau những ngày vất vả mưu sinh giữa chốn bụi trần.

Du xuân là dịp ta cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi đi giữa dòng người hành hương về nơi cảnh Bụt. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân cùng mùi hương trầm ngan ngát làm cho tâm hồn ta thanh thản. Đó là khi ta tìm về với cội nguồn dân tộc.

Du xuân qua các lễ hội truyền thống

Đến hẹn lại lên, tháng Giêng là mùa lễ hội của các vùng miền, hướng tới những đấng thiêng liêng như Thần, như Phật. Đó chính là hình ảnh hội tụ các phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Tham gia những lễ hội này giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và là nuôi dưỡng đời sống tinh thần.

Ở Miền Bắc có trẩy hội chùa Hương, hội làng Gióng... Người đi trẩy hội để cầu an gia đạo. Nam thanh nữ tú lại chọn hội Lim để được gặp gỡ các liền anh, liền chị, được tham gia vào câu hát giao duyên, thưởng thức tài nghệ của vùng Kinh Bắc, nơi cội nguồn văn hóa của nhiều phong tục đẹp. Lúc này, trời đất vào xuân, vạn vật sinh sôi, lòng người phơi phới, là lúc đẹp nhất để mọi người tham gia lễ hội đầu năm.

Ở miền Trung và miền Nam, hội Xuân thường mang tính đặc thù của từng vùng đất. Nếu miền Nam thường chú trọng phần ăn thì ở miền Trung hội lại tập trung chính vào phần chơi.

Dù “ăn” hay “chơi”, mọi người đều ăn mặc đẹp đẽ, trang trọng, cười nói chan hòa để lấy “may” đầu năm. Nhờ đó mà sau mỗi hội Xuân mọi người gặp nhau có thể hỏi han, trò chuyện dễ dàng hơn. Du xuân đã mang con người về lại gần bên nhau.

Dù “ăn” hay “chơi”, mọi người đều ăn mặc đẹp đẽ, trang trọng, cười nói chan hòa để lấy “may” đầu năm. Nhờ đó mà sau mỗi hội Xuân mọi người gặp nhau có thể hỏi han, trò chuyện dễ dàng hơn. Du xuân đã mang con người về lại gần bên nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ